Nhớ Trường sa

GD&TĐ - Những ngày cuối tháng Tư, giữa cái nắng như thiêu đốt ở phố biển Nha Trang, bất chợt những cơn gió biển mang theo vị mặn cứ lướt qua mặt tôi, cũng cái cảm giác quen thuộc này cách đây 3 năm khi tôi được tham gia công tác trên con tàu Trường Sa 571, những kỷ niệm trong chuyến đi đó cứ dần hiện lại trong tôi…

Buổi diễu binh trên đảo Nam Yết.
Buổi diễu binh trên đảo Nam Yết.

Đảo xanh Nam Yết

Ấn tượng với tôi khi đến đảo Nam Yết là những cơn gió mang theo hơi nóng phà liên tục vào mặt những ai đang bước chân xuống đảo. Tuy Nam Yết được mệnh danh là “đảo xanh” vì có nhiều cây xanh nhất nhưng đảo này cùng với Sinh Tồn được coi là có thời tiết khắc nghiệt nhất trong quần đảo Trường Sa.

Giữa cái nắng và gió đến rát cả mặt nhưng các chiến sĩ trên đảo ai nấy đều vui vẻ trao những nụ cười tươi rói đến đoàn công tác như đón chào người thân mình trở về nhà sau bao năm xa cách. Sau những nghi thức đón tiếp, chúng tôi được tự do tham quan đảo.

Do trời nắng gắt nên tôi mang theo một chai nước nhỏ để uống khi khát, thấy chai nước nhỏ trong tay tôi đã gần hết, một anh chiến sĩ chỉ cho tôi chỗ bình nước để đến lấy thêm.

Vẫn tính hiếu kỳ, tôi đến nơi chứa nước xem thế nào, rồi rót ra một ít uống thử. Một cảm giác mặn, lợ ngay giữa cổ họng nhưng tôi vẫn cố uống hết vì đây là nước các anh chiến sĩ vẫn dùng hằng ngày, tôi quyết không lãng phí nó.

Tranh thủ hỏi chuyện các anh tôi mới biết nước ngọt các anh tắm hàng ngày sau đó dùng lại để tưới cây, nước nấu ăn thì đã có phần cho mỗi ngày, nơi đây từng giọt nước ngọt các anh quý lắm, ai cũng ý thức tiết kiệm chung.

Hỏi chuyện thêm tôi mới biết, đảo Nam Yết và Sinh Tồn đã nửa năm nay vẫn không một giọt mưa, nhưng cây ở đảo khi đó vẫn xanh vẫn sống khỏe, kiên cường như chính con người các anh đang ngày đêm giữ đảo.

Hướng về Gạc Ma

Rời Nam Yết, con tàu Trường Sa 571 tiếp tục đưa chúng tôi qua các đảo Sinh Tồn, Len Đao, Đá Tây A…

Tại đảo Sinh Tồn nằm cách Nam Yết không xa, đây cũng là hòn đảo duy nhất có bia tưởng niệm 64 liệt sỹ hi sinh anh dũng trên đảo Gạc Ma đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép vào ngày 14/3/1988.

Tên tuổi quê quán các anh đều khắc rõ trên bia, tôi vẫn nhớ có anh tuổi còn trẻ chưa đến hai mươi đã ngã xuống, nhiều người trong đoàn công tác chúng tôi xúc động không kìm được nước mắt khi đến thắp hương cho các anh.

Đến gần đảo Len Đao, từ nơi tàu thả neo, chỉ cách đảo Gạc Ma đã bị Trung Quốc chiếm đóng khoảng 7 hải lý. Tại đây, sáng sớm hôm sau tất cả các thành viên trên tàu cùng tham dự buổi lễ tưởng niệm “Các liệt sỹ đã hi sinh trên quần đảo Trường Sa”. Đây là buổi lễ tưởng niệm vô cùng đặc biệt mà chỉ những ai đi thăm Trường Sa mới được tham dự và cảm nhận được.

Tối đó, trên tàu không khí yên ắng hơn mọi ngày, có một chị trong đoàn Hội Phụ nữ đã đi xin từng tờ giấy A4 để gấp cho đủ 64 con hạc giấy tượng trưng cho 64 chiến sỹ đã hi sinh anh dũng trên đảo Gạc Ma. Đến lúc làm lễ chị sẽ đem thả xuống biển 64 con hạc giấy này, cầu mong cho linh hồn của các anh theo hạc về trời và sau này có được một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc.

Khi mặt trời chuẩn bị nhô lên, buổi lễ tưởng niệm đã bắt đầu trong không khí trang nghiêm và đầy xúc động. Mỗi thành viên trong đoàn công tác được thắp 1 nén nhang, tay cầm 1 bông hoa cúc.

Sau một hồi còi tàu kéo dài vang to thay cho kèn trống, đoàn người tụ tập hai bên mạn tàu cùng thả những bông hoa cúc xuống biển, 64 con hạc giấy cũng bồng bềnh trôi theo những con sóng, cả con tàu như chung một cảm xúc, chung một tình yêu Tổ quốc hơn bao giờ hết.

Đêm ở Trường Sa Lớn

Một trong những điểm đến cuối cùng của chúng tôi là đảo Trường Sa Lớn. Đây là hòn đảo chính trong quần đảo Trường Sa mà ai cũng muốn ghé thăm dù chỉ một lần. Trong không khí đầm ấm giữa quân và dân trên đảo, chúng tôi được dẫn đi tham quan cột mốc chủ quyền, nhà tưởng niệm Bác Hồ và tượng đài liệt sĩ trên đảo Trường Sa.

Đêm đó, chúng tôi được các chiến sĩ trên đảo Trường Sa chiêu đãi bữa tối. Dùng cơm xong, đoàn văn công Quân khu 4 cùng mấy chị em đoàn công tác tổ chức biểu diễn kịch hài, hát, ảo thuật cho người dân và chiến sĩ trên đảo xem, tiết mục nào cũng hay, nhất là những pha ảo thuật khiến các em nhỏ rất thích thú, vỗ tay không ngớt.

Nhưng ấn tượng nhất với tôi và có lẽ với những khán giả đêm đó là tiết mục bài hát “Truyền thuyết Hoàng Sa, Trường Sa” do 2 chiến sĩ trong đoàn văn công Quân khu 4 trình bày. Tôi vẫn nhớ như in không khí lúc đó, cả hội trường im lặng, ai nấy đều lâng lâng như muốn hòa cùng đoạn kết bài hát “Việt Nam ơi, máu và hoa nhuộm hồng đất Mẹ/Nối tiếp cha ông, danh xứng con Lạc cháu Hồng/Truyện kể rằng Hoàng Sa, Trường Sa/Là anh em song sinh một nhà/Vẫn vững niềm tin là con đất Việt/Chân lý ngàn năm sáng mãi muôn đời/Chân lý ngàn năm sáng mãi Việt Nam.”

Giữa không khí hào hùng đó, chúng tôi ai nấy đều có một niềm tin mãnh liệt đối với các anh, niềm tin như lời các anh muốn nhắn nhủ với tất cả người dân trong nước: “Mong mọi người ở đất liền hãy yên tâm, chúng tôi ngày đêm canh giữ biển đảo rất kiên trung và bất khuất”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nỗi buồn xao xuyến trong 'Khoảng cách'

Nỗi buồn xao xuyến trong 'Khoảng cách'

GD&TĐ - Bài thơ của tác giả Chu Hồng Tiến để lại trong lòng người đọc cảm giác buồn xao xuyến khi nhận ra giữa người với người luôn luôn có 'khoảng cách'...