Cấp dưỡng trường mầm non: Việc nhiều, thu nhập thấp

GD&TĐ - Ban giám hiệu các trường mầm non công lập ở Đà Nẵng đau đầu với bài toán huy động cấp dưỡng trở lại làm việc sau khi thành phố có quyết định mở cửa đón trẻ trở lại trường học trực tiếp.

Các thành viên trong tổ cấp dưỡng đều phải đề xuất và chế biến mẫu các món ăn mới để bổ sung vào thực đơn của trẻ hàng tháng.
Các thành viên trong tổ cấp dưỡng đều phải đề xuất và chế biến mẫu các món ăn mới để bổ sung vào thực đơn của trẻ hàng tháng.

Trẻ đi học chưa đầy 1/3 tổng số học sinh toàn trường trong khi nguồn thu từ học phí, bán trú hiện được các trường trích để chi trả lương cho cấp dưỡng.

Nơi nóng nhất của các trường mầm non

Cô Nguyễn Thị Tâm và Trần Thị Thanh Tú là 2 trong số các nhân viên cấp dưỡng của Trường Mầm non Hồng Đào (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) vừa trở lại làm việc. Ngoài chuẩn bị đầy đủ các bữa ăn cho trẻ, cô Tâm và cô Tú chia nhau một người ở lại bếp dọn dẹp vệ sinh, người còn lại chuyển thức ăn qua điểm trường lẻ cách đó 2km. “Trước đây, khi trẻ đông, nhà trường thuê bảo vệ trực đêm làm công việc chở cơm qua cơ sở lẻ. Nhưng giờ trẻ ra lớp không nhiều, nguồn thu từ phục vụ bán trú không đủ để trang trải nên cấp dưỡng phải kiêm thêm nhiều việc” – cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Đào cho biết.

Khu vực bếp luôn là nơi nóng nhất ở các trường mầm non, không chỉ bởi hơi nóng tỏa ra khi các bếp đồng loạt đỏ lửa nấu thức ăn. Trong suốt 10,5 tiếng đồng hồ làm việc, kể từ sáng sớm cho đến khi bữa ăn xế của trẻ kết thúc, các cô cấp dưỡng hầu như làm việc không ngơi tay để chuẩn bị 3 - 4 bữa ăn, dọn dẹp, rửa và sấy quay vòng hàng trăm cái tô, thìa và hàng chục loại xoong chảo khác nhau.

Bất luận thời tiết thế nào, 5 giờ sáng hàng ngày, cấp dưỡng các trường mầm non đều phải có mặt để bắt đầu công việc tiếp nhận và kiểm tra thực phẩm từ đơn vị cung cấp. Mở cửa nhà bếp xong, việc đầu tiên là đun nước uống để kịp có nước ấm cho trẻ uống sau bữa ăn sáng bắt đầu từ khoảng 7 giờ sáng. Rồi kiểm tra từng bó rau, củ khoai tây, miếng thịt, cá… xem có bị hỏng, lên mầm, có đủ độ tươi, nếu không đạt yêu cầu thì đề nghị đơn vị cung cấp đổi ngay để còn sơ chế, tẩm ướp và nấu nướng cho kịp bữa sáng. Thực phẩm cung cấp chỉ được dùng trong ngày, không để lại cho ngày hôm sau nên việc gọt gừng, bóc hành, tỏi… phải làm từ sáng sớm.

Cô Trần Thị Phương Đông – bếp trưởng Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) cho biết: Không phải cứ nấu ăn ngon thì làm được cấp dưỡng ở trường mầm non. Phải có kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, hiểu được sở thích, khẩu vị của trẻ để nghĩ ra những món mới sao cho trẻ ăn ngon miệng. Cô Đông kể, hồi mới vào làm cấp dưỡng, khó nhất là việc nêm nếm vì ở nhà nấu ăn đôi khi có chút mì chính nên “quen miệng”, nấu ở trường cho các bé lại không dùng hạt nêm, mì chính nên cứ thấy thiếu thiếu, sau mới quen dần.

Trước khi đón trẻ đến trường trở lại, Trường Mầm non Cẩm Vân (quận Hải Châu) phải tập trung cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác dọn dẹp vệ sinh, trong đó các dụng cụ phục vụ bán trú, bếp ăn rất quan trọng. Thế nhưng theo cô Trần Thị Như Lai – Hiệu trưởng, nhà trường rất cân nhắc khi điều động bộ phận cấp dưỡng tham gia làm công tác vệ sinh. Hầu như các cô cấp dưỡng đều đang phải làm thêm một công việc nào đó ở bên ngoài. Người thì nhận dọn vệ sinh nhà theo giờ, làm nhân viên vệ sinh tạm thời cho một đơn vị nào đó, có người phục vụ quán ăn… Phải sắp xếp làm sao để không ảnh hưởng đến công việc đang làm, để các cô không bị hụt nguồn thu nhập.

Cấp dưỡng Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu) dọn dẹp vệ sinh để chuẩn bị công tác đón trẻ trở lại trường vào đầu tháng 3/2021.
Cấp dưỡng Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu) dọn dẹp vệ sinh để chuẩn bị công tác đón trẻ trở lại trường vào đầu tháng 3/2021.

Lương cấp dưỡng phụ thuộc vào nguồn học phí

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ: Nhà trường ký hợp đồng lao động với các cô cấp dưỡng trong một năm học, từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 của năm sau. Thời điểm đầu tháng 5/2021, do các trường mầm non đều tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch, nhà trường hỗ trợ cho bộ phận cấp dưỡng một tháng lương cơ bản và dừng từ đó cho đến nay. Thời điểm Tết Nguyên đán, từ một số nguồn tiết kiệm của đơn vị, nhà trường hỗ trợ cho mỗi cấp dưỡng từ 3 - 4 triệu đồng tùy theo thời gian làm việc và xếp loại A, B, C. Dù rất mong muốn hỗ trợ cho bộ phận cấp dưỡng nhưng không có nguồn nào để chi trả.

Trường Mầm non Cẩm Vân chỉ hỗ trợ được cho bộ phận cấp dưỡng mỗi người được khoảng 1 triệu đồng/tháng từ tháng 5 - 12/2020 từ nguồn tiết kiệm chi và chỉ đóng bảo hiểm xã hội được khoảng 8 tháng. “Nguồn thu từ học phí chỉ đủ trả lương cho 2 cấp dưỡng, 4 cấp dưỡng còn lại của nhà trường được trả lương từ nguồn thu bán trú. Thế nhưng, do trẻ tạm dừng đến trường trong hơn 10 tháng qua, nhà trường không có nguồn thu nào để chi trả, kéo theo cấp dưỡng không có lương”, cô Lai nói.

Hội đồng Trường Mầm non Cẩm Vân họp và quyết định cho bộ phận cấp dưỡng vay tiền từ quỹ tương trợ của nhà trường để tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội trong những tháng còn lại. Cuối năm, nhà trường cũng vận động giáo viên trích một phần từ nguồn tiết kiệm chi để bộ phận cấp dưỡng có một khoản để đón Tết. Về nguyên tắc, khoản thu nhập tăng thêm cuối năm được chi từ nguồn tiết kiệm chi chỉ có những cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc biên chế và hợp đồng hưởng lương ngân sách mới được hưởng. Nhưng tập thể nhà trường đã thống nhất cần có sự chia sẻ.

“Một trong hai nhiệm vụ của trường mầm non là chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ rồi mới đến giáo dục. Vị trí cấp dưỡng đòi hỏi phải có các chứng chỉ phù hợp và được bồi dưỡng thường xuyên. Thế nhưng, cấp dưỡng lại là vị trí việc làm không nằm trong chỉ tiêu biên chế. Tiền lương của cấp dưỡng được chi trả từ nguồn thu phục vụ bán trú, mỗi cấp dưỡng chỉ nhận mức lương khoảng 4 triệu/tháng, khá thấp nhưng cũng không có nguồn quỹ nào để có thể cải thiện thêm. Thậm chí, nếu học sinh nghỉ học thì cũng đồng nghĩa với việc cấp dưỡng sẽ không có lương”, cô Trần Thị Như Lai cho hay.

Lương thấp, khối lượng công việc nhiều lại chỉ là hợp đồng theo đầu việc làm nên vị trí cấp dưỡng ở các trường mầm non rất khó tuyển người và giữ người. Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh cho biết: Theo nhu cầu, tổ cấp dưỡng của nhà trường phải có đủ 8 người, nhưng có những giai đoạn tuyển không ra người, chỉ có 5 người gánh công việc đáng lẽ phải 8 người làm. Để đảm bảo hoạt động của bếp, Ban giám hiệu nhà trường có bầu chức danh bếp trưởng. Nhưng bếp trưởng chỉ có nghĩa vụ mà không có quyền lợi đi kèm, không hề nhận được một khoản phụ cấp nào vì đây đều là nguồn thu từ tiền phục vụ bán trú, không thể thu tăng thêm được.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ