Khi tới thăm đảo, điều chúng tôi cảm thấy khá đặc biệt là những cánh chim bay lượn trong bóng cây giữa rì rào tiếng sóng. Những loài bồ câu, sơn ca, cu gáy hay mòng biển, hải âu… không chỉ làm sinh động cuộc sống giữa biển khơi, mà còn làm dịu đi bao nỗi nhớ quê hương, đất liền của những người lính đảo.
Bồ câu nơi đảo nổi
Là loài chim quen thuộc mang biểu tượng hoà bình, chim bồ câu hầu như có mặt ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, tôi đã vô cùng bất ngờ khi bắt gặp đàn chim bồ câu gần trăm con trên đảo Trường Sa lớn, tức thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, Khánh Hoà).
Những chú chim bồ câu mang đủ màu trắng, nâu sẫm, nâu xám… vô tư nhảy nhót, nô đùa, mang đến cho người ta cảm giác thanh bình, êm ả của quê hương giữa nơi biên cương nhiều sóng gió của Tổ quốc này.
Thượng uý Phan Văn Châu, quê Nam Định cho biết, đàn chim này do người dân và nhà chùa ở đây nuôi nấng đã được mấy năm. Ban đầu chỉ có mấy cặp do người dân ra thăm đảo tặng nhưng nhờ sự chăm sóc tận tình, đàn chim cứ sinh sôi nảy nở, giờ có khoảng gần một trăm con. Chúng cũng được cán bộ chiến sĩ dựng các nhà nho nhỏ trên cây, hiên nhà để ở.
Ngồi lại cùng đàn chim bồ câu, nghe kể chuyện mới thấy, giữa mênh mông đại dương cách đất liền hàng trăm cây số như Trường Sa, để duy trì sự sống cho đàn chim như vậy là điều không hề dễ dàng. “Cuộc sống trên đảo mặc dù không phải thiếu thốn quá nhưng chắc chắn không dư thừa gì, nhất là thực phẩm hằng ngày.
Ngay như cán bộ chiến sĩ, người dân trên đảo vào mùa sóng lớn (kéo dài tới 8-9 tháng/năm), ghe thuyền tiếp tế hạn chế ra, vẫn phải sử dụng thực phẩm là đồ hộp trong bữa ăn. Tuy nhiên, dù khó khăn đến đâu thì mọi người vẫn dành dụm gạo, đậu xanh, đậu đen, cơm nguội… để nuôi đàn chim. Bởi sau những ca làm việc căng thẳng giữa trùng khơi sóng gió, nhìn đàn chim bồ câu bay lượn, nô đùa cũng giúp cán bộ chiến sĩ, người dân vơi bớt khó khăn, nhọc nhằn rất nhiều”, một cán bộ trên đảo tâm sự.
Ngoài ra, trên đảo điều kiện tự nhiên cũng khắc nghiệt hơn so với ở đất liền nên ban đầu, việc gầy dựng chăm sóc đàn chim khá khó khăn. Các cán bộ trên đảo cho biết, khi mới đưa ra, đàn chim có 5 cặp trống mái nhưng chỉ sau gần một tuần đã chết mất ba con, lại có hai con khác bay lạc ra phía biển không quay về được. Vì thế, ngoài việc cho ăn, chim trên đảo còn được huấn luyện để chúng biết định hướng, nhận biết khu vực ngoài đảo để không bị kiệt sức trên giữa biển mênh mông.
Nhìn những chiến sĩ Hải quân trong trang phục trắng viền xanh quen thuộc đang ngồi nghỉ ngơi bên đàn chim bồ câu, trong ánh nắng gay gắt của Trường Sa, chúng tôi như cảm thấy cuộc sống ở đây yên bình và êm đềm hơn rất nhiều. Tất cả cán bộ chiến sĩ, người dân trên đảo đều coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Sau những giờ làm việc, mọi người đều cố gắng chăm chút cho cuộc sống bớt vất vả hơn.
Ngoài đàn chim bồ câu, trên đảo, còn có những hòn non bộ, những luống hoa, những chiếc ghế đá để ngồi thư giãn. Tất cả, dù không được sang trọng nhưng qua bàn tay chăm chút của các cán bộ chiến sĩ cũng khiến cho không gian trên đảo thêm yên bình, làm vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ người thân và đất liền giữa muôn trùng sóng gió. Những hình ảnh đó cũng làm cho những người khách ghé thăm đảo cảm thấy quen thân, đáng nhớ hơn.
Bồ câu từ đất liền được nuôi nấng cẩn thận |
Những loài chim biển
Điều rất lạ là trong chuyến công tác dài ngày lênh đênh qua hàng chục hòn đảo ở quần đảo Trường Sa, ngoài những hòn đảo chìm có diện tích hạ tầng chật hẹp thì trên các hòn đảo nổi như Sơn Ca, Sinh Tồn, Song Tử Tây… đều có nuôi chim như chào mào, cu gáy, sáo. Nhớ buổi sáng ở trên đảo Sinh Tồn, khi đang lang thang tìm hiểu về cuộc sống của cán bộ chiến sĩ, người dân trên đảo, tôi vô tình bắt gặp chiếc lồng với một đôi chim cu rất đẹp.
Anh Hùng, một chiến sĩ trên đảo cho biết, năm ngoái anh nhờ người thân đặt mua rồi nhờ tàu đưa ra đây. Ban đầu cứ sợ chim không quen thời tiết khí hậu thì khó sống nhưng sau một thời gian chăm sóc, chúng sống khoẻ mạnh, bình thường. Với cư dân trên đảo, đôi chim cũng là tài sản quý, của chung tất cả mọi người. “Buổi tối, anh em chiến sĩ, người dân tập trung uống nước chè chỉ để đợi nghe tiếng gù của chim”, anh kể thêm.
Thế nhưng, không chỉ có những cá thể chim được quân dân trên đảo nuôi nấng chăm sóc, mà ở nhiều hòn đảo tại Trường Sa còn là môi trường sinh sống tự nhiên của các loài chim biển. Đặc biệt là trên đảo Sơn Ca, hòn đảo được cha ông ta lấy tên chính loài chim có rất nhiều trên đảo để đặt tên cho hòn đảo này. Chúng tôi còn bất ngờ hơn khi thấy ở đảo Sơn Ca không chỉ có chim sơn ca mà còn có nhiều loại chim khác, như chim sẻ, mòng biển, ó biển, cò, hải âu.
Chim cũng không chỉ đậu trên cây cối, nhà cửa ven đảo, mà còn đậu ở khắp nơi, như những trạm canh gác, những cây cọc bê-tông phòng thủ ven đảo để thuận tiện việc săn mồi dưới nước. Dù không phải là hòn đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa nhưng có lẽ, đảo Sơn Ca là nơi có nhiều loài chim tự nhiên nhất. Những cây mù u, cây phong ba, cây bàng vuông tán rộng um tùm là ngôi nhà ấm áp của những đàn chim giữa trùng khơi sóng gió.
Các cán bộ sinh sống trên đảo bảo, cứ đến mùa sóng yên gió lặng như hiện nay, chim hải âu, mòng biển không biết ở đâu bay về rất nhiều. Chúng làm tổ, sinh sản trên các tán cây ven đảo, rồi đến mùa, chúng lại bay đi đâu không rõ. Quy luật trên cứ lặp đi lặp lại nhiều năm nên mọi người đều rất ý thức bảo vệ môi trường sống, sinh sản của các loài chim chỉ với một mục đích, sang năm chúng sẽ quay lại. Nhìn những cánh chim của trời, của biển, của đảo như niềm khao khát hoà bình được cán bộ chiến sĩ gửi gắm lên bầu trời cao xanh vậy.