Bởi lẽ, sự thành công của một người phụ thuộc rất nhiều vào việc bản thân người ấy có đủ sự tinh tế để cộng hưởng với cảm xúc của người khác, trong các mối quan hệ. Điểm khởi đầu chính là “gọi tên cảm xúc của chính mình”.
Hoạt động giao tiếp luôn được xem là vấn đề trọng tâm đối với sự phát triển của trẻ. Có nhiều yếu tố tác động đến khả năng giao tiếp của trẻ, một trong những yếu tố đó là việc “gọi đúng tên cảm xúc”. Đây là yếu tố ảnh hưởng một cách trực tiếp đến việc trẻ lựa chọn được hành vi giao tiếp phù hợp, tuy nhiên, trong giáo dục con cái, phụ huynh hầu như chưa quan tâm vấn đề này một cách đúng mức.
Cha mẹ có thể giúp con nhận diện cảm xúc của mình bằng những gợi ý sau đây:
Cải thiện chính mình
Việc gọi tên cảm xúc phải được hình thành ở chính phụ huynh. Cha mẹ cần làm điều này bằng cách tự nâng cao vốn hiểu biết của mình về trí tuệ cảm xúc. Bản thân cha mẹ phải là người có thể tự gọi tên cảm xúc của mình, thấu cảm được chính mình và có những ứng xử phù hợp trước các cảm xúc đó.
Điều này được coi như một năng lực đảm bảo cho việc bạn đồng hành cùng con mình một cách thành công, giúp được con và tạo niềm tin cho con trong việc ứng phó với những cảm xúc mình gặp phải. Năng lực này phải được phụ huynh chuyển hóa thành thông tin giao tiếp, thể hiện thường xuyên khi tương tác cùng con hoặc cùng người khác.
Hãy chia sẻ câu chuyện theo đúng (hoặc gần đúng nhất) với bản chất cảm xúc hiện hữu: “cảm thấy lo lắng”, “cảm thấy không an toàn”, “cảm thấy thất vọng”, “cảm thấy bị làm phiền”… Chính khi thực hiện điều này, cha mẹ đã đồng thời cung cấp cho con của mình một minh chứng sống động về việc chi tiết và cụ thể hóa cảm xúc mà mình đang gặp phải.
Đọc sách và từ sách với đời thật
Sách với các câu chuyện sinh động là nguyên liệu quý giá để bạn giúp trẻ hình dung về những cảm xúc có thể có. Việc đọc sách có chủ đích sẽ mang đến những lợi tức rất lớn cho trẻ. Những thông tin này có giá trị rất lớn để trẻ có những hình dung ban đầu về các cung bậc cảm xúc của cuộc sống.
Hãy để trẻ cảm thụ tất cả những điều mình biết về cảm xúc qua những tình huống sinh động của cuộc sống. Cha mẹ hãy dành cơ hội để trẻ được trải nghiệm sự “thất vọng” khi điều trẻ mong muốn không xảy ra, đừng cố tạo nên một vỏ bọc hoàn hảo để trẻ không bị “lo lắng” khi đứng ra gánh vác trách nhiệm cho con, trẻ cần được hiểu về sự “háo hức” bằng cách cho trẻ một thông tin thú vị về điều trẻ thích sắp diễn ra.
Hãy đặt câu hỏi cho con
Một thói quen thường bắt gặp ở các bậc cha mẹ khi giao tiếp cùng con là sự “nói thay” cho con về điều con đang gặp. “Con giận hả?”, “Con vui à?”, là những câu nói được phụ huynh đặt ra thường xuyên cho con mình. Điều này làm cho trẻ hoặc là mặc định cảm xúc của mình theo lời cha mẹ, hoặc là bị bức bối nhưng không có cách giải tỏa cảm xúc thật sự của mình.
Giáo dục gia đình phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng “tính cá biệt của từng cá nhân” và được thực hiện bằng phương thức cơ bản là “trò chuyện, hỏi – đáp”. Cha mẹ chỉ nên đặt câu hỏi khơi gợi cho con mình để các cảm xúc mà trẻ đang có được “lộ diện” một cách chính xác. Từ đó, giải pháp cho vấn đề mới có thể được lựa chọn một cách tối ưu.
Giúp con “làm chủ” cảm xúc
Sẽ nguy hiểm biết bao khi trẻ luôn bình thường trước mọi tình huống! Một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và biết rung động đáng nuôi dưỡng hơn một đời sống nội tâm đơn điệu và trơ lì! Vấn đề cần làm không phải triệt tiêu cảm xúc mà là ứng xử với nó.
Cha mẹ hãy giúp con mình có những phương thức giải tỏa tích cực với những cảm xúc mà trẻ gặp phải. Bùng nổ sự tức giận bằng một môn thể thao không đối kháng (bơi lội, bắn cung, múa,…), giải bày những ưu tư bằng cách viết thư, nhật kí; xem một bộ phim phù hợp với độ tuổi để khỏa lấp sự chán nản; vẽ tranh, tô màu để thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực đang bủa vây; đàn, hát cũng là một hoạt động có thể lựa chọn để ổn định sự hào hứng đang xuất hiện,…