Câu lạc bộ nhân tài Lê Quý Đôn: Lan tỏa tinh thần tự học

GD&TĐ -“Mô hình tự học trong trường phổ thông theo gương nhà bác học Lê Quý Đôn” đang được triển khai hiệu quả tại Thái Bình với điểm nhấn sự hình thành rộng rãi các câu lạc bộ (CLB) nhân tài Lê Quý Đôn trong nhà trường.

Hai đội thi mang tên “Thần đồng” và “Nhân tài” cùng khán giả thi tìm hiểu về nhà bác học Lê Quý Đôn tại Khu lưu niệm Lê Quý Đôn (Hưng Hà, Thái Bình). Ảnh: NTCC
Hai đội thi mang tên “Thần đồng” và “Nhân tài” cùng khán giả thi tìm hiểu về nhà bác học Lê Quý Đôn tại Khu lưu niệm Lê Quý Đôn (Hưng Hà, Thái Bình). Ảnh: NTCC

Rất bất ngờ, tác giả mô hình này là 2 học sinh Trường THCS Trần Phú (TP Thái Bình).

Khát khao nhân rộng tấm gương tự học

Ý tưởng về “Mô hình tự học trong trường phổ thông theo tấm gương nhà bác học Lê Quý Đôn” được Nguyễn Hà Chi (lớp 9A6), Nguyễn Trần Phương Vy (lớp 8A5) Trường THCS Trần Phú, TP Thái Bình ấp ủ và triển khai từ tháng 9/2020. Hai em đã tiến hành khảo sát và chia sẻ một con số khá thú vị: Hiện, cả nước có hơn 140 trường ở các cấp học từ mầm non đến phổ thông mang tên Lê Quý Đôn, trong đó có 9 trường THPT chuyên.

Khảo sát hiểu biết của học sinh Trường THCS Trần Phú (TP Thái Bình) bằng bộ 20 câu hỏi về nhà bác học và cách tự học của ông, kết quả cho thấy có đến 73,5% học sinh chỉ trả lời được dưới 10/20 câu hỏi. Điều đó chứng tỏ hiểu biết của học sinh về nhà bác học Lê Quý Đôn và cách tự học của ông chưa nhiều. Quyết tâm xây dựng một số mô hình tự học gắn với danh nhân Lê Quý Đôn của Hà Chi và Phương Vy bắt đầu từ đó.

Điểm nhấn nổi bật của mô hình này là thành lập CLB nhân tài Lê Quý Đôn với khẩu hiệu “Tự học theo tấm gương của nhà bác học Lê Quý Đôn”; tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp nhà bác học và thực hiện một số hoạt động trải nghiệm. Nguyễn Hà Chi và Nguyễn Trần Phương Vy cho biết: Mong mỏi của 2 em khi thành lập CLB là tập hợp được các bạn có chung niềm yêu thích cách tự học, tự nghiên cứu, cùng tìm được nhiều nhân tài tạo môi trường tự học, nghiên cứu. Từ đó tạo sức lan tỏa tới các bạn trong và ngoài nhà trường. Đồng thời, các bạn rèn luyện kỹ năng hợp tác, ứng xử, thuyết trình.

Các nội dung chính trong sinh hoạt CLB gồm: Sưu tầm tư liệu về nhà bác học Lê Quý Đôn từ các thư viện lớn, nhà nghiên cứu trong tỉnh và trong cả nước; tìm hiểu thân thế, sự nghiệp, các giai thoại về nhà bác học Lê Quý Đôn. Ngoài ra, CLB là nơi để các bạn tìm hiểu cách tự học và sự nghiệp sáng tác văn thơ, các câu chuyện về nhà bác học. Đặc biệt, CLB còn sân khấu hóa hình tượng Lê Quý Đôn thông qua buổi tập kịch trích đoạn khắc họa hình ảnh của nhà bác học thời trẻ. Các em còn tham gia vẽ tranh về hình ảnh nhà bác học; tìm hiểu thông tin về các trường mang tên Lê Quý Đôn trong tỉnh và trong nước.

Trong thời gian không dài, Hà Chi và Phương Vy đã xây dựng thành công mô hình tự học theo tấm gương nhà bác học Lê Quý Đôn tại Trường THCS Trần Phú qua hình thức CLB. Mô hình này có thể nhân rộng ra các trường phổ thông khác trong cả nước, đặc biệt là trường học mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn.

Cùng với đó, mô hình mà 2 em là tác giả cũng triển khai nhiều hoạt động trải nghiệm, sáng tạo như: Thi Rung chung vàng trắc nghiệm trên Internet; thiết kế thẻ tích điểm học tập; học tập tại di sản… Cuộc thi có sự đồng hành của hội cha mẹ học sinh, các chuyên gia, nhà sưu tầm, Ban quản lý khu lưu niệm Lê Quý Đôn cùng hàng trăm học sinh, giáo viên trong và ngoài trường.

Nguyễn Hà Chi và Nguyễn Trần Phương Vy trước Tượng đài nhà bác học Lê Quý Đôn (Hưng Hà, Thái Bình).
Nguyễn Hà Chi và Nguyễn Trần Phương Vy trước Tượng đài nhà bác học Lê Quý Đôn (Hưng Hà, Thái Bình).

Đề xuất nhân rộng mô hình

Dự án của Hà Chi và Phương Vy được thực hiện và triển khai trong thời gian 12 tháng tại Trường THCS Trần Phú, thu được những kết quả quan trọng. Theo cô Đào Ngọc Bích - Hiệu trưởng nhà trường, xây dựng mô hình tự học theo tấm gương nhà bác học Lê Quý Đôn gắn với học tập tại di sản địa phương là việc làm thiết thực, mang lại nhiều lợi ích cho cả giáo viên và học sinh. Nhất là trong bối cảnh triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, trong đó có vấn đề tự học của học sinh.

Khi triển khai mô hình, nhà trường đã huy động được sự vào cuộc không chỉ của giáo viên, học sinh, mà còn cả lực lượng khác trong xã hội, như hội cha mẹ học sinh, tổ chức Đoàn Thanh niên, Ban quản lý khu di tích, các nhà nghiên cứu… Học sinh chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập và rất hứng thú khi tham gia các hoạt động trải nghiệm, tự tin hơn khi trình bày trước đám đông, biết cách xây dựng kế hoạch học tập... Đặc biệt, học sinh trước đây còn nhút nhát thì sau khi tham gia các hoạt động đã tiến bộ lên rất nhiều. “Mô hình này nếu tiếp tục hoàn thiện có thể nhân rộng ra các trường trong toàn quốc”, cô Đào Ngọc Bích nhận định.

Đánh giá cao “Mô hình tự học trong trường phổ thông theo tấm gương nhà bác học Lê Quý Đôn”, TS Nguyễn Viết Huy - Phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Công tác học sinh, sinh viên (Sở GD&ĐT Thái Bình) - nhận định: Các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo của CLB nhân tài Lê Quý Đôn đã giúp học sinh nâng cao nhận thức về tinh thần tự học, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, nghiên cứu khoa học, thuyết trình. Qua đó, giúp phát hiện sớm để định hướng, bồi dưỡng các tài năng về các lĩnh vực như sân khấu, hội họa, nghệ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội…

“Nhóm tác giả cũng đã đề xuất với Sở GD&ĐT Thái Bình thành lập CLB các trường mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn trong cả nước và xây dựng Cổng thông tin về nhà bác học Lê Quý Đôn phục vụ việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm học tập. Đặc biệt, mô hình này mang lại hiệu quả tích cực khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018” - TS Nguyễn Viết Huy cho hay.

Phạm Diệu Huyền - học sinh lớp 8A2, Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Thái Bình) rất vui khi được tham gia CLB nhân tài Lê Quý Đôn. Trong quá trình tham gia, em được đọc rất nhiều sách quý về nhà bác học. Đồng thời, em đã làm chủ được thời gian khi tiếp xúc với mô hình tự học. “Tuyệt vời hơn nữa, em đã thay đổi được tư duy đọc sách. Mong rằng thời gian tới có nhiều bạn tham gia CLB nhân tài Lê Quý Đôn và tiếp xúc với mô hình tự học này” - Phạm Diệu Huyền chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.