Đi dọc những con đường đổ bê-tông ở đảo Sinh Tồn, tôi bắt gặp hàng chục cây chanh đang mùa ra trái. Nơi đây, cây chanh có mặt ở khắp nơi, được trồng từ công sự cho tới ven đường, cạnh giếng nước, nhà ở hay trường học.
Thậm chí có những cây tán rộng phủ bóng tới vài mét. Trung uý Nguyễn Văn Lương, một cán bộ công tác trên đảo cho biết, chanh ở đây rất nhiều, được trồng để lấy bóng mát và lấy trái. Trái chanh có khá nhiều tác dụng nên cây chanh được ưu tiên hơn các cây khác. Quan trọng hơn, thổ nhưỡng ở đảo Sinh Tồn phù hợp với cây chanh bởi bên dưới lớp đất cát là nguồn nước lợ phèn mặn. Ở đây có cả một số giếng nước lợ, thường được sử dụng để sinh hoạt, tưới cây thay thế cho nguồn nước ngọt rất thiếu thốn. Đó cũng là lý do cây chanh phát triển thuận lợi và dễ dàng bén rễ được nơi đảo xa, khắc nghiệt về điều kiện khí hậu này. Tuy nhiên, anh Lương cũng cho biết, để trồng được một cây chanh trên đảo phải tốn rất nhiều công sức chăm sóc.
“Mình ở đảo mới hơn một năm nhưng ở đây, nhiều cây chanh có tuổi đời lên đến cả chục năm. Tất cả đều do anh em công tác thời kỳ trước trên đảo trồng và chăm sóc. Đầu tiên phải đặt mua cây ở đất liền rồi chuyển bằng tàu ra. Chanh trồng hầu hết vào mùa mưa để chúng dễ sống, thích nghi. Nếu trồng mùa khô, với điều kiện thời tiết nhiều tháng không có mưa, chỉ nắng nóng mà lại thiếu nước ngọt, rất ít cây có thể trụ được. Nhưng cây sống được và trải qua các trận bão gió ở biển khơi lại là chuyện khác”, anh Lương kể.
Chỉ tay vào một bụi chanh nằm gần giếng nước, anh Lương bảo cây chanh kia có tuổi đời mười mấy năm, do một bác sĩ quân y quê ở ngoại ô Hà Nội đem ra đảo trồng.
“Hiện nay, chanh gần như cho trái quanh năm. Nếu ở đất liền, chanh chỉ là một trái cây bình thường, có thể dễ dàng mua được ở bất cứ đâu, thì trên đảo, đây lại là “đặc sản” có một không hai. Cũng như nhiều loại rau củ quả, trái cây khác, dù bảo quản tốt đến đâu cũng chỉ được vài tuần cho tới một tháng. Thế nên, những tháng mùa mưa bão, việc tiếp tế của tàu thuyền từ đất liền ra bị hạn chế thì trái chanh cũng là loại trái cây mang đến nhiều ý nghĩa. Mà rất lạ, dù ở đảo nhưng chanh nơi đây lại rất nhiều trái, trái cũng to đều nữa. Nhiều khách hay ngư dân ghé đảo còn xin trái của anh em chúng tôi”, anh Lương chia sẻ thêm.
Theo giới thiệu của anh Lương, tôi đi một vòng quanh những cây chanh lâu năm ở đảo và nhìn kỹ thấy từng chùm trái túm lại làm một, ẩn kín sau những tán lá. Vươn tay hái vội mấy lá chanh, tôi vò vò rồi đưa lên mũi. Mùi hương thơm nồng nồng, hăng hăng xộc thẳng vào mũi, cay cay. Mùi hương chanh thực ra rất đỗi quen thuộc nhưng không hiểu sao, giữa ầm ào tiếng sóng ngoài kia, tôi thấy nó rất đặc biệt và ý nghĩa vô cùng.
Ngoài cán bộ chiến sĩ, người dân sinh sống trên đảo Sinh Tồn cũng trồng chanh ở trước nhà hoặc sau vườn. Nếu như các loại rau xanh bình thường như rau cải, mồng tơi, rau muống, xà lách... được dự trữ bằng hạt giống, có thể gieo trồng và cho thu hoạch sau một hai tuần được trồng nhiều, khá dễ dàng và thuận lợi thì cây chanh lại hoàn toàn khác. Đây là một trong số ít những loài cây thuộc dạng lâu năm có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở đảo, ngoài các loại cây đặc thù như đã nói.
Ở Trường Sa nói chung và đảo Sinh Tồn nói riêng, mùa mưa cũng đồng nghĩa với mùa bão gió. Khi ấy, nhiều loại cây cao lớn thường bị đổ rạp, bị bão đánh tơi tả, bật gốc. Vậy nên, để bảo vệ thành quả của mình, những cây chanh đã được người dân trên đảo chăm sóc rất kỹ. “Có năm, như năm ngoái khi nghe dự báo thời tiết có liên tiếp hai cơn bão cấp 12, tôi đã phải dùng dao chặt bớt cành và đóng cọc để níu cho cây không bị gió quật. Thế mà mùa bão đi qua, cây cũng tả tơi. May chưa bật gốc nên chúng vẫn sống và ra hoa, kết trái”, anh Nguyên, một người dân sinh sống ở đảo chia sẻ.
Với những ai từng đặt chân tới đây mới thấu hiểu được, chỉ mỗi cây chanh giữa muôn trùng biển khơi cũng quý giá thế nào.
Những trái chanh chín mọng, những mùa hoa chanh thân thương như ở quê nhà chính là nguồn động viên để cán bộ chiến sĩ, người dân trên đảo Sinh Tồn sinh sống, trụ lại giữa muôn trùng sóng gió đại dương này.