Cảnh giác với việc hiến đất

GD&TĐ -Trên các phương tiện truyền thông thời gian qua, vẫn xuất hiện những tin tức về hiến từ vài chục đến cả trăm mét vuông đất để làm đường, thậm chí có người hiến cả nghìn mét vuông để làm trường học.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Những nghĩa cử ấy luôn được xã hội ghi nhận và tri ân. Tuy nhiên, không phải tất cả những vụ “hiến đất làm đường” cũng đều thể hiện sự vô tư của chủ đất mà hàm chứa trong đó sự khuất tất và cả những vụ lợi nhưng được khoác dưới lớp áo rất đẹp đẽ.

Các vụ hiến đất ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa mới đây là một ví dụ. Cả một tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm hai nhiệm kỳ 2015 - 2025 vừa bị kỷ luật cảnh cáo, thậm chí có những vị chủ chốt còn bị cách hết các chức vụ cũng vì sự “hiến đất” này. Trăm sự cũng do tham lam mà ra. Giàu lên cũng từ đất mà tù tội cũng do đất.

Thông tin về một tập đoàn kinh tế lớn đang đầu tư mạnh vào vùng Cam Ranh - Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, các nhà đầu tư bất động sản và những tay “cò đất” chuyên nghiệp bắt đầu dòm ngó vào những “khoảng trống” tại vùng quê này với hy vọng “đi tắt đón đầu” để khi có cơ hội, vùng cát trắng ấy sẽ biến thành vàng.

Do đất rộng người thưa nên nhiều hộ dân đã hình thành những trang trại hàng chục hecta để chăn nuôi và trồng trọt. Ở những khu vực sát biển, nguyên là vùng cát đã được cải tạo thành đìa tôm, có hộ chiếm một hai hecta là thường.

Mỗi hộ dân sở hữu cả chục hecta như thế nhưng giá trị đất lại không cao, chăn nuôi, trồng trọt hoặc nuôi tôm giờ không còn mang lại hiệu quả cao nữa. Đó chính là lý do để biến những diện tích này thành những khu dân cư tự phát trong tương lai, trước mắt là… phân lô bán nền.

Nếu chỉ bán đất theo dạng sang nhượng để trồng trọt thì chẳng mấy đồng, nhưng một khi khoảnh đất ấy được đầu tư làm đường ô tô vào tận nơi, điện nước kéo về tận ngõ thì giá trị tăng lên vài chục lần.

Các hộ dân này “mạnh dạn” hiến đất để Nhà nước hoặc các “cò đất” làm đường, biến thửa đất của mình thành một khu dân cư trong tương lai có đầy đủ hạ tầng điện - đường - trường - trạm. Giá đất đột ngột tăng theo chiều thẳng đứng sau khi đất sản xuất ấy thành thổ cư.

Từ đất sản xuất biến thành đất ở là một câu chuyện dài về các loại thủ tục mà nếu không có sự tiếp tay của chính quyền địa phương thì không bao giờ đất lại tăng giá nhanh đến vậy.

Chính vì có sự hà hơi của những người có trách nhiệm nên các chủ đất không ngại ngần gì để hiến tặng dăm bảy trăm mét vuông mà mình đang có. Hiến một mét đất nhưng số đất còn lại giá trị được tăng lên đến vài chục lần thì đắn đo gì mà không hiến?

Tiếp sau mức án kỷ luật cảnh cáo và cách hết các chức vụ trong chính quyền, nhiều cán bộ tiếp tay cho “hiến đất” này sẽ đối mặt với lao lý sau khi hàng chục hecta đất đã thoát phận đất sản xuất thành thổ cư.

Hậu quả của việc hiến đất, bên cạnh tạo ra những cơn sốt ảo về đất vùng này, còn phá vỡ quy hoạch chung khiến cho nhiều người dù mua được đất nhưng chưa chắc đã xây được nhà vì vi phạm!

Những năm qua, nhiều vị lãnh đạo ở Khánh Hòa bị “cơn bão đất” “thổi” bay hết các chức vụ và đang thụ án nhưng bài học nhãn tiền ấy, không ít vị vẫn chưa chịu thuộc!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ