Châu Âu sẽ bất lực nếu thiếu Mỹ

GD&TĐ - Các đồng minh châu Âu của NATO sẽ phải tốn thêm 3,1 nghìn tỷ USD tài trợ cho Ukraine và tăng cường phòng thủ nếu Mỹ để họ gánh vác trách nhiệm.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong chuyến thăm tới Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong chuyến thăm tới Ukraine.

Không thể thiếu Mỹ

Hãng RIA đã dẫn bình luận của nhà quan sát hàng đầu về các vấn đề quốc tế có trụ sở tại Brussels về vấn đề này.

Tiến sĩ Gilbert Doctorow cho biết, châu Âu đơn giản là không có đủ khả năng để tiếp tục cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Moscow ở Ukraine và sẽ buộc phải đạt được hòa bình riêng với Nga, ngay cả khi châu Âu cố gắng duy trì xung đột trong một thời gian sau khi Mỹ rút lại sự hỗ trợ theo giả định.

Chuyên gia Doctorow giải thích rằng Tổng thống Trump đã "gây tổn hại đến tinh thần đoàn kết của EU bằng cách rút Mỹ khỏi cuộc xung đột và để châu Âu tự giải quyết theo cách tốt nhất có thể".

"Nhưng họ không thể đối phó. Vấn đề không chỉ là tiền bạc. Họ không có nguồn cung cấp quân sự cần thiết cho Ukraine để tiếp tục cuộc chiến. Nếu không có sự tham gia của Mỹ, tình hình sẽ vô vọng đối với Ukraine và mọi người đều biết điều đó", nhà quan sát nhấn mạnh.

Thực tế mới của Ukraine báo hiệu điều mà Doctorow nói là sự chuyển đổi lớn hơn nhiều về thế trận quốc phòng của Mỹ đối với châu Âu, khi Washington sẵn sàng tiếp tục mở rộng "chiếc ô hạt nhân" của mình sang khu vực này, đồng thời giảm bớt sự cam kết của các lực lượng thông thường.

Học giả Doctorow cho biết: "Ý nghĩa sâu xa hơn là khi người châu Âu hiểu rằng họ không thể tự mình chống lại quân đội Nga, thì họ sẽ tự hiểu rằng họ phải có một số thỏa thuận với người Nga về vấn đề an ninh trên toàn châu Âu".

Theo tính toán của Bloomberg Economics hôm thứ Năm rằng sự hỗ trợ độc lập của châu Âu cho Ukraine và việc xây dựng quân đội riêng của họ sẽ tốn thêm 3,1 nghìn tỷ đô la, bao gồm:

175 tỷ đô la để xây dựng quân đội Ukraine, 30 tỷ đô la cho "lực lượng gìn giữ hòa bình" gồm 40.000 quân và 2,7 nghìn tỷ đô la chi tiêu quốc phòng được tài trợ bằng nợ của năm quốc gia thành viên NATO lớn nhất châu Âu cho kho dự trữ pháo binh, phòng không và tên lửa, cùng với việc triển khai quân ở biên giới phía đông của NATO.

Mỹ thực tế

Nói về cách tiếp cận của Tổng thống Trump về vấn đề Ukraine, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hôm 14 tháng 2: "Tôi nghĩ đó là cách tiếp cận thực tế".

Bà Maria Zakharova nhắc đến bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người cho rằng chính phủ tiền nhiệm của ông Joe Biden phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra xung đột tại Ukraine và vì đã gợi ý Kiev có thể gia nhập NATO trong tương lai.

"Tổng thống Trump nói rằng ông ấy nghĩ mọi thứ bắt đầu sau khi đội ngũ của ông Biden đưa ra các bình luận liên quan đến NATO, trong đó có khả năng cho Ukraine gia nhập và những thứ khác", bà Zakharova nói và cho biết thêm: "Tôi nghĩ điều này cho thấy sự thực tế".

Tại buổi họp báo ở Nhà Trắng hôm 12 tháng 2, Tổng thống Trump cũng bác bỏ viễn cảnh Ukraine gia nhập NATO và ủng hộ tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth rằng Ukraine khó khôi phục được đường biên giới trước năm 2014.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ