Cẩu tặc manh động

GD&TĐ - Ngày 29/3, Công an tỉnh Long An đã bắt ba nghi phạm liên quan đến vụ trộm chó dẫn đến chết người vừa xảy ra trước đó tại xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sau khi gây án tại Long An, các nghi phạm đã trốn về Đồng Tháp thì bị bắt. Trước đó, nửa đêm 27/3, ba cẩu tặc này đã dùng dụng cụ bắt chó chuyên nghiệp, “cẩu” con chó nhà ông Huỳnh Thanh Hải ra khỏi cổng rồi bỏ lên xe chở đi.

Cha con ông Hải phát hiện và đuổi theo, kéo xe chúng tại, yêu cầu thả chó đồng thời tri hô cho hàng xóm biết để cùng vây bắt. Một trong ba tên trộm đã dùng súng tự chế bắn chết ông Hải rồi tẩu thoát. 

Hung thủ khai với công an rằng, y chỉ dùng bình chích điện để “chích” vào người nạn nhân chứ không phải dùng súng. Dù là bằng bình điện hay súng thì hậu quả đều như nhau: Chủ nhân đã chết theo con chó của mình mà thủ phạm không ai khác là bọn cẩu tặc!

Việc sử dụng các loại dụng cụ chuyên nghiệp như nhử mồi sau đó quăng dây thòng lọng để thít cổ chó hoặc dùng điện để “kích” cho con chó tê liệt rồi bắt bỏ vào bao; dùng ớt bột hoặc các loại hoá chất để rải trên đường trốn chạy nhằm ngăn chặn chủ nhà đuổi theo… là những hình thức khá phổ biến lâu nay, song bắn chết gia chủ chỉ vì một con chó thì có lẽ đây là lần đầu tiên.

Hàng năm, cả nước xảy ra hàng trăm vụ trộm chó. Trong số đó thì cũng đã có hàng chục vụ trộm chó bị dân làng vây đuổi và bắt được. Nhẹ thì bọn cẩu tặc bị đốt xe, bị dân làng bạt tai đá đít vài cái rồi giao cho công an; nặng hơn thì bị dân đánh cho nhừ đòn; thậm chí có những vụ đám cẩu tặc bị chết cháy cùng xe gây án lẫn những chú chó tội nghiệp.

Cả làng cũng từng là nghi can và cùng ra toà trong một vụ đánh chết cẩu tặc. Sự “đoàn kết cả làng” theo hình thức như thế, thật không nên chút nào. Nhưng đó là cách lựa chọn cuối cùng của họ.

Vì sao dân làng lại xử bọn cẩu tặc như luật rừng? Câu trả lời đơn giản là các điều khoản trong luật Nhà nước dành cho bọn trộm chó này không tương thích với những gì chúng gây ra. Một khi luật pháp “khoanh tay đứng nhìn” thì người dân sẽ xử theo cách của họ, nôm na là họ xử theo “luật rừng”.

Bộ luật Hình sự quy định, trộm tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng thì không bị phạt tù. Trừ những con chó cảnh hoặc chó săn đặc biệt, đa số chó nuôi ở quê, chẳng con nào bán với giá đó. Đây chính là “kẽ hở” của điều luật để bọn cẩu tặc lộng hành.

Chúng chỉ bị phạt hành chính với mức 3 triệu đồng nếu bị bắt quả tang trộm chó nên chúng ngang nhiên “hành nghề” mà không sợ “lỗ vốn”. Nhưng phải hiểu rằng, chó là vật nuôi, nó như một thành viên thân thiết trong mỗi gia đình nữa chứ không đơn thuần là một con vật “vô cảm” như bao loài gia súc khác.

Chính sự thân thiết ấy một khi bị mất thì sự tổn hại về mặt tình cảm của gia chủ là không tiền bạc nào đong đếm hết. Sự phẫn nộ dẫn đến những manh động mất kiểm soát trong việc hành xử với cẩu tặc của dân làng bắt nguồn từ lý do này.

Nếu vẫn cứ áp dụng cho “mức tài sản bị thiệt hại” để xét xử kẻ phạm tội, cụ thể là tội trộm chó thì mạng người sẽ tiếp tục bị chết oan như trường hợp ở Long An mà thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.