Cảnh giác với chiêu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng internet và mạng viễn thông

GD&TĐ - Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng internet và mạng viễn thông.

Nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet và mạng viễn thông

Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian vừa qua, trên địa bàn TP. Phan Rang - Tháp Chàm liên tục xảy ra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là lừa đảo thông qua mạng internet, mạng viễn thông.

Theo cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của người sử dụng các trang mạng xã hội, mạng viễn thông đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, vào lúc 8h ngày 1/9, ông V.Đ.S. (SN 1969, trú tại phường Phước Mỹ, TP. Phan Rang - Tháp Chàm) đến cơ quan công an trình báo sự việc ông bị đối tượng lạ mặt gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, vào ngày 31/8, ông S. nhận được 1 cuộc điện thoại của một người đàn ông tự xưng là nhân viên làm tại một ngân hàng nói sẽ hỗ trợ cho ông S. vay số tiền 300 triệu đồng với lãi xuất ưu đãi 0,5% một tháng.

Người này sau đó đã yêu cầu ông S. chứng minh được tiềm lực tài chính bằng cách chuyển số tiền 30 triệu đồng để giải ngân. Tin tưởng, ông S. đã sử dụng app banking chuyển số tiền 30 triệu đồng cho đối tượng. Khi chiếm đoạt được số tiền trên, đối tượng chặn liên lạc của ông S.

Cũng trong ngày 1/9, chị N.T.T.T. (SN 1980, trú tại phường Tấn Tài, TP. Phan Rang - Tháp Chàm) nhận được tin nhắn từ tài khoản Messenger của em trai của chị T. đề nghị chuyển vào tài khoản của "Tran Van Nam - STK: 39810001037471- Ngân hàng BIDV" số tiền 15 triệu đồng.

Tin tưởng là em, chị T. đã chuyển tiền vào số tài khoản trên. Tiếp đó tài khoản Mesenger trên lại tiếp tục nói chuyển thêm số tiền 20 triệu đồng vào số tài khoản trên và chị T. tiếp tục chuyển, tổng 2 lần chuyển là 35 triệu đồng với hình thức chuyển là dùng app banking chuyển trên điện thoại.

Sau khi chuyển xong, chị T. gọi cho em trai thì mới biết là tài khoản của em trai bị hack. Hiện các vụ việc trên đang được cơ quan chức năng vào cuộc tiến hành điều tra làm rõ.

Công an tỉnh Ninh Thuận khuyến cáo

Thông qua các sự việc trên, Công an tỉnh Ninh Thuận khuyến cáo người dân cảnh giác với các cuộc điện thoại từ số máy lạ, nhất là các số máy có đầu số nước ngoài; tuyệt đối không cung cấp số điện thoại cá nhân, thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì.

Ngoài ra, người dân tuyệt đối không mua, bán, cho mượn giấy chứng minh thư nhân dân, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, phát. Không chuyển, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai.

Tuyệt đối không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Viber,… kể cả là của người thân, bạn bè. Cần gọi điện xác nhận nếu người nhận không nghe máy hoặc viện lý do không tiện nói chuyện thì kiên quyết không chuyển khoản để tránh trường hợp người thân, bạn bè bị hack tài khoản.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần cảnh giác, thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền; chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức của các tổ chức tài chính, ngân hàng. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác; hạn chế việc công khai ngày sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên không gian mạng. Các tài khoản công khai dùng để giao dịch online cần hạn chế số tiền dư quá lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.