Phát hiện nói trên đã giải thích được bí ẩn kéo dài 150 năm nay. Một số “cái nôi tạo sao” trong vũ trụ trông giống như các sóng - đó là sóng Radcliffe.
“Mặt trời nằm cách sóng Radcliffe chỉ 500 năm ánh sáng tính từ điểm gần nhất. Sóng Radcliffe ở ngay trước mắt chúng ta, vậy mà cho đến nay chúng ta không nhận ra nó. Chúng ta không biết cái gì tạo ra hình dạng sóng Radcliffe. Nó hình thành giống như gợn sóng nước trên mặt hồ, và ở trung tâm có thể có cái gì đó rất nặng. Chúng ta biết rằng, Mặt trời tương tác với cấu trúc sóng Radcliffe này” – Giáo sư Joao Alves ở ĐH Vienna (Áo) cho biết như vậy.
Các nhà khoa học phát hiện ra sóng Radcliffe nhờ các quan sát từ tàu không gian Gaia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Năm 2013, tàu không gian này được phóng lên khu vực quanh điểm Lagrange L2 giữa Mặt trời và Trái đất. Nhiệm vụ của nó là nghiên cứu vị trí, khoảng cách và chuyển động của hàng tỷ ngôi sao.
Nhờ tàu không gian Gaia, các nhà thiên văn học đã tạo lập thành công bản đồ 3 chiều về vật chất liên sao. Trong quá trình đó, các nhà nghiên cứu chú ý đến một cấu trúc khí khác thường trong “cánh tay xoắn” của thiên hà. Hóa ra, cấu trúc này kéo dài trên 9.000 năm ánh sáng, rộng khoảng 400 năm ánh sáng. Đó là một cấu trúc dài và mảnh, lượn sóng.
Sóng khác thường này chứa nhiều khu vực tạo sao mà trước đó các nhà thiên văn học tưởng nhầm là Vành đai Goulda.
“Chúng tôi nghi ngờ rằng, có những cấu trúc lớn hơn. Để tạo được bản đồ chi tiết khu vực vũ trụ lân cận, cần phải kết hợp các quan sát từ kính viễn vọng vũ trụ với xác suất thiên văn, dữ liệu hình ảnh và các mô phỏng số hóa” – bà Catherine Zucker, một trong các tác giả của phát hiện, cho biết như vậy.
Các nhà khoa học đã phải tạo ra bản đồ chính xác 3 chiều Dải Ngân hà với khoảng cách chía xác giữa các “nôi tạo sao”. Phát hiện này mở ra hướng nghiên cứu mới đối với thiên hà của chúng ta và khu vực vũ trụ lân cận Trái đất.