(GD&TĐ)-Nhu cầu đổi mới đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh trở lên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Đó là ý kiến chung của nhiều đại biểu tại hội thảo quốc gia “Xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh ở Việt Nam” do trường ĐH Kinh tế quốc dân chủ trì tổ chức sáng nay (12/10).
Chia sẻ kinh nghiệm hoàn thiện chương trình đào tạo cử nhân QTKD sáng 12.10. Ảnh: gdtd.vn |
Những vấn đề đang đặt ra
Theo thống kê sơ bộ, đến nay, có hơn 100 cơ sở ĐH, CĐ có đào tạo về quản trị kinh doanh phân bố trên khắp cả nước. Đi đầu trong số đó có thể nói tới các khoa quản trị kinh doanh của ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Ngoại thương, ĐHQGHN, ĐH Kinh tế Đà Nẵng…
Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Công Hoa – Trưởng khoa quản trị kinh doanh (ĐH Kinh tế quốc dân), chương trình quản trinh kinh doanh hiện có phần lớn là chương trình chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ; trên thực tế vẫn duy trì lựa chọn chuyên ngành đào tạo cung ứng (sinh viên chọn ngay từ đầu), cơ cấu chương trình với một hệ thống môn học khá nhiều (khoảng 45-50 môn học), tính chuyên nghiệp thấp…Thêm nữa, phần lớn các chương trình đào tạo hiện nay có được là dựa vào việc chuyển đổi từ các chương trình đào tạo cử nhân kinh tế hoặc quản lý trước đây kết hợp với việc tiếp nhận một số môn học từ các trường ĐH nước ngoài để chuyển đổi sang quản trị kinh doanh nên có sự đan xen, chắp vá, thiếu tính logic…
Bên cạnh đó, công nghệ xây dựng chương trình còn mang nặng cảm nhận chủ quan, thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn; quy trình có tính tổ chức trong xây dựng chương trình đào tạo mới hay đổi mới 1 chương trình đào tạo quá phức tạp và diễn ra khá lâu nên không theo kịp dự thay đổi của thị trường.
Việc triển khai thực hiện chương trình cũng có những bất cập như tính giao thoa trong tổ chức đào tạo giữa các trường trong đào tạo quản trị kinh doanh rất ít, phổ biến là khép kín theo trường, thậm chí là theo các khoa chuyên ngành. Đội ngũ giảng viên có trình độ cao về giảng dạy quản trị kinh doanh còn thiếu. Riêng các trường dân lập, tư thục thiếu trầm trọng. Giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy dù có nhiều cố gắng song vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình đào tạo…
Còn theo PGS.TS.Nguyễn Thừa Lộc ( Khoa Thương mại & KTQT – ĐH Kinh tế quốc dân), chương trình ngành quản trị kinh doanh bậc cử nhân tại Việt Nam hiện đang có cùng nhược điểm chung, đó là việc nhận thức không thống nhất về chương trình đào tạo quản trị kinh doanh tại các trường. Quản lý thực hiện chương trình đào tạo chưa chặt chẽ, nhất là phát triển chương trình ở cấp bộ môn; còn hạn chế trong phân bố và thực hiện chương trình đào tạo; đánh giá kết quả chương trình đào tạo ngành quản trị kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức…
Để đánh giá chương trình đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh, ThS.Trương Tuấn Anh (CLB Doanh nhân tương lai) đã thực hiện 1 khảo sát những sinh viên đã và đang theo học tại ĐH Kinh tế quốc dân. Kết quả, có tới 42,1% cho rằng, cấu trúc chương trình đào tạo hiện nay là chưa hợp lý; 50% cho rằng chương trình còn tồn tại nhiều sự trúng lặp giữa các môn học; 48,5% đánh giá hiện sự phân chưa giữa phần kiến thức giáo dục đại cương và kiến thức ngành chưa hợp lý; 70% cho rằng, kiến thức đại cương là cần thiết nhưng cần giảm bớt về thời lượng…
Làm thế nào để xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế?
Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về xây dựng chương trình đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh, GS John Sargent – Trường Quản trị kinh doanh ĐH Texas (Mỹ) cho biết, những chương trình quản trị kinh doanh hàng đầu trên thế giới hiện nay đều gặp nhau ở những điểm chung như tính mới mẻ, linh hoạt, tính quốc tế và dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho sinh viên. Theo GS. John Sargent, những chương trình này thường mang tính thử thách, khuyến khích sự phát triển tư duy học thuật và các kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên. Trường học cung cấp một môi trường học tập mà ở đó mọi hoạt động đều giúp sinh viên thu nhận kiến thức và kỹ năng mới một cách sáng tạo và toàn diện. Sinh viên có thể lựa chọn nhiều hơn 1 chuyên ngành hoặc nhận 2 bằng cử nhân, đồng thời cũng có thể chủ động tham gia thiết kế chương trình với sự tham gia sát sao của cố vấn học tập phù hợp với lĩnh vực mình đam mê. Đặc biệt, tại những trường cung cấp chương trình quản trị kinh doanh kinh doanh hàng đầu, sinh viên không bao giờ thiếu những dịch vụ hỗ trợ toàn diện trong toàn bộ chương trình học tập được cung cấp bởi giảng viên, cố vấn học tập, sinh viên khóa trên, cựu sinh viên, các tổ chức của sinh viên…
Kiến nghị tái thiết, đổi mới và hoàn thiện chương trình đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh ở Việt Nam, PGS.TS.Lê Công Hoa cho rằng, cần xác định rõ những vấn đề có tính nguyên tắc trong thiết kế và tái thiết chương trinh ; coi trọng đầu tư và chú ý phát triển các chương trình đào tạo quản trị kinh doanh có yếu tố nước ngoài; thiết kế lại và hoàn thiện chương trình hiện có theo hướng chuẩn hóa, quốc tế hóa; kết hợp đổi mới chương trình đào tạo quản trị kinh doanh với đổi mới, hoàn thiện tổ chức thực hiện chương trình.
Th.S Trần Mai Ước (ĐH Ngân hàng TP.HCM đề cập đến vấn đề đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh theo mô hình CDIO nhằm đáp ứng với nhu cầu xã hội. Phương pháp CDIO đã xây dựng một hệ thống các mục tiêu giáo dục gồm 12 chuẩn đề cấp đến triết lý chương trình, phát triển chương trình đào tạo phù hợp, chương trình đào tạo từ cơ bản đến nâng cao, không gian học tập, đánh giá chương trình học, giáo trình tích hợp hay phương pháp dạy và học chủ động… Sinh viên trong chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO cần đạt 4 năng lực chính là khối kiến thức và lập luận ngành; các kỹ năng, phẩm chất cá nhân và nghề nghiệp; các kỹ năng và phẩm chất xã hội; năng lực áp dụng kiến thức vào thực tiễn.
TS.Trần Thị Song Minh (ĐH Kinh tế quốc dân) thì đề xuất đổi mới xây dựng chương trình đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh dưới góc độ định hướng chuẩn đầu ra. Chương trình này được đánh giá là toàn diện và linh hoạt hơn nhờ việc kết cấu chương trình đào tạo thành các mô đun và trao quyền cho người dạy trong việc phát triển và thực hiện các mô đun đó.
TS.Đoàn Hồng Lê – Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng cũng đưa ra những giải pháp đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh đáp ứng nhu cầu xã hội. Theo đó, trên cơ sở tăng cường tiếp cận thông tin về nhu cầu nhân lực quản trị kinh doanh trong xã hội cần hoàn thuện chương trình, nội dung đào tạo trên cơ sở nhu cầu của thị trường lao động; cùng với đó, nâng cao năng lực đào tạo và chất lượng đội ngũ giảng viên.
Hiếu Nguyễn