Có nhiều lý do khiến máu lưu thông kém, trong đó xơ vữa động mạch, xơ cứng động mạch, bệnh động mạch ngoại biên là nguyên nhân chủ yếu. Ngoài ra, nếu bạn bị tiểu đường, bệnh tim, béo phì, xuất hiện các cục máu đông, thường xuyên hút thuốc, rối loạn ăn uống , đang mang thai cũng dễ bị rơi vào tình trạng này.
Khi biết được những triệu chứng của tuần hoàn máu kém, bạn có thể biết được nguyên nhân chính gây nên tình trạng này để điều trị kịp thời. Điều quan trọng nhất là bạn cần hỏi bác sĩ các triệu chứng mình đang gặp phải. Nếu không, lưu thông máu kém có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ, thậm chí là tử vong.
1. Sưng phù chân
Những trường hợp sưng, đau nhẹ ở bàn chân có thể là do ngồi hoặc đứng ở một chỗ quá lâu, lượng muối cao, suy dinh dưỡng, béo phì, lão hóa, lối sống ít vận động, hội chứng tiền kinh nguyệt và mang thai. Tuy nhiên, nếu chân bạn bị sưng, phù trong một thời gian mà không có dấu hiệu thuyên giảm thì rất có thể là do lưu thông máu kém. Do thiếu máu, thận không thể thực hiện chức năng giữ chất lỏng trong các mạch máu, dẫn đến sưng phù chân. Thậm chí, trong nhiều trường hợp còn bị lở loét chân.
Giải pháp: Nâng chân lên ngang ngực, hiện tượng sưng phù sẽ được cải thiện nhờ máu được lưu thông tốt hơn. Tuy nhiên bạn cần hỏi bác sĩ ngay nếu sưng phù chân không thuyên giảm sau một thời gian.
Nếu chân bạn bị sưng, phù trong một thời gian mà không có dấu hiệu thuyên giảm thì rất có thể là do lưu thông máu kém. (Ảnh: Internet)
2. Thường xuyên tê tay, chân
Cảm giác tê tay, chân hoặc một số bộ phận khác trên cơ thể cũng là biểu hiện của lưu thông máu kém. Điều này thường gặp khi trời lạnh, dây thần kinh bị nén tạm thời, lối sống ít vận động, chế độ ăn uống thiếu hụt vitamin B12, magiê. Đây cũng là hội chứng của bệnh ống cổ tay, tiểu đường, đa xơ cứng, tuyến giáp hoạt động kém.
3. Bàn tay và chân lạnh
Khi lượng máu được bơm đến các cơ quan trong cơ thể bị gián đoạn sẽ khiến nhiệt độ cơ thể không ổn định. Nồng độ oxy giảm trong các tế bào dẫn đến hiện tượng lạnh tứ chi. Lúc này bạn chỉ cần chà xát những khu vực bị lạnh để ấm dần lên, từ đó máu lưu thông tốt hơn.
Ngoài ra, biểu hiện tay chân lạnh còn là dấu hiệu của suy giảm tuyến giáp, hội chứng Raynaud, thần kinh ngoại biên. Nếu bạn bị lạnh tay chân mà không rõ nguyên nhân thì cần đến khám bác sĩ để sớm phát hiện bệnh nguy hiểm và điều trị kịp thời.
4. Mệt mỏi kéo dài
Mệt mỏi mãn tính thường là do hoạt động thể chất quá sức, sử dụng nhiều loại thuốc… Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu của quá trình lưu thông máu đến các cơ quan trong cơ thể chưa được hoàn hảo. Ngoài mệt mỏi, nhiều người còn bị khó thở, đau nhức cơ bắp.
Mệt mỏi kéo dài còn có thể do uống quá nhiều rượu, chất caffeine, lười vận động, ngủ ít, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, lo âu, trầm cảm, đau buồn, căng thẳng.
Mệt mỏi mãn tính thường là do hoạt động thể chất quá sức, sử dụng nhiều loại thuốc… (Ảnh: Internet)
5. Hệ miễn dịch yếu
Do lưu thông máu kém, các vitamin và khoáng chất mà cơ thể cần để phối hợp kịp thời chữa trị các bệnh tự miễn sẽ không được đầy đủ. Điều này gây nguy hại lớn đến khả năng phát hiện và chống lại các mầm bệnh của cơ thể. Suy yếu hệ miễn dịch khiến bạn dễ mắc bệnh hơn. Những vết đứt tay, chân cũng lâu khỏi hơn. Bạn nên duy trì đi bộ 20 phút trong 5 ngày mỗi tuần để cải thiện khả năng lưu thông máu và tăng cường hệ miễn dịch .
6. Suy giãn tĩnh mạch
Do máu không được lưu thông đúng cách, áp lực tích tụ và làm cho các tĩnh mạch nằm ngay dưới bề mặt da bị sưng lên, xoắn vào nhau rất rõ. Suy giãn tĩnh mạch có xu hướng xuất hiện ở bên chân ngắn hơn, gây cảm giác đau, ngứa, bồn chồn như bị đốt cháy ở chân.
Nguyên nhân chính gây suy giãn tĩnh mạch là béo phì, táo bón, thay đổi nội tiết tố, sử dụng thuốc tránh thai. Nếu bị rơi vào trường hợp này, bạn có thể xỏ tất để tăng cường lưu lượng máu đến khu vực này. Ngoài ra cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định rõ nguyên nhân và điều trị đúng.
7. Tóc đột ngột rụng nhiều một lúc
Khi da đầu không nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết sẽ khiến tóc mỏng, khô và bắt đầu rụng với tốc độ cực nhanh. Các chuyên gia khuyên bạn nên xoa bóp da đầu với dầu dưỡng tóc để điều trị rụng tóc. Massage giúp tăng lưu lượng máu đến các nang tóc.
Ngoài ra, rụng tóc còn do lão hóa, stress, hút thuốc quá nhiều, suy dinh dưỡng, mất cân bằng nội tiết tố, yếu tố di truyền, nhiễm trùng da đầu, rối loạn tuyến giáp, thiếu sắt, các bệnh mãn tính.
8. Rối loạn cương dương
Ở nam giới, lưu thông máu kém có nguy cơ bị rối loạn cương dương, điều này khiến các quý ông khó mà đạt được hoặc duy trì sự cương cứng trong quá trình “yêu”. Rối loạn cương dương thường đi liền với xơ vữa động mạch. Do đó, đây cũng là dấu hiệu của bệnh tim mạch, cần đi khám và điều trị sớm.
Nam giới lưu thông máu kém có nguy cơ bị rối loạn cương dương. (Ảnh: Internet)
9. Da đổi màu hoặc tím tái
Nếu da hoặc đôi môi chuyển sang màu tái xanh hoặc tím tái thì chứng tỏ bạn đang bị lưu thông máu kém. Đối với trẻ sơ sinh, sắc da đột ngôt đổi màu cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tim bẩm sinh .
10. Đau thắt ngực
Tim chịu trách nhiệm bơm máu đi khắp cơ thể nhưng để hoạt động đúng cách, tim cũng cần được lưu thông máu đầy đủ. Nếu không, bạn sẽ dễ bị đau thắt ngực. Đây cũng là dấu hiệu của bệnh xơ vữa động mạch. Ngoài ra, đau thắt ngực cũng là triệu chứng của co thắt cơ bắp, ợ nóng, ợ chua, nhiễm trùng đường hô hấp, loét dạ dày, khó tiêu.
Lời khuyên để máu luôn lưu thông tốt trong cơ thể:
- Tập thể dục đều đặn hàng ngày.
- Stress gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông máu, do đó, bạn cần có những giải pháp để giảm căng thẳng, lo âu.
- Thêm một vài giọt tinh dầu hương thảo vào nửa chén dầu ô liu ấm, sử dụng hỗn hợp để xoa bóp cơ thể, đặc biệt là tứ chi.
- Sử dụng thủy liệu pháp ProDic – điều trị bằng hơi nóng hoặc lạnh để thúc đẩy lưu thông máu.
- Giữ thẳng cột sống khi ngồi hoặc đi bộ.
- Tránh uống cà phê, có thể thay bằng trà xanh.
- Bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Không uống rượu.
- Thêm các loại hạt, hạt tiêu, tỏi, hành tây, gừng vào chế độ ăn uống.
- Đầu tư đôi giày không làm cản trở quá trình lưu thông máu.
(Nguồn: Top10homeremedies)
Theo afamily.vn