Theo tờ Nhân dân Nhật Báo, một buổi chiều tháng 6, một cậu bé sống ở Tân Thành, Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đang ở nhà với ông bà. Trong lúc ông bà ở trong phòng thì cậu bé tự chơi đùa một mình. Sau một lúc không nghe thấy tiếng cháu, ông bà mới vội đi tìm.
Khi chạy vào phòng tắm, họ nhìn thấy cháu đang bất tỉnh nằm trong xô nước đầy, toàn thân ướt lạnh và tím tái. Ông cậu bé nhanh chóng gọi xe cấp cứu tới.
Sau khi nhận được cuộc gọi, Trung tâm cấp cứu Ôn Châu lập tức cử bác sĩ cấp cứu đến hiện trường.
"Khi ông bà của đứa trẻ phát hiện ra, họ không biết đứa trẻ đã bị chết đuối từ khi nào", Hu Xiangbo - bác sĩ cấp cứu cho hay: "Khi xe cứu thương đến hiện trường, đứa trẻ không còn nhịp tim để thở nữa".
Trên đường đưa tới Bệnh viện liên kết thứ hai của Đại học Y khoa Wenyi, các bác sĩ vẫn nỗ lực giải cứu nhưng cuối cùng cậu bé vẫn không qua khỏi.
Bác sĩ cấp cứu Hu Xiangbo nói: "Đứa trẻ đã vô tình bị ngã vào xô nước trong phòng tắm nhưng không trèo ra ngoài nên đã dẫn tới kết cục đau lòng. Nhiều gia đình thường cho rằng trẻ ở nhà sẽ an toàn nên dễ lơ là cảnh giác.
Thực tế, nhiều tai nạn cũng có thể xảy ra trong nhà. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, ngay cả một cái xô nước nhỏ hoặc một bể nước nhỏ, miễn là có thể ngập miệng và mũi trẻ thì đều có thể khiến trẻ bị đuối nước dẫn tới tử vong.
Những "sát thủ" ngay trong gia đình có thể khiến trẻ bị chết đuối
Tại Trung tâm cấp cứu Ôn Châu cũng đã từng tiếp nhận trường hợp tương tự ở Ôn Châu năm 2018. Vào ngày 7/6/2018, một bé gái 3 tuổi được tìm thấy bị chết đuối trong một ao cá trên ban công.
Theo gia đình của đứa trẻ, bé gái rất hoạt bát, đã chạy đến bể cá trên ban công chơi. Sau khi người lớn trong gia đình nhận thấy đứa trẻ biến mất mới vội đi tìm thì phát hiện bé gái đã chết đuối trong ao cá.
Bác sĩ cấp cứu Hu Xiangbo nhắc nhở:
- Tuyệt đối không để trẻ nhỏ rời khỏi tầm nhìn của bạn, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh, vì chỉ lơ là vài phút, tai nạn nguy hiểm có thể xảy ra ngay lập tức.
- Không lưu trữ nước trong các thùng chứa lớn, đặc biệt là các thùng chứa sâu như xô, bồn tắm,..., Nếu lưu trữ nước phải đậy nắp, để xa tầm tay của trẻ. Khi không dùng nên lộn ngược xô, chậu.
- Đừng để trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chơi trong phòng tắm với bồn tắm hay chậu tắm đầy nước một mình.
- Gia đình có ao cá nên rào kín xung quanh, có bể cá thì nên đậy kín.
Cách sơ cứu khi trẻ bị đuối nước
Bước 1: Đưa nạn nhân ra khỏi nước. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.
Bước 2: Đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Gọi hỏi nạn nhân xem còn tỉnh táo hay không. Đồng thời, gọi người đến hỗ trợ cấp cứu.
Bước 3: Bắt mạch nạn nhân ở tay, cổ hoặc bẹn của nạn nhân, kiểm tra bệnh nhân còn thở hay không bằng cách áp tai vào miệng và quan sát lồng ngực.
Bước 4: Dùng 2 tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.
Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 - 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt.
Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Bước 5: Tiếp tục bắt mạch, nếu nạn nhân tỉnh lại, cho nạn nhân nằm nghiêng để đẩy nước và dị vật còn sót ra ngoài, sau đố chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục cấp cứu. Trường hợp nạn nhân chưa tỉnh, tiếp tục thực hiện các biện pháp hà hơi, ép tim ngoài lồng ngực trong lúc chờ các cán bộ y tế tới.