Cầu nối nhà trường và doanh nghiệp

GD&TĐ - Trong nỗ lực cải thiện tỷ lệ SV ra trường có việc làm, các cơ sở giáo dục đại học đã có sự kết nối mật thiết với các doanh nghiệp để trải nghiệm môi trường thực tế ngoài giảng đường. Những giờ học ngoài giảng đường với các kỳ kiến tập, thực tập, thậm chí là học kỳ doanh nghiệp là giai đoạn quan trọng giúp SV hình thành kỹ năng cần có trước khi chính thức tham gia vào thị trường lao động đang ngày một cạnh tranh gay gắt. 

Cầu nối nhà trường và doanh nghiệp

Những giờ học không bục giảng

Thầy Hoàng Như Vĩnh cùng các SV ngành Khoa học và Kỹ thuật máy tính (CSE) của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (ĐH Đà Nẵng) vừa có một buổi học thực tế về cách tổ chức, vận hành các quy trình và công cụ trong việc quản lý dự án phần mềm tại Công ty Smartdev là một Swiss Agile – Công ty Phát triển Phần mềm tại Đà Nẵng chuyên cung ứng các giải pháp phần mềm cho các doanh nghiệp.

Từ thực tế tiếp xúc tại doanh nghiệp, SV sẽ hiểu rõ vai trò của môn Quản lý dự án phần mềm (Software Project Management) – một học phần của ngành CSE. Ngoài được chia sẻ những hoạt động của Product Owner trong một ngày làm việc thông qua kỹ thuật User Story Mapping, SV biết được cách xác định những tính năng cần phải xây dựng khi bắt đầu một dự án và cách sắp xếp thứ tự ưu tiên cho từng tính năng khi phát triển.

TS Nguyễn Thị Mỹ Hương – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK) cho biết: “Nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng toàn cầu nên ngoài các kỳ thực tập bắt buộc cho SV năm cuối, VNUK tổ chức chương trình thực tập dành cho SV năm nhất. Bên cạnh chương trình thực tập bắt buộc, mỗi dịp hè, SV VNUK cũng đều được tạo điều kiện để đi thực tập, nâng cao kinh nghiệm nghề nghiệp tại hệ thống đối tác doanh nghiệp của VNUK”.

Theo phân tích của TS Mỹ Hương thì qua chương trình thực tập, SV sẽ có cơ hội khẳng định năng lực, ghi điểm trong mắt các nhà kinh doanh. “Có rất nhiều SV có cơ hội được ký hợp đồng bán thời gian để tiếp tục làm việc tại các doanh nghiệp mà các em tham gia thực tập, mở rộng cơ hội và khả năng tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp, làm giàu thêm CV cá nhân khi tham gia tuyển dụng sau này”.

Cô SV năm 2 Ngô Lê Nguyệt Phú (ngành Quản trị và Kinh doanh quốc tế - VNUK) đã có một kỳ thực tập hè đầy ấn tượng tại khách sạn Novotel Đà Nẵng. Nguyệt Phú được phân công thực tập tại khu vực quầy lễ tân với những công việc chính như chào đón, hướng dẫn khách, chỉ dẫn thang máy, sắp xếp tài liệu và các công việc giấy tờ, học cách sử dụng phần mềm đặt phòng, hỗ trợ nhân viên chính tại khách sạn.

“Công việc tại khách sạn sẽ căng thẳng theo từng khung giờ đặc thù, đặc biệt là khung giờ từ 12 giờ – 14 giờ hàng ngày, là khoảng thời gian khách đến nhận phòng nhiều nhất. Vì là khách sạn chuẩn 5 sao nên yêu cầu chăm sóc khách hàng rất khắt khe và em phải thích nghi nhanh với yêu cầu của công việc” – Nguyệt Phú cho biết.

Có những thời điểm, Phú và các bạn thực tập khác phải cùng lúc đón tiếp một đoàn khách hơn 500 người, “nhiều khách có những yêu cầu rất phức tạp đòi hỏi bộ phận lễ tân phải có các ứng xử khác nhau sao cho phù hợp. Em học được rất nhiều từ những tình huống thực tế như vậy, mình phải có khả năng xử lý vấn đề nhanh nhạy khi tiếp xúc với khách hàng và linh động trong công việc” – Phú chia sẻ.

Cần thái độ tích cực và chủ động

Để SV năm thứ nhất có thể tự tin khi tham gia thực tập tại doanh nghiệp, quan trọng hơn cả là để doanh nghiệp chấp nhận những SV chưa được trang bị hoàn chỉnh về kiến thức nghề nghiệp trong một môi trường chuyên nghiệp đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho SV về ý thức và thái độ.

TS Mỹ Hương đánh giá: “Chương trình thực tập dành cho SV năm nhất chắc chắn sẽ đòi hỏi SV rất nhiều nỗ lực. Trong môi trường thực tế, kể cả những SV giỏi nhất cũng không thể biết hết mọi điều. Vì vậy, tinh thần cầu thị, sẵn sàng học hỏi, sự nhiệt tình và ý thức kỷ luật của SV là cách để các bạn ghi điểm trong mắt doanh nghiệp - cũng chính là những nhà tuyển dụng trong tương lai”. VNUK vì vậy đã hình thành bộ phận hỗ trợ SV thực tập với sự tham gia của các giảng viên cũng như các SV khóa trước để huấn luyện cho SV trước mỗi kỳ thực tập.

Tham gia Học kỳ doanh nghiệp tại Bana Hill, Phạm Văn Lập (SV 15D1, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng) được bố trí đảm nhiệm xử lý các sự cố liên quan đến máy game, điện, hệ thống quạt gió tại khu vui chơi. “Lúc tham gia Học kỳ doanh nghiệp, em vừa học xong năm thứ 2, áp lực vì thế cũng nhiều hơn các bạn bởi có nhiều kiến thức em chưa học đến, các buổi thực hành tại phòng thí nghiệm, xưởng trường cũng chưa nhiều” – Lập chia sẻ.

Tuy nhiên, Lập cho biết, những gì mình chưa biết thì đều được sự hướng dẫn của nhân viên bảo trì của doanh nghiệp. Ngoài củng cố và thực hành các kiến thức đã được trang bị ở giảng đường, nhóm SV còn có điều kiện tiếp cận, học hỏi và xử lý trên những trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao.

Phạm Văn Lập kể: “Ở trường, chúng em chỉ học ở dạng chuẩn, nhưng chẳng hạn như với hệ thống đu quay tốc độ cao của Bana Hill rất hiện đại thì chúng em mới chỉ nghe nói chứ chưa hình dung được. Nhờ có 2 tháng tham gia làm việc mà khi trở lại trường tiếp tục học, em có cơ hội hiểu sâu hơn các kiến thức mà trước đó mình chỉ ghi nhớ theo dạng bắt buộc chấp nhận”.

Theo TS Nguyễn Đức Quận – Phó trưởng Khoa Điện – Điện tử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng thì muốn Học kỳ doanh nghiệp thực sự có hiệu quả, sinh viên phải được trang bị thật tốt các kiến thức chuyên ngành, được thực hành nhiều tại phòng thí nghiệm, xưởng trường cũng như phải có am hiểu nhất định về đơn vị nơi sẽ đến tham gia học kỳ, có ý thức tổ chức kỷ luật và phải ham học hỏi.

“Khác với khóa thực tập đại trà thông thường, với Học kỳ doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải có kế hoạch cụ thể để có việc cho SV làm. Và muốn được như vậy thì nhà trường phải chứng minh cho doanh nghiệp thấy được quyền lợi của họ khi tiếp nhận sinh viên tham gia Học kỳ doanh nghiệp” – TS Quận cho biết.

Phạm Văn Lập kể: “Ở trường, chúng em chỉ học ở dạng chuẩn, nhưng chẳng hạn như với hệ thống đu quay tốc độ cao của Bana Hill rất hiện đại thì chúng em mới chỉ nghe nói chứ chưa hình dung được. Nhờ có 2 tháng tham gia làm việc mà khi trở lại trường tiếp tục học, em có cơ hội hiểu sâu hơn các kiến thức mà trước đó mình chỉ ghi nhớ theo dạng bắt buộc chấp nhận”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ