Hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho SV sư phạm: Để chính sách giữ sức hút

GD&TĐ - Cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành liên quan và địa phương để Nghị định được “thông đường”...

TS Trần Bá Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh (thứ 3 từ phải sang) trong buổi lễ trao bằng cử nhân cho sinh viên tốt nghiệp năm 2022 của nhà trường.
TS Trần Bá Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh (thứ 3 từ phải sang) trong buổi lễ trao bằng cử nhân cho sinh viên tốt nghiệp năm 2022 của nhà trường.

Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm trong thực tế triển khai gặp không ít bất cập, vướng mắc. Theo các nhà quản lý, giáo dục, bên cạnh cơ chế, cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành liên quan và địa phương để Nghị định được “thông đường” thực hiện và phát huy hiệu quả.

TS Trần Bá Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh: Tác động tích cực trong thu hút sinh viên sư phạm

Nghị định 116 từ khi được ban hành đến nay đã tạo điều kiện hỗ trợ cho sinh viên sư phạm của Trường Đại học Vinh. Sau khi tái cấu trúc, trong Trường ĐH Vinh có Trường Sư phạm với các khoa đào tạo gồm: Giáo dục Chính trị, Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Địa lý, Lịch sử, Ngữ văn, Sinh học, Tâm lý – giáo dục, Tin học, Toán học, Vật lý. Bên cạnh Trường Sư phạm trực thuộc, còn có 3 khoa có ngành đào tạo sư phạm đó là Giáo dục Quốc phòng – An ninh, Giáo dục Thể chất và Ngoại ngữ.

Về việc triển khai Nghị định 116 đến đối tượng được thụ hưởng, nhà trường sẽ cho các em đăng ký nguyện vọng. Một số ngành sinh viên sau khi ra trường có nhiều cơ hội việc làm ở các lĩnh vực khác ngoài dạy học như Sư phạm Tin học, Sư phạm Tiếng Anh… có thể không đăng ký nhận hỗ trợ từ Nghị định 116. Tuy nhiên, trường hợp trên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Phần lớn sinh viên sư phạm của Trường ĐH Vinh đều đăng ký thụ hưởng chính sách hỗ trợ.

Sau khi tổng hợp danh sách chính xác, nhà trường sẽ chuyển lên Bộ GD&ĐT và cơ quan cấp trên liên quan để được cấp ngân sách chi trả cho sinh viên. Việc chi trả không gặp nhiều khó khăn, do nguồn kinh phí được cấp trực tiếp từ Bộ GD&ĐT xuống. Riêng năm học trước có “khoảng trễ” chờ kinh phí, nhưng sau khi được cấp, nhà trường đã triển khai chi trả. Không có trường hợp sinh viên nào đăng ký mà không được nhận hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt. Ngoài ra, nhà trường cũng không yêu cầu sinh viên “ứng trước” học phí, nên về cơ bản việc thực hiện chi trả chế độ cho các em đều thuận lợi.

Có thể nói, Nghị định 116 có sức hấp dẫn nhất định, tác động tích cực, thu hút thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm. Cùng với quy định về ngưỡng điểm đầu vào ngành sư phạm của Bộ GD&ĐT thì chất lượng tuyển sinh sư phạm những năm gần đây ngày càng được nâng cao. Tại Trường ĐH Vinh, điểm trúng tuyển các ngành sư phạm đều từ 19 điểm trở lên, cao hơn ngưỡng quy định của Bộ GD&ĐT. Nhiều ngành có điểm chuẩn từ 23 - 24, trong đó nhiều em nằm trong danh sách được UBND tỉnh Nghệ An tuyên dương vì đạt kết quả cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, Nghị định 116 ban hành khi đi vào thực tiễn cũng có một số bất cập, vướng mắc, chủ yếu tập trung vào việc các địa phương (tỉnh, thành phố) không chủ động biên chế giáo viên. Bộ GD&ĐT đang có cách làm khoa học trong giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường đào tạo sư phạm. Số liệu này căn cứ vào tổng hợp dự báo nhu cầu giáo viên cho các cấp học, môn học từ sở GD&ĐT trong 4 - 5 năm tới và phân bổ cho các trường ĐH theo năng lực đào tạo.

Dự báo nhu cầu giáo viên dựa theo quy định tỷ lệ giáo viên/lớp của các cấp bậc học. Trong khi đó, biên chế lại do Bộ Nội vụ giao và đang thực hiện tinh giản. Điều này trước hết chưa giải quyết được tâm lý lo ngại không được bố trí, sắp xếp việc làm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên. Mặt khác, các địa phương cũng chưa mạnh dạn để đặt hàng đào tạo sư phạm khi không được chủ động biên chế.

Những năm qua, chúng tôi đã làm việc với nhiều tỉnh, thành liên quan đến đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm, đặc biệt là 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tỉnh Thanh Hóa đang đặt hàng đào tạo sư phạm với Trường ĐH Hồng Đức. Còn Nghệ An và Hà Tĩnh cũng mong muốn có cơ chế tạo sức hút học sinh giỏi thi sư phạm. Trong đó tỉnh Nghệ An dự kiến đặt hàng đào tạo 1.000 sinh viên sư phạm các môn khó tuyển, môn mới. Song để thực hiện cần gỡ được nút thắt về định biên.

Còn về việc hoàn trả học phí nếu sinh viên tốt nghiệp không công tác dạy học, một số ý kiến cũng đề xuất nên cho bên thứ 3 là ngân hàng tham gia (có ràng buộc). Khi đó, việc thu hồi học phí sẽ do ngân hàng thực hiện. Theo tôi đây là điều cần thiết và cũng bảo đảm công bằng giữa sinh viên tốt nghiệp theo nghề dạy học với các bạn làm ngành nghề khác.

TS Cao Danh Chính – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh (ở giữa) trong buổi làm việc với đối tác của trường.

TS Cao Danh Chính – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh (ở giữa) trong buổi làm việc với đối tác của trường.

TS Cao Danh Chính – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh: Bảo đảm đầu ra và chế độ đãi ngộ để hút sinh viên sư phạm

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh có duy nhất ngành Sư phạm Công nghệ. Các khoa ngành khác, chúng tôi tổ chức cho sinh viên, kỹ sư học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (nếu có nhu cầu) để có thể dạy nghề các trình độ. Đối với ngành Sư phạm Công nghệ, mỗi năm chỉ có 25 chỉ tiêu và hầu như không có thí sinh đăng ký xét tuyển, dù các em thuộc đối tượng được thụ hưởng Nghị định 116 nếu theo học. Vì thế, những năm qua, trường chủ yếu tuyển sinh đào tạo liên thông, chuẩn hóa trình độ cho giáo viên môn Công nghệ (tiểu học và THCS).

Theo tôi, Nghị định 116 về lâu dài sẽ không đủ sức hút để học sinh thi vào ngành sư phạm nếu không đảm bảo đầu ra. Khi kinh tế, xã hội phát triển, ưu đãi về học phí sẽ ngày càng giảm sức hút. Đơn cử trước đây nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn, thi vào ngành công an, quân đội, sư phạm do được miễn học phí. Tuy nhiên, con số này những năm gần đây giảm dần, học sinh thường đăng ký xét tuyển dựa vào năng lực, sở thích bản thân và điều kiện gia đình.

Nhiều trường ĐH mặc dù phí đào tạo cao, nhưng vẫn hút thí sinh đăng ký xét tuyển, chấp nhận cạnh tranh đầu vào. Như vậy, ngoài nguồn cung đảm bảo nhân lực có chất lượng là các trường sư phạm, thì “đầu ra” cần cải thiện môi trường làm việc, chế độ lương tốt mới thu hút học sinh theo sư phạm.

GS.TS Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An (đại biểu Quốc hội khóa XV).

GS.TS Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An (đại biểu Quốc hội khóa XV).

GS.TS Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An (đại biểu Quốc hội khóa XV): Cần phối hợp 3 bên

Đối với tỉnh Nghệ An, những năm qua vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ sư phạm được đặc biệt quan tâm. Từ năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 09/2014/QĐ.UBND.VX về một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Theo đó, học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia từ giải Khuyến khích trở lên, đăng ký ngành sư phạm cùng môn, cam kết trở về tỉnh công tác, có kết quả học tập ở bậc đại học các trường trọng điểm loại giỏi trở lên được bố trí giảng dạy tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, các trường THPT tỉnh Nghệ An khi có nhu cầu.

Đối tượng thu hút này khi nhận công tác sẽ được hỗ trợ ban đầu bằng 60 lần mức lương cơ sở tại thời điểm bố trí công tác. Qua gần 10 năm triển khai, số ứng viên là học sinh giỏi quốc gia đăng ký vào ngành sư phạm ngày một tăng và nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã được tuyển dụng. Trong đó, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và nhiều trường THPT khác đã tiếp nhận giáo viên trẻ vốn là học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý, Toán và Hóa học.

Đây là tín hiệu đáng mừng đối với ngành Giáo dục Nghệ An cũng như tạo động lực để học sinh giỏi đăng ký vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, con số này còn ít, trong khi nhu cầu giáo viên của Nghệ An rất lớn, đặc biệt là các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong những năm tới, Nghệ An cũng dự kiến đào tạo 1.000 sinh viên (đặt hàng đào tạo giáo viên các môn khó tuyển như Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật), đặc biệt cho các huyện miền núi.

Có thể nói về cơ chế đang có nhiều chính sách khuyến khích học sinh giỏi vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, để Nghị định 116 triển khai hiệu quả thì không chỉ riêng ngành Giáo dục, mà còn liên quan đến ngành Nội vụ và Tài chính và cần xin ý kiến của Quốc hội về sự phối hợp giữa 3 bên.

Cụ thể ngành Giáo dục tổng hợp nhu cầu giáo viên chuyển cho Bộ Nội vụ để tính toán cấp biên chế. Cùng với đó, Bộ Tài chính cấp tiền về cho địa phương và các trường đại học đào tạo sư phạm để hỗ trợ học phí cho sinh viên. Những năm qua, Nghệ An luôn thiếu giáo viên do biên chế cấp về rất ít. Vì vậy, cần bổ sung đủ biên chế cho ngành Giáo dục, trên cơ sở đó mới có thể thực hiện được việc đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm.

Tuy nhiên, việc đặt hàng cũng cần tính toán đến thực tế từng địa phương. Như tại Nghệ An, nguồn tuyển đang nhiều do không có biên chế tuyển dụng và hầu như chỉ thiếu các môn mới theo Chương trình GDPT 2018. Vì vậy, phải cân đối cả nguồn “chờ tuyển” này trong việc đào tạo đặt hàng. Nếu không sinh viên ra trường (đáp ứng các yêu cầu chuyên môn, năng lực) nhưng không được bố trí việc làm thì các em phải trả lại trợ cấp của Nghị định 116; dẫn đến những ưu đãi này không đủ sức hấp dẫn, thuyết phục thí sinh vào sư phạm nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ