Nhiều trẻ đuối nước ở Hà Tĩnh: Làm sao để nỗi đau không kéo dài?

Nhiều trẻ đuối nước ở Hà Tĩnh: Làm sao để nỗi đau không kéo dài?

4 học sinh chết đuối trong một tuần

Chị Dương. T. Ng (xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) chưa thể nguôi đi nỗi đau mất con trai Mai V.C trong nước mắt chị kể: “Trước lúc xảy ra chuyện, trong bữa cơm trưa C. vẫn vui vẻ kể về bạn bè, học hành ở lớp”.

“Khoảng 12h30 phút ngày 30/5 con trai tôi cùng nhóm bạn 5 đứa đều học lớp 10, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Lộc Hà rủ nhau đi lên đập Đồng Hố thuộc xã Hồng Lộc để tắm mát. Buổi trưa định mệnh đó đã cướp đi con gái tôi mãi mãi” – chị Ng. nấc lên từng tiếng.

Không ngăn nổi dòng nước mắt, chị kể tiếp: “Con tôi mới có 17 tuổi, nó là đứa con ngoan. Hôm đó, khi C. nhảy xuống dòng nước để tắm thì mãi không ngoi lên. Bạn bè lo lắng mới tri hô những người gần đó đến tìm kiếm, nhưng 15 phút, 30 phút, cả mấy tiếng sau cũng không thấy C. đâu. Chỉ đến khi người nhà và lực lượng chức năng tìm thấy thì con tôi đã tử vong”.

Trước đó một ngày 29/5, em Trần N.H (13 tuổi, học sinh Trường THCS Hương Trà, Hương Khê) cũng bị tử vong do đuối nước. Dù không biết bơi, em H. cùng 2 người bạn khác vẫn đến hồ nước để tắm sau trận bóng đá buổi chiều, thật không may mắn em H. đã bị đuối nước và tử vong.

Vào ngày 24/5 tại xã Quang Diệm (huyện Hương Sơn) cũng đã xảy ra một vụ đuối nước khiến 2 học sinh tử vong. Cụ thể, vào khoảng 13h cùng ngày, do trời nắng nóng, một nhóm học sinh rủ nhau vào đập Cây Trường thuộc xã này để tắm. Trong lúc đang tắm thì em N.C.C. (16 tuổi) và N.Q.H. (18 tuổi đều là học sinh Trường THPT Hương Sơn) không may trượt chân xuống hố nước sâu chết đuối.

Theo báo cáo của các ngành chức năng, mỗi năm trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra hàng chục vụ học sinh đuối nước, gây nên cái chết cho khoảng 20 - 30 đứa trẻ. Trong 5 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn đã có 20 đứa trẻ tử vong do đuối nước. Trong đó, trẻ từ 10-18 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất, khoảng 80%.

Nâng cao ý thức tự bảo vệ mình cho học sinh

Hà Tĩnh là địa bàn đặc thù nhiều bến sông, ao, hồ, suối, bờ đập tự nhiên. Nhất là ở khu vực nông thôn, có hàng nghìn hố nước sâu đang giăng sẵn mỗi ngày, sẵn sàng nuốt chửng cuộc sống của bất kỳ ai, nhất là những học sinh chưa có ý thức tự bảo vệ mình.

Trẻ em đuối nước thường để lại ân hận và nỗi đau dai dẳng cho gia đình và xã hội. Thường khi sự việc xảy ra rồi phụ huynh mới rút kinh nghiệm trong việc quản lý, giáo dục con cái. Dù vậy, hằng năm tai nạn đuối nước ở tỉnh này vẫn không có chiều hướng giảm.

Nhiều trẻ đuối nước ở Hà Tĩnh: Làm sao để nỗi đau không kéo dài? ảnh 1
Khu vực sông, hồ dù luôn có biển cảnh báo nguy hiểm, nhưng nhiều học sinh vẫn thiếu cảnh giác.

Việc trẻ em bị đuối nước không thể đổ lỗi hoàn toàn cho chính quyền địa phương khi chính cha mẹ lại chưa quản lý chặt chẽ con cái của mình, hoặc sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong giám sát con cái còn lỏng lẻo.

Ở vùng nông thôn, học sinh, trẻ nhỏ vốn sống gần gũi với thiên nhiên từ nhỏ, đó cũng là nguyên nhân khiến các ông bố, bà mẹ chủ quan hơn trong việc quản lý hoạt động vui chơi của con mình.

Mùa hè, cuối năm học sinh thường tổ chức họp lớp, đi hội trại, tụ tập vui chơi tắm biển, sông, suối… Đây cũng là một trong những nguyên nhân nữa khiến học sinh chết đuối. Đặc biệt học sinh cấp 3 sau khi uống rượu, bia thường hay ra biển, ao hồ tắm mà không làm chủ được bản thân.

Việc đuối nước ở trẻ vị thành niên luốn có yếu tố từ sự chủ quan, thiếu quyết liệt ở từng gia đình và ở chính từng đứa trẻ. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mùa hè năm 2020 sẽ có nắng nóng gay gắt hơn năm 2019. Đây là một tác nhân khiến trẻ em ở các vùng quê tham gia dã ngoại ở những khu vực ao hồ.

Để giảm thiểu tình trạng học sinh và trẻ em đuối nước ở Hà Tĩnh, cần sự phối giữa nhà trường và phụ huynh trong giám sát con trẻ, đồng thời nâng cao cảnh giác về ý thưc tự bảo vệ mình cho trẻ em. Cho trẻ tham gia các lớp dạy bơi, để có thể tự bảo vệ mình khi đi tắm với bạn bè.

Vai trò của gia đình được đặt là trọng tâm khi cần phải tạo ra môi trường an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, từ nhà trường đến địa phương cần rà soát lại cơ sở vật chất, điều kiện, chương trình rèn luyện sức khỏe, thể chất cho học sinh, trẻ em; nhất là hướng dẫn tập luyện kỹ năng bơi lội phù hợp với điều kiện của mình; loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em.

Các cụ ngày xưa có câu "Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo", nhưng đừng bắt trẻ phải "biết", mà cần phải dạy cho trẻ "biết" bởi đó là quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền sống còn của trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ