Trường sư phạm tăng tốc đào tạo giáo viên môn mới

GD&TĐ - Để đáp ứng Chương trình mới, các trường sư phạm và sinh viên đang nỗ lực dạy học. Nhà trường cũng tăng tốc đào tạo giáo viên dạy các môn mới.

Sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc Trường ĐH Đồng Tháp trong giờ thực hành.
Sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc Trường ĐH Đồng Tháp trong giờ thực hành.

Chủ động đào tạo

Triển khai Chương trình GDPT 2018, từ năm học 2022 - 2023, môn Mỹ thuật và Âm nhạc được đưa vào giảng dạy ở khối lớp 10 bậc THPT ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp; được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Trước đây, 2 môn học này chỉ được giảng dạy ở cấp Tiểu học và THCS ở giai đoạn giáo dục cơ bản bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9. Đều này đặt ra vấn đề thiếu nguồn giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật đáp ứng Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT.

Để đáp ứng nhu cầu giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc chương trình mới, Trường ĐH Đồng Tháp đã có bước chuẩn bị từ rất sớm. Hiện nay, Trường ĐH Đồng Tháp là trường đại học duy nhất khu vực ĐBSCL đào tạo ngành Sư phạm Mỹ thuật và Sư phạm Âm nhạc

Thạc sĩ Võ Xuân Hùng, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Sư phạm Nghệ thuật (Trường ĐH Đồng Tháp) cho biết, chuẩn đầu ra chương trình, sinh viên được đào tạo ngành Sư phạm mỹ Thuật và Sư phạm âm Nhạc sẽ được cung cấp và rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu giảng dạy theo mục tiêu Chương GDPT 2018; Đảm bảo năng lực thực hành và phát triển nghề nghiệp theo định hướng chung của chương trình mới là tập trung mục tiêu phát triển năng lực thẩm mỹ của người học.

Cụ thể ở các năng lực thực hành thành phần đặc thù của môn học, tiếp cận nội dung dựa trên kiến thức cốt lõi của nghệ thuật; vừa đảm bảo dạy học tích hợp, vừa đảm bảo dạy học phân hóa và định hướng nghề nghiệp; vừa là môn học bắt buộc ở giai đoạn giáo dục cơ bản, vừa là môn học tự chọn ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm của trường hàng năm được Bộ GD&ĐT phân bổ dựa trên quy mô và số lượng nhu cầu giảng dạy thực tế. Sinh viên được đào tạo ngành Sư phạm Mỹ thuật và Sư phạm Âm nhạc sẽ là đội ngũ giảng dạy Âm nhạc, Mỹ thuật từ Tiểu học, THCS, THPT, các trường trung cấp, cao đẳng chuyên nghiệp hoặc làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến văn hóa nghệ thuật, các trung tâm, cơ quan chức năng chuyên về lĩnh vực văn hóa.

Một điều đặc biệt là sinh viên theo ngành sư phạm thì sẽ được miễn học phí 100%, ngoài ra mỗi tháng còn được nhà nước hỗ trợ kinh phí sinh hoạt là 3,63 triệu đồng…

Năm 2022, Trường ĐH Đồng Tháp tuyển sinh 34 ngành đào tạo với 2.383 chỉ tiêu. Trong đó, ngành Sư phạm Âm nhạc với 36 chỉ tiêu, ngành Sư phạm Mỹ thuật 24 chỉ tiêu trình độ đại học.

Năm 2022, Trường ĐH Kiên Giang mở thêm mã ngành mới là Giáo dục tiểu học. Theo Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh, Hiệu trưởng nhà trường, ngành mở mới trong năm 2022 đã được nhà trường khảo sát, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Trường đã làm việc với Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang cùng một số tỉnh lân cận để nắm bắt nhu cầu thay thế và đào tạo giáo viên tiểu học phục vụ dạy học Chương trình GDPT 2018.

Để chuẩn bị tốt cho việc mở thêm mã ngành mới, nhà trường đã chuẩn bị về cơ sở vật chất cũng như lực lượng tiến sĩ đầu ngành đáp ứng đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Sinh viên sư phạm nỗ lực cập nhật kiến thức mới để đáp ứng yêu cầu giảng dạy.
Sinh viên sư phạm nỗ lực cập nhật kiến thức mới để đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

Cập nhật đào tạo đáp ứng chương trình mới

Ngành Giáo dục đang triển khai Chương trình GDPT 2018, sinh viên sư phạm nỗ lực cập nhật kiến thức mới để đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

Sinh viên Huỳnh Hồng Phúc, ngành Sư phạm Toán (Trường ĐH Kiên Giang) cho biết thầy cô giảng dạy luôn cập nhật Chương trình GDPT 2018 và áp dụng luôn vào chương trình dạy học để khi ra trường sinh viên có thể giảng dạy được ngay. Bên cạnh đó sinh viên cũng luôn cũng theo dõi, nghiên cứu chương trình mới.

Đối với bồi dưỡng chuyên môn, giảng viên sẽ giảng dạy lý thuyết, giao bài tập và hướng dẫn làm để sinh viên hiểu bài dễ dàng hơn. Ngoài ra giảng viên còn giới thiệu thêm các tài liệu tham khảo cho các sinh viên có nhu cầu nghiên cứu sâu hơn về học phần đó.

Đối với các học phần về cơ sở ngành sư phạm, giảng viên sẽ hướng dẫn và cho sinh viên thực hành, luyện tập, đặt ra các tình huống sư phạm để phân tích tâm lý và cho các cách ứng xử phù hợp. Các giảng viên còn yêu cầu giả tưởng đang giảng dạy một tiết học mà áp dụng phương pháp dạy học, đặt ra các tình huống có thể gặp để sinh viên tưởng tượng, hình dung ra môi trường sư phạm.

“Từ nhu cầu thực tiễn, tự thân mỗi sinh viên sư phạm phải nỗ lực tự học, tự rèn luyện, tự đào tạo. Để hướng tới xây dựng đội ngũ giáo viên không chỉ đạt chuẩn về trình độ đào tạo mà còn có tư duy đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”, Hồng Phúc chia sẻ.

Theo Hồng Phúc, giáo viên giờ đây phải biết sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện kĩ thuật dạy học, phải tự học để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; yêu cầu hợp tác với đồng nghiệp chặt chẽ hơn, kĩ năng làm việc nhóm, giao tiếp, ứng xử trong các quan hệ xã hội, với cha mẹ học sinh, học sinh và các tổ chức xã hội; yêu cầu giáo viên tham gia hoạt động rộng rãi trong và ngoài nhà trường…

“Là sinh viên sư phạm, em cố gắng học tập thật tốt các môn chuyên ngành cùng cơ sở ngành để có thể tự tin, chuyên nghiệp khi đứng giảng. Em cũng rèn luyện thêm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thấu hiểu tâm lý học sinh, tìm hiểu các tình huống sư phạm hay gặp phải và các cách xử lý để khi gặp có thể ứng xử nhanh chóng mà không mất bình tĩnh”, sinh viên Huỳnh Hồng Phúc cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ