Cha mẹ hiến não con trai bị tự kỷ cho khoa học

Gia đình của Michael Bolen (Mỹ) quyết định hiến não con trai sau khi em qua đời ở tuổi 14, nhằm hỗ trợ y học nghiên cứu thêm về tự kỷ.


Chân dung Michael Bolen. Ảnh:CNN.
Chân dung Michael Bolen. Ảnh:CNN.

"Dù con ốm đau thế nào, bạn cũng không thể ngờ con ra đi trước mình", mẹ Michael là Leslie Bolen nghẹn ngào. Michael Bolen là một đứa trẻ bị tự kỷ.

Theo CNN, lúc chào đời Michael khóc rất to như thể muốn thu hút sự chú ý của tất cả những người trong phòng. Nhưng rồi, tiếng khóc ấy trôi vào im lặng.

17 tháng tuổi, em bé không hề phản ứng khi được gọi tên, thường xuyên tự quay hoặc vỗ tay liên tục suốt 20 phút. Đến tháng thứ 19, các bác sĩ chẩn đoán Michael bị tự kỷ. "Tôi chỉ ngồi đó và khóc", Leslie nhớ về khoảnh khắc đau đớn.

Những từ ngữ mà Michael từng học đều biến mất. Cảm xúc trở thành phương thức giao tiếp duy nhất của em. Nếu không vui, em sẽ tự làm mình bị thương bằng những cách nguy hiểm như đập đầu vào tường. Nếu vui, em cười không ngừng nghỉ và nép vào người cha để xem phim, chơi game trên iPad.

Ngoài tự kỷ, Michael còn mắc chứng động kinh. Tháng 4 một cơn co giật khiến cậu bé ngừng tim, chấn thương não rồi ra đi đột ngột.

Ngồi trong căn phòng bệnh viện lạnh lẽo, Leslie lặng đi trước mất mát quá lớn. Bác sĩ hỏi cô muốn làm gì với nội tạng của Michael. "Tôi chủ động nói về bộ não", người phụ nữ kể.

"Bạn biết đấy, động kinh đã cướp đi mạng sống của con nhưng cả đời Michael đã sống chung với tự kỷ". Cuối cùng, gia đình Bolen quyết định hiến não bé trai với mục đích hỗ trợ y học.

Đến nay tự kỷ vẫn là hội chứng phức tạp, rất khó khăn để chẩn đoán và điều trị. Số não hiến tặng dành cho công tác nghiên cứu tự kỷ hạn chế, chỉ khoảng vài trăm mẫu.

Trong khi đó lượng não được khám nghiệm phục vụ các công trình nghiên cứu về bệnh Alzheimer tính đến năm 2005 đã lên tới 10.000 mẫu.

Bên cạnh đó, phương pháp chữa tự kỷ cũng gây tranh cãi. Một số gia đình lo ngại điều này ảnh hưởng tiêu cực đến sự chấp nhận vốn rất yếu ớt của xã hội dành cho người tự kỷ. Leslie nhận định nhiều phụ huynh "sẽ không bao giờ thay đổi con cái vì thế giới" kể cả khi họ tìm được phương thức chữa trị. 

Dù sao, Leslie vẫn hy vọng về tương lai. "Nếu có cách nào đó giúp các gia đình thấu hiểu trẻ tự kỷ và ngăn các con không tự làm hại mình, chúng ta phải tiến hành thôi", bà mẹ trải lòng.

"Tôi không hiểu vì sao Michael phải chịu đựng từng ấy năm trời. Tôi cũng không hiểu vì sao con lại rời xa chúng tôi. Dù trái tim mãi mãi tan nát, tôi cầu mong đóng góp của Michael sẽ dẫn đến câu trả lời". 

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.