Cậu học trò người Mông vượt khó viết ước mơ nơi đại ngàn

GD&TĐ - Nhận ra tầm quan trọng của việc học, cậu học trò người Mông quyết tâm trở lại trường tìm con chữ, viết ước mơ gieo chữ nơi đại ngàn. 

Cậu học trò dân tộc Mông Sùng A Hồng.
Cậu học trò dân tộc Mông Sùng A Hồng.

Quyết tâm trở lại trường tìm con chữ

Sùng A Hồng, học sinh lớp 11A, Trường THPT Mường Lát, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) là một cậu học trò đặc biệt. A Hồng sinh ra và lớn lên ở bản Khằm 1 (xã Trung Lý, Mường Lát) trong một gia đình có tới 12 anh, chị em.

Do điều kiện hoàn cảnh khó khăn nên 6 anh, chị của A Hồng phải nghỉ học đi làm thuê từ sớm. Hiện chỉ còn A Hồng và 5 người em đang tiếp tục việc học hành, người em nhỏ tuổi nhất của cậu đang học lớp 1.

Nhà đông con song Sùng A Hồng cho biết, toàn bộ chi phí học hành và sinh hoạt hàng ngày của cả nhà chỉ phụ thuộc vào 4 sào ruộng và 2 con trâu phục vụ sản xuất. Các anh chị đi làm đều đã lập gia đình, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên cũng không hỗ trợ được là bao.

A Hồng kể, hành trình đi tìm con chữ của cậu đó là những tháng ngày gian truân, không chỉ vì gia đình đông con mà quãng đường từ nhà đến trường quá xa xôi, cách trở. Đặc biệt là khoảng thời gian từ cấp 2, em phải học tập xa nhà đến hàng chục km. Để thuận tiện cho việc học, cậu học trò vùng cao xin ở lại khu nội trú của trường, cứ cuối tuần lại “cuốc bộ” về nhà đỡ đần cha mẹ đi nương, lượm củi,...

“Vì không có xe nên nếu muốn về nhà, em phải đành phải đi bộ hàng chục km. Có lần may mắn thì xin ngồi nhờ được một đoạn đường. Có hôm cuốc bộ dưới trời nắng nóng đến bỏng rát làn da, nhiều khi đang trên đường về, trời bỗng đổ mưa tầm tã khiến người ướt sũng.

Để quãng đường về nhà gần hơn, có lần em đành bơi qua suối nhưng đó là vào mùa nắng khi con suối còn ít nước”, cậu học trò tâm sự.

Vì nhà cách xa trường hơn 40 km nên Sùng A Hồng thuê trọ gần trường để thuận tiện cho việc học.

Vì nhà cách xa trường hơn 40 km nên Sùng A Hồng thuê trọ gần trường để thuận tiện cho việc học.

Những năm A Hồng học lớp 7 cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất của cậu học trò vùng cao xứ Thanh. Khi ấy, mẹ của cậu phải nhập viện mổ ruột thừa, 2 anh trai mắc bệnh thận cũng phải nhập viện điều trị. Cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn lại càng thêm khốn đốn vì phải chạy vạy vay mượn thuốc thang cho mẹ và các anh.

“Hồi ấy, gia đình em chẳng còn gạo, phải vay gạo về độn với sắn, bữa đói bữa no đến trường tìm con chữ. Nhưng điều đó không khiến em sợ hãi bằng bệnh tình của mẹ. Thật may mắn là mẹ đã vượt qua bệnh tật, ở lại bên em”, Sùng A Hồng xúc động nói.

Năm lớp 10, Hồng đột ngột bỏ học vì nhà quá nghèo. “Em ở nội trú cũng được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều, nhưng nghĩ thương bố mẹ gồng gánh nuôi các em ăn học vất vả. Nghĩ vậy, em dừng học đi làm thuê đỡ đần bố mẹ”, cậu bộc bạch.

Sau thời gian làm thuê thời vụ cho một công ty điện tử ở Bắc Ninh, A Hồng mới chợt nhận ra bằng cấp và trình độ lại đáng quý đến vậy. “Ở nơi em làm, những anh, chị có bằng cấp và chuyên môn đều có vị trí công việc tương xứng, thu nhập cao. Em đã lấy đó làm động lực, quyết tâm quay trở về tìm con chữ và tiếp tục với ước mơ của mình”, A Hồng chia sẻ.

Xuất sắc đoạt giải Ba cấp tỉnh

Thế nhưng, hành trình trở lại tìm con chữ của chàng trai người dân tộc Mông không dễ dàng, sau quãng thời gian bỏ lửng. Để theo kịp bạn bè, ngoài thời gian học trên lớp, cậu học trò thức rất khuya để học bài, xem lại sách để củng cố kiến thức.

“Nhiều hôm em miệt mài học tới tận 1-2 giờ sáng, có lần mệt quá thiếp đi lúc nào không hay. Sau thời gian thích nghi, em tự tin hơn vì có thể bắt kịp được các bạn”, nam sinh hồ hởi.

Với sự nỗ lực cố gắng, kết thúc học kỳ 1 năm học 2022-2023, A Hồng vui sướng vì kết quả học tập khá cao. Đặc biệt, chàng trai người dân tộc Mông còn lọt vào đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh và xuất sắc đoạt giải Ba, môn Giáo dục công dân. “Khoảnh khắc chờ đợi kết quả em hồi hồi và áp lực lắm. Đến khi biết tin đoạt giải, cảm xúc như vỡ òa”, Sùng A Hồng bộc bạch.

Nói về sự lựa chọn trở lại tìm con chữ của mình, cậu học trò hồ hởi: “Nếu bỏ ngang việc học để đi làm luôn, em có thể đỡ đần cha mẹ nhưng chỉ được trước mắt. Về lâu dài, em nghĩ rằng mình sẽ phụ thuộc vào nhà tuyển dụng và chưa biết chừng cuộc sống sau này còn vất vả hơn những gì mà bố mẹ em đã trải qua”.

Cậu học trò dân tộc Mông nuôi ước mơ trở thành thầy giáo gieo chữ nơi đại ngàn.

Cậu học trò dân tộc Mông nuôi ước mơ trở thành thầy giáo gieo chữ nơi đại ngàn.

Chia sẻ về ước mơ của mình, cậu học trò xứ Thanh nói “Muốn trở thành nhà giáo để gieo con chữ cho các em nhỏ ở bản làng nơi em sinh ra. Đồng thời, truyền tải động lực để các em nhỏ tiếp tục con đường học hành, theo đuổi ước mơ của mình”.

Thầy Quách Hồng Ngọc (giáo viên chủ nhiệm lớp) cho biết, Sùng A Hồng là học sinh người dân tộc Mông, mới chuyển trường về từ năm học này. Hồng có hoàn cảnh khá khó khăn, gia đình thuộc hộ cận nghèo ở bản Khằm (xã Trung Lý), cũng là bản khó khăn của Mường Lát. Dù hoàn cảnh khó khăn, song A Hồng rất nỗ lực vươn lên trong học tập.

“Trong lớp, em là học sinh rất chăm ngoan, năng động và gương mẫu trong các hoạt động phong trào. Tôi đánh giá em là một trong những học sinh ưu tú của lớp. Ngoài học tốt môn thuộc tổ hợp Khoa học xã hội, em cũng học tốt các môn tự nhiên, thành tích học tập luôn nằm trong tốp đầu của lớp”, thầy Ngọc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Đến với bài thơ hay: Yêu con

GD&TĐ - Bài thơ mở ra với cụm từ 'yêu con' giản dị nhưng sâu sắc, tựa trời cao, biển rộng, như tình yêu không bờ bến.

Cô và trò Trường PTDT bán trú THCS Lũng Chinh (Mèo Vạc, Hà Giang) trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: INT

Bảo vệ danh dự, uy tín người thầy

GD&TĐ - Theo luật sư, không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức phù hợp với Hiến pháp và pháp luật...

Việc tham gia các giải chạy hoặc tập các môn thể thao cần phải phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và tính chất công việc. Ảnh: H.Y

Hiểm họa từ tập thể dục quá sức

GD&TĐ - Hoạt động thể dục có rất nhiều lợi ích, nhưng nếu tập quá sức có thể khiến cơ thể đối mặt với nhiều tác hại nguy hiểm, thậm chí tử vong.