“Sau 17 tháng sống trong sự im lặng, từ khi bắt đầu nghe được, con không lúc nào muốn tháo bỏ máy hỗ trợ, chỉ muốn đeo mãi để có thể nghe mọi âm thanh xung quanh mình… Ở giây phút con quay đầu lại khi nghe thấy tiếng mẹ gọi, tôi đã vỡ oà trong tim vì hạnh phúc, khoảng khắc đó tôi sẽ nhớ mãi không bao giờ quên”, chị Ngọc Lan, mẹ của bé Minh Khuê, bệnh nhi được cấy Ốc tai điện tử và điều trị khiếm thính tại Bệnh viện Nhi Trung ương xúc động chia sẻ.
Mở ra cánh cửa thứ 2, đưa âm thanh đến với các em nhỏ điếc bẩm sinh
Bé Minh Khuê đáng yêu, hay cười, ăn ngoan, ngủ ngoan. Nhưng khi đến mốc các bé biết “trò chuyện” ê, a,..cùng người thân, nhoẻn cười khi nghe âm thanh mẹ cha gọi, thì Minh Khuê lại không đáp ứng. Tuy nhiên, thấy con vẫn phát triển đúng tiêu chuẩn “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi”, nên cha mẹ bé chưa nghi ngờ nhiều, chỉ nghĩ con chậm nói chút thôi.
Chỉ đến khi bé qua ngưỡng 1 tuổi, sự trầm lặng đến “đáng sợ” của con khiến chị Ngọc Lan cảm nhận rõ con mình có điều bất thường. Nhưng phần nhiều chị vẫn nghĩ con chậm nói, chứ không nghi ngờ gì đến thính lực của con. Khi con 15 tháng tuổi, chị đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương để kiểm tra. Kết quả khám cho thấy, bé bị điếc sâu cả hai tai.
“Cầm kết quả trên tay, cả gia đình tôi thực sự bị sốc, tôi chưa bao giờ nghĩ con mình có thể bị điếc vì nhà tôi chưa từng có ai bị như vậy… Tôi cảm thấy rất hoang mang, lo lắng cho tương lai của con”, không ngăn được những giọt nước mắt rơi trên khoé mắt, người mẹ trẻ bùi ngùi nhớ lại.
Được bác sĩ tư vấn rằng phẫu thuật cấy Ốc tai điện tử là phương pháp duy nhất và cần tiến hành sớm để giúp con có thể nghe. 16 tháng tuổi, gia đình quyết định cho Minh Khuê làm phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Gần một tháng sau phẫu thuật, con đã lắng nghe, tiếp nhận những âm thanh đầu tiên. Với những trẻ bình thường thì điều này thật giản đơn, nhưng với những bé khiếm thính như Minh Khuê, đây là sự kỳ diệu, là niềm vui lớn lao khó diễn tả thành lời.
Sự thành công của ca phẫu thuật, cùng sự háo hức tìm hiểu cuộc sống của chính Minh Khuê, sự kiên trì của gia đình và cô giáo trị liệu ngôn ngữ Bệnh viện Nhi Trung ương, sau nhiều tháng trời, từ một em bé sống trong im lặng, bé đã nghe, hiểu và bắt đầu nói những từ đầu tiên như “ạ”, “mạ”,… Rồi cô bé cũng gọi được “mẹ ơi, bố ơi” và nói được nhiều từ khác nữa. Sau hơn 1 năm cấy Ốc tai điện tử, Minh Khuê đã nghe, nói được nhiều hơn và sắp tới đây con sẽ được đến trường mẫu giáo như bao bạn nhỏ cùng trang lứa.
Hơn 300 trẻ điếc bẩm sinh tìm lại được âm thanh nhờ cấy Ốc tai điện tử
Hiện nay theo thống kê, cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có từ 1-3 trẻ bị điếc bẩm sinh. Khiếm khuyết bẩm sinh này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt xã hội, sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, đặc biệt là ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của các bé. Trẻ bị điếc nặng và sâu thường kèm theo câm do không tiếp nhận được âm thanh, từ đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển ngôn ngữ.
Cấy Ốc tai điện tử là phương pháp điều trị điếc bẩm sinh tiên tiến nhất hiện nay với hiệu quả rất cao. Cấy Ốc tai điện tử là phẫu thuật đưa một thiết bị điện tử vào trong vịnh Nhĩ của Ốc tai (1 bộ phận của tai trong). Thiết bị này có tác dụng dẫn truyền âm thanh từ môi trường bên ngoài vào Ốc tai, kích thích các đầu mút dây thần kinh thính giác, chuyển các tín hiệu điện của âm thanh qua dây thần kinh thính giác để dẫn truyền vào trung tâm nghe ở vỏ não.
Các điện cực ở Ốc tai sẽ thay thế các tế bào lông ngoài (đã bị phá hủy) để dẫn truyền âm thanh vào vỏ não, giúp cho bệnh nhi nghe được, từ đó có thể nói được và hòa nhập xã hội.
Được trang bị hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, phẫu thuật cấy Ốc tai điện tử tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Trung ương thường được thực hiện trong khoảng 2 giờ, thời gian nằm viện ngắn, khoảng 3 ngày, với tỷ lệ thành công lên đến trên 99%.
Thời điểm thích hợp nhất để phẫu thuật cấy Ốc tai điện tử cho trẻ là dưới 3 tuổi, vì đây là lúc mà trung tâm thính giác ở vỏ não phát triển mạnh nhất, giúp cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Nếu cấy càng muộn, hiệu quả càng kém và trẻ sẽ mất nhiều thời gian hơn để huấn luyện ngôn ngữ.
Sau khi cấy Ốc tai điện tử, trẻ sẽ được tham gia khóa học ngôn ngữ với chuyên gia thính học tại Bệnh viện để làm quen với âm thanh, tập nghe nói lâu dài và tăng vốn từ. Đây là giai đoạn rất quan trọng và cần sự kiên trì đồng hành của gia đình trong việc hỗ trợ trẻ rèn luyện, phát triển ngôn ngữ, giao tiếp với môi trường xung quanh.
Cấy Ốc tai điện tử là phẫu thuật khó nhưng đã được các bác sĩ tại bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện từ năm 2010. Đến nay, khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Nhi Trung ương đã cấy thành công hơn 300 ca. Sau quá trình học trị liệu ngôn ngữ, các bệnh nhi đều đã nói được và đi học hòa nhập rất tốt.
* Tên của bệnh nhi và người nhà đã được thay đổi.