(GD&TD)-Chiều 28/11, tại Bảo tàng Quang Trung, đại diện Hội Bảo vệ thiên nhiên - môi trường Việt Nam đã trao Bằng công nhận và gắn biển Cây Di sản Việt Nam cho cây me cổ thụ trong khuôn viên bảo tàng.
Cây Me được xem là biểu tượng cho sức sống, sự trường tồn của phong trào Tây Sơn trong lòng dân tộc |
Theo hồ sơ công nhận danh hiệu Cây Di sản Việt Nam, cây me di sản được xác định trên 200 tuổi, với các thông số sinh học đi kèm: có chiều cao 24m, đường kính thân 1,2m, tán lá che phủ hơn 600 m2…
Đây là cây me do cụ Hồ Phi Phúc, thân sinh ba anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) trồng trong vườn nhà. Cây Me đã gắn bó với cuộc sống của Tây Sơn Tam kiệt từ lúc sinh ra đến khi dấy binh khởi nghĩa lập nên triều Tây Sơn.
Cây Me cùng với giếng nước gần đó là 2 vật thể còn sót lại trong ngôi nhà của 3 anh em nhà Tây Sơn sau khi bị quân của chúa Nguyễn Ánh tàn phá.
Để tưởng nhớ Tây Sơn Tam kiệt, người dân trong vùng đã dựng lên một đền thờ cạnh Cây Me và giếng nước, bề ngoài thờ Thành Hoàng làng, nhưng thực chất bên trong thờ 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.
Cây Me cổ thụ nhà Tây Sơn Tam kiệt là cây thứ 113 được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vinh danh là Cây Di sản Việt Nam trong tổng số hơn 300 hồ sơ đề nghị công nhân cho đến nay. Đây là cổ thụ Bình Định đầu tiên được công nhận Cây Di sản, ngoài giá trị lâu năm, cảnh quan, cây me này có ý nghĩa đặc biệt về mặt văn hóa, lịch sử; được xem là biểu tượng cho sức sống, sự trường tồn của phong trào Tây Sơn trong lòng dân tộc.
Ngoài giá trị lịch sử, Cây Me cổ thụ còn có ý nghĩa lớn về việc bảo tồn nguồn gen quý hiếm và đa dạng sinh học, giúp cộng đồng người dân nâng cao nhận thức, phát huy truyền thống, bảo vệ thiên nhiên.
Phương Nguyên