Theo Reuters, tại cuộc họp báo với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng ngày 13 tháng 2, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ "đang làm việc để có thể cung cấp tiêm kích tàng hình F-35" cho Ấn Độ.
Sau đó, Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri cho biết New Delhi chưa khởi động quy trình đánh giá đề xuất của Mỹ với F-35. Các hợp đồng bán vũ khí Mỹ cho nước ngoài, đặc biệt là liên quan công nghệ tiên tiến như tiêm kích thế hệ 5 F-35, thường mất nhiều năm để đàm phán và thực hiện.
Nhưng rõ ràng đây là lần đầu lãnh đạo Mỹ công bố ý định bán F-35 cho Ấn Độ, cho thấy nỗ lực mở rộng nhóm khách hàng và tăng tính cạnh tranh ở thị trường truyền thống của các nhà thầu quốc phòng Nga.
Ngay trước khi ông Trump nói về việc bán F-35 cho Ấn Độ, tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport đã đề xuất thỏa thuận hợp tác toàn diện với Ấn Độ xoay quanh tiêm kích tàng hình Su-57.
Tổng giám đốc Rosoboronexport Alexander Mikheev phát biểu bên lề triển lãm hàng không Aero India 2025: "Thỏa thuận này có thể gồm cung cấp máy bay hoàn chỉnh, hợp tác sản xuất chung tại Ấn Độ và hỗ trợ nước này phát triển tiêm kích thế hệ 5".
Đặc biệt theo tiết lộ của Rosoboronexport, Su-57E là phiên bản xuất khẩu của Su-57 sở hữu một số điểm khác biệt với phi cơ nội địa Nga, trong đó có hệ thống nhận diện địch - ta.
Nhà sản xuất cũng có thể chỉnh sửa phần mềm điều khiển để hiển thị thông số chuẩn phương Tây, dán nhãn tiếng Anh cho các bộ phận trong buồng lái và bổ sung khả năng sử dụng vũ khí không phải của Nga theo yêu cầu khách hàng.
Đại diện của Rosoboronexport còn cho biết thêm dây chuyền sản xuất Su-57 tại Ấn Độ có thể vận hành sớm nhất là trong năm nay, nếu New Delhi chấp nhận thỏa thuận.
Người này nhấn mạnh Nga sẽ chuyển giao toàn bộ công nghệ khi chế tạo Su-57 tại Ấn Độ, đảm bảo hoạt động sản xuất và bảo dưỡng không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Giới chuyên gia cho rằng, thương vụ mua tiêm kích F-35 sẽ không kèm điều khoản chuyển giao công nghệ hoặc sản xuất chung, điều không phù hợp với chiến lược tự lực về quốc phòng của Ấn Độ.
Theo đuổi thương vụ này còn có khả năng buộc New Delhi đánh đổi chính sách tự chủ chiến lược lâu nay. Mặc dù vậy, một số chuyên gia Ấn Độ nhận định tiêm kích F-35 sở hữu năng lực tàng hình và tiến công tốt hơn Su-57, mang đến những lợi thế nhất định cho New Delhi.
Vijainder Thakur, nhà phân tích quân sự và cựu thiếu tá không quân Ấn Độ, nói: "Chiến đấu cơ Su-57 mạnh về phòng thủ hơn là tấn công, được tối ưu hóa cho nhiệm vụ phòng không và tập kích từ trong không phận nước chủ nhà".
Ấn Độ là một trong những khách hàng lớn và lâu đời nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô là bên cung cấp vũ khí chủ yếu cho Ấn Độ, với khoảng 70% khí tài của Không quân và 80% khí tài của Hải quân Ấn Độ do Nga hoặc Liên Xô chế tạo.
Chiến đấu cơ chủ lực của Ấn Độ hiện nay là Su-30MKI do Nga phát triển, với tổng cộng 272 chiếc được đặt hàng và bàn giao.
Tập đoàn Sukhoi của Nga sản xuất những chiếc đầu tiên cho Không quân Ấn Độ, đồng thời chuyển giao công nghệ và thiết bị để Công ty Khoa học hàng không Hindustan (HAL) tự chế tạo trong nước. Bên cạnh Su-30MKI còn có khoảng 60 chiến đấu cơ hạng nhẹ MiG-29 cũng do Nga chế tạo.
Nhưng trong những năm gần đây Ấn Độ đã mở rộng nguồn cung khí tài quân sự từ phương Tây. Tập đoàn Dassault của Pháp hồi năm 2012 được lựa chọn để cung cấp 126 tiêm kích Rafale cho Ấn Độ.
Tuy nhiên, quá trình thương lượng bị kéo dài nhiều năm do New Delhi muốn Dassault chuyển giao dây chuyền và công nghệ để tự sản xuất 90 máy bay trong nước. Không được nhà thầu Pháp chấp thuận điều khoản này, hợp đồng vẫn được ký kết năm 2016 nhưng chỉ với tổng cộng 36 chiếc Rafale.