Cấp thiết bồi dưỡng đội ngũ sư phạm đạt chuẩn mới

GD&TĐ - Trong bối cảnh mới, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ sư phạm phải đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn, vừa phù hợp thực tiễn chuyên môn, nhiệm vụ.

Cô trò Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh, Nghệ An).
Cô trò Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh, Nghệ An).

Nhu cầu giáo viên đủ về lượng và chất

Các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện đang thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên trên cơ sở nguồn biên chế mới được phân bổ. Tuy nhiên để tuyển được giáo viên vừa đạt chuẩn mới theo Luật giáo dục sửa đổi, vừa đáp ứng nhu cầu dạy học theo Chương trình GDPT 2018 lại gặp khó khăn, vướng mắc.

Huyện Yên Thành được phân bổ 292 chỉ tiêu năm học 2022-2023. Ngoài ưu tiên tuyển dụng toàn bộ số giáo viên mầm non diện Nghị định 06 và Thông tư 09, huyện này dự kiến tuyển 42 giáo viên tiểu học từ nguồn giáo viên đang dạy hợp đồng THCS các môn đặc thù, năng khiếu. Còn đối với cấp THCS có 12 chỉ tiêu tuyển mới, nhưng địa phương đang cân nhắc vì phải tính toán trên thực tế đang thừa hơn 100 giáo viên cơ hữu.

Tình trạng “thừa thiếu” giáo viên cục bộ này diễn ra tương tự ở nhiều huyện, thị khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong đó thừa nhiều ở THCS với các môn như Toán, Ngữ văn… còn thiếu giáo viên tiểu học và bộ môn Tiếng Anh, Tin học, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Mỹ thuật, Âm nhạc. Điều này dẫn đến thực tế dù được bổ sung chỉ tiêu, nhưng khi tuyển dụng lại không đủ hồ sơ đăng ký.

Cơ cấu giáo viên hiện tại của Nghệ An đang chưa hợp lý để đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.

Cơ cấu giáo viên hiện tại của Nghệ An đang chưa hợp lý để đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.

Các huyện miền núi không tìm được giáo viên Tiếng Anh, Tin học. Còn vùng đồng bằng như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành… cần tuyển giáo viên tiểu học có bằng đại học theo Luật Giáo dục sửa đổi nhưng số lượng ứng viên ít hơn chỉ tiêu.

Trong khi cấp THCS thực hiện chương trình GDPT 2018, thay đổi cơ cấu môn học khiến các nhà trường gặp bất cập khi triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Hiện cũng chưa có sinh viên sư phạm nào tốt nghiệp 2 chuyên ngành này để tuyển dụng, mà các trường đang bố trí giáo viên dạy kiêm nhiệm.

Nhu cầu nguồn giáo viên đáp ứng yêu cầu mới của giáo dục là tín hiệu mừng cho ngành sư phạm sau nhiều năm giảm sức hút do sinh viên tốt nghiệp khó tìm được việc làm. Nhưng nhìn từ thực tế “thiếu nguồn tuyển” cũng chỉ ra bất cập trong đào tạo sư phạm, nhất là dự báo và đón đầu ngành học mới.

Chương trình Giáo dục phổ thông mới chuyển từ nền giáo dục nặng phẩm chất và năng lực sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất, năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng mỗi học sinh. Để triển khai hiệu quả, đòi hỏi giáo viên, cán bộ quản lý phải chủ động, linh hoạt, vận dụng sáng tạo chương trình quốc gia, chương trình địa phương đảm bảo phù hợp với đặc điểm học sinh và điều kiện, bản sắc riêng của từng trường… Tuy nhiên số giáo viên có năng lực chuyên môn cao còn mỏng. Cơ cấu GV chưa hợp lý, một bộ phận giáo viên chưa thực sự thay đổi phương pháp dạy học.

Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, xu thế toàn cầu hóa, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Chương trình GDPT đặt ra tính cấp thiết phải đổi mới công tác bồi dưỡng, đào tạo giáo viên phổ thông.

Đào tạo sư phạm gắn với nhiệm vụ chuyên môn mới

Vừa qua, Trường ĐH Vinh tổ chức hội thảo quốc gia về đào tạo bồi dưỡng giáo viên tiểu học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trong bối cảnh hiện nay. Hội thảo có hơn 80 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học cao đẳng, Sở GD&ĐT và nhiều trường học tham dự.

Tại đây, các đại biểu thống nhất quan điểm cơ sở đào tạo giáo viên cần điều chỉnh, cập nhật, xây dựng chương trình đào tạo của mình nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục. Muốn vậy, trong xây dựng chương trình đào tạo phải là xác định chuẩn đầu ra đảm bảo thực hiện nhiệm vụ dạy học theo Chương trình GDPT 2018.

Giáo viên dạy bộ môn Khoa học xã hội tại Trường THCS Lý Nhật Quang (huyện Đô Lương, Nghệ An).

Giáo viên dạy bộ môn Khoa học xã hội tại Trường THCS Lý Nhật Quang (huyện Đô Lương, Nghệ An).

Tiến sỹ Chu Thị Hà Thanh – Phó trưởng Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh cho biết: Những năm qua, nhà trường đang đào tạo theo tiêu chuẩn CDIO nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra. Qua đó trả lời được câu hỏi “đào tạo gì” và “đào tạo như thế nào”. Đây là chương trình đào tạo mới, được xây dựng theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua một hệ thống chuẩn đầu ra được xây dựng khoa học, logic và có thể đo lường – đánh giá.

Qua khóa đầu tiên tốt nghiệp cho thấy năng lực sinh viên đã có những tiến bộ và đáp ứng được xu thế hội nhập. Việc cải tiến chương trình đào tạo giáo viên tiểu học theo tiếp cận CDIO là một bước đi đúng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên tiểu học, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của môi trường nghề nghiệp.

Đối với đào tạo giáo viên cấp THCS, THPT Ông Lưu Tiến Hưng – Hiệu trưởng Trường Sư phạm – Trường Đại học Vinh cũng cho hay: Ngoài những ngành truyền thống, chúng tôi đang xem xét và nghiên cứu để mở thêm các mã ngành mới như Sư phạm tự nhiên, Sư phạm xã hội, Sư phạm Sử - Địa… Đồng thời, có quy định với tuyển dụng giáo viên học văn bằng 2 những mã ngành mới. Tăng cường công tác bồi dưỡng để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và sinh viên của trường.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An - ông Thái Văn Thành cũng cho rằng, để đào tạo giáo viên đáp ứng được yêu cầu luôn thay đổi của xã hội, phù hợp với đơn vị tuyển dụng thì cần quan tâm chuẩn đầu ra. Điều quan trọng là giáo viên phải nắm vững kiến thức, kỹ năng dạy học, biết vận dụng sáng tạo kiến thức và chủ động tổ chức hoạt động dạy học, giải quyết được các tình huống sư phạm.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, những tồn tại trong đội ngũ giáo viên hiện nay có nguyên nhân công tác quy hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tại một số địa phương chưa hợp lý; việc đào tạo giáo viên theo hướng tiếp cận năng lực chưa được thực hiện bài bản, cơ cấu môn học có nhiều đổi…

Do đó, để có nguồn giáo viên chất lượng, phải nâng cao chất lượng đầu vào sư phạm và phát triển chương trình đào tạo giáo viên theo định hướng phát triển năng lực. Cùng với đó nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên sư phạm.

Điều quan trọng khác đó là cần tăng cường phối hợp các cơ sở đào tạo giáo viên địa phương, trường phổ thông… tránh tình trạng đào tạo không theo nhu cầu. Tại thời điểm hiện nay, đào tạo giáo viên cần tập trung vào các môn học còn thiếu nhiều, môn học mới như các môn thể dục, Tiếng Anh, Tin học, Công nghệ… Bên cạnh đó cần tính toán đến nguồn giáo viên là sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp những năm gần đây và chuẩn bị ra trường. Từ đó xây dựng chỉ tiêu phù hợp, và sử dụng tốt sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.