Ngày 1/8, Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam dẫn đầu đoàn kiểm tra đi máy bay từ TP HCM, ra Đà Nẵng rồi về Hà Nội nhằm tìm hiểu nguyên nhân dẫn chậm, hủy chuyến bay trong thời gian qua. Tại mỗi sân bay, đoàn công tác đều có cuộc họp nhanh để lắng nghe ý kiến của các đơn vị, tìm ra giải pháp khắc phục.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đến cuối tháng 7, các hãng hàng không đã thực hiện 85.000 chuyến bay, nhưng tỷ lệ chậm hủy chuyến bay lên đến 24%. Trong đó, tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay của Vietnam Airlines vẫn đứng đầu danh sách. Chỉ tính riêng mùa cao điểm tháng 7 vừa qua, tỷ lệ chậm chuyến của hãng này tăng 15-17%, năm trước là 10%.
Đại diện lãnh đạo Vietnam Airlines phân trần, không hãng nào muốn chuyến bay của mình bị chậm, hủy vì đây là vấn đề sống còn của các hãng hàng không. Nhưng trên thực tế vẫn còn tình trạng này khiến hành khách bức xúc, dư luận bất bình.
Rồi vị này lý giải, việc chậm hủy chuyến không phải "lỗi đơn thuần của ai", mà là do thời tiết và hạ tầng hàng không chưa đáp ứng được nhu cầu.
Đại diện các hãng hàng không lý giải, lý do chậm hủy chuyến ở đây không phải "lỗi đơn thuần của ai", mà là do thời tiết và hạ tầng hàng không chưa đáp ứng được nhu cầu. |
Đồng quan điểm, lãnh đạo của Jetstar Pacific, Vietjet Air… đều cho rằng, hiện cơ sở vật chất hạ tầng ở các sân bay còn hạn chế, số lượng quầy, cửa ra vào còn ít dẫn đến việc thông quan ở các sân bay bị chậm.
Ông Tô Ngọc Hải, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, thừa nhận hiện tại sân bay này đang xảy ra tình trạng thiếu vị trí đỗ do các vị trí 6, 7, 8, 9, 9A đóng cửa, gây khó khăn cho việc bố trí tàu bay.
“Đặc biệt, vào thời gian cao điểm hoạt động bay trong ngày nhiều khi tàu bay phải dừng trên đường lăn E6 để chờ giải phóng vị trí đỗ”, ông Hải thừa nhận.
Cũng theo ông Hải, hiện sân bay Đà Nẵng chỉ có các vị trí đỗ 11, 14, 16 có cầu ống lồng. Do đó, các chuyến bay mà tàu bay không cập vào vị trí đỗ này thì khu vực chờ để khách lên tàu bay rất chật hẹp, gây ách tắc trong thời gian cao điểm.
Ngoài các nguyên nhân trên, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc, có trường hợp chậm hủy chuyến vì những lý do rất “vô lý” đó là phi công và tiếp viên đến muộn khiến chuyến bay bị chậm.
Chuyến bay được ông Sơn dẫn ra là VJ8887 của VietJet Air từ Hà Nội đi Đà Nẵng chậm 33 phút do tổ bay đến muộn.
Ngoài ra, hiện các sân bay đều có quá ít các quầy làm thủ tục và cửa ra tàu bay khiến các chuyến bay bị chậm. |
Tuy nhiên, các hãng hàng không cũng không quên đỗ lỗi cho hành khách. Theo quy định, hành khách chỉ phải đến sân bay trước khi tàu bay cất cánh 30 phút nên nhiều người chủ quan, còn 30 phút cuối mới ùn ùn kéo nhau vào sân bay làm thủ tục.
Do đó, khi đến giờ bay nhưng tại các sân bay vẫn còn nhiều hành khách chưa làm xong thủ tục nên các hãng phải lùi giờ bay để chờ khách, dẫn đến tình trạng chậm chuyến so với thời gian dự kiến ban đầu.
“Khi bị chậm, hủy chuyến, hành khách kêu ca nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận, hành khách chủ quan cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều chuyến bay bị chậm", đại diện Jetstar Pacific nói và cho rằng, vào mùa cao điểm mà diễn ra tình trạng này thì dù có tăng số lượng nhân viên làm thủ tục cũng không thể kịp khi thời gian quy định là 30 phút.
Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận, để xảy ra tình trạng chậm, hủy chuyến bay, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các hãng hàng không Việt Nam. Ngoài việc chậm hủy các chuyến thì một nguyên nhân khiến hành khách bức xúc, dư luận bất bình đó là cách ứng xử của các hãng hàng không.
"Khi có dấu hiệu chuyến bay bị chậm, hủy, các hãng chậm thông báo cho hành khách cũng như thời gian dự kiến khởi hành mới. Hãng chưa thực hiện đầy đủ việc xin lỗi, phục vụ nước uống, đồ ăn... cho hành khách theo đúng quy định....”, ông Cường nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cường, kết thục đợt kiểm tra toàn diện này, Cục Hàng không sẽ thu thập đầy đủ các ý kiến của hành khách, báo chí, các hãng hàng không và các sân bay để làm cơ sở nghiên cứu, đề ra các giải pháp để hạn chế tối đa tình trạng chậm, hủy chuyến.