Cậu bé 11 tuổi và những “bức họa” trên dưa hấu ngày giáp Tết

Cậu bé 11 tuổi và những “bức họa” trên dưa hấu ngày giáp Tết

Tại Kon Tum, giữa không khí nhộn nhịp, hối hả của chợ hoa ngày Tết, một gian hàng bán dưa hấu được khắc họa tỉ mỉ bằng chữ thư pháp, hình ảnh... nằm lặng lẽ một góc. Với hàng chục quả dưa hấu đã được khắc chữ thư pháp: Vạn sự như ý, Phúc – Lộc – Thọ, mua may bán đắt... được đặt ngay ngắn trên tấm bạt ở vỉa hè.

Anh Nguyễn Trần Vũ (28 tuổi, trú tại huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) - chủ sạp dưa hấu cho hay, từ nhỏ anh đã thích viết thư pháp. Tuy nhiên không có điều kiện học và viết thư pháp một cách bài bản nên anh luôn tìm nhiều cách để thỏa niềm đam mê. Do đó, cứ thấy đồ vật hay loại hoa quả nào có thể khắc chữ thư pháp được anh đều mày mò viết lên những nét chữ uốn lượn.

Những tác phẩm nghệ thuật trên dưa hấu được các “nghệ nhân” khắc họa sống động.
Những tác phẩm nghệ thuật trên dưa hấu được các “nghệ nhân” khắc họa sống động.

Khoảng 8 năm trước, anh được 1 người bạn tặng cho quả dưa hấu có khắc thư pháp. Từ đó, anh Vũ chuyển dần sang viết thư pháp trên dưa hấu, vừa thực hiện được đam mê vừa có thể tăng thêm thu nhập.

“Ban đầu, do chưa quen tay nên tôi làm hư nhiều quả dưa lắm. Hư quả nào lại bổ ra ăn vì chẳng ai bỏ tiền ra mua làm gì cả. Có những ngày khắc hư, tôi lỗ cả vài trăm nghìn. Tiếc tiền, nên bản thân tôi cố gắng cẩn thận, nắn nót hơn. Dần dần, những nét khắc mới mềm mượt, ấn tượng”, anh Vũ nói.

Cũng theo anh Vũ, để tác phẩm được hoàn thiện và đẹp nhất thì trước tiên phải chọn quả dưa phù hợp, tròn trịa và không bị “sẹo”. Bên cạnh đó, dưa dễ vỡ nên phải cẩn thận trong quá trình vận chuyển.

Ngồi nắn nót từng mũi dao, em Trương Công Danh (11 tuổi – cháu của anh Vũ) được nghỉ Tết nên cũng theo cậu đi khắc dưa.

Tâm sự với chúng tôi, Danh cho hay, từ năm 3 tuổi em đã thấy cậu mày mò khắc chữ thư pháp và vẽ lên dưa hấu. Khi đó em đã thấy tò mò và thích thú bởi những đường nét và bức tranh sống động trên dưa. Đến khi lớn lên một chút, mỗi khi nhà có dưa hấu em bắt đầu lấy cây tăm trạm trổ lên những đường nét. Những nét vẽ đầu tiên nghệch ngoạc, xiêu vẹo. Tuy nhiên, qua nhiều lần mày mò, học hỏi cậu nét vẻ của em cũng chỉnh chu và sống động hơn.

Chỉ mới 11 tuổi, nhưng Danh đã biết khắc họa nên những bức tranh sống động trên dưa hấu.

Chỉ mới 11 tuổi, nhưng Danh đã biết khắc họa nên những bức tranh sống động trên dưa hấu.

“Em thấy khó nhất là việc tạo khuôn chữ, hình dáng trên quả dưa hấu. Để có thể tạo ra những tác phẩm đẹp trên dưa thì việc tạo hình rất quan trọng, nếu vẽ sai, xấu thì khi khắc lên quả dưa sẽ không đẹp, không lôi cuốn người mua.

Do mới làm quen nên em chỉ mới khắc được chữ và những họa tiết đơn giản. Riêng những chi tiết khó thì em nhờ cậu giúp đỡ. Việc khắc dưa cũng khiến em rèn tính kiên trì, cẩn thận và khéo léo để áp dụng vào cuộc sống thường ngày”, Danh vui vẻ nói.

Nói về tương lai sau này của mình, cậu bé 11 tuổi chia sẻ, em sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ sự mong đợi của gia đình. Ngoài ra, thời gian rảnh rỗi em sẽ theo cậu học khắc chữ thư pháp, vì việc này rèn luyện cho em nhiều tính tốt, cần thiết trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?