Lao động ở trọ được hỗ trợ đến 3 triệu đồng tiền thuê nhà

GD&TĐ - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Lao động ở trọ được hỗ trợ đến 3 triệu đồng tiền thuê nhà. Ảnh minh họa.
Lao động ở trọ được hỗ trợ đến 3 triệu đồng tiền thuê nhà. Ảnh minh họa.

Theo đó, người lao động thuộc diện thụ hưởng thuộc nhóm có hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay lại thị trường lao động, làm việc khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế, 24 tỉnh thành thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau, An Giang và Kiên Giang.

Cụ thể, người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp được hỗ trợ hàng tháng 500.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng. Điều kiện hỗ trợ là ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến ngày 30/6/2022; có hợp đồng lao động được giao kết và thực hiện trước ngày 1/1/2022.

Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết bắt đầu thực hiện trước ngày 1/4/2022. Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 115 của Chính phủ, thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp của tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Với người lao động quay trở lại thị trường lao động, mức hỗ trợ hàng tháng 1.000.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng. 

Điều kiện hỗ trợ với nhóm này là: Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/6/2022; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1/4//2022 đến ngày 30/6/2022.

Đồng thời, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Trường hợp người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của người sử dụng lao động của tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Về thủ tục hỗ trợ, người lao động làm đơn đề nghị, doanh nghiệp lập danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ theo từng tháng và có thể đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận gộp 2 hoặc 3 tháng. Sau khi bảo hiểm xã hội xác nhận, sồ sơ được gửi đến Uỷ ban nhân dân cấp huyện thẩm định, cấp tỉnh phê duyệt.

Thời gian cấp huyện tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp chậm nhất đến hết ngày 15/8/2022. Quy tình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của người lao động kéo dài tối thiểu trong 11 ngày, sau đó tiền sẽ được chi trả cho người lao động.

Quyết định nêu rõ, nguyên tắc hỗ trợ là đảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Không hỗ trợ đối với người lao động không đề nghị được hỗ trợ.

Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cho nhiều người sử dụng lao động thì được hỗ trợ tại nơi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng hỗ trợ 1 lần trong 1 tháng và không quá 3 tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...