Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), Deepfake đang là một mối đe dọa đối với sự trung thực và tin cậy của video và hình ảnh. Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến.
Phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này nhắm tới việc lừa đảo tài chính. Do đó, khi người dân nhận được các cuộc gọi liên quan đến các nội dung về tài chính thì nên tỉnh táo xác nhận thêm.
Dưới đây là một số dấu hiệu giúp người dân nhận biết về cách thức lừa đảo cuộc gọi video Deepfake:
Thời gian gọi thường rất ngắn chỉ vài giây.
Khuôn mặt thiếu tính cảm xúc và khá "trơ" khi nói, hoặc tư thế trông lúng túng, không tự nhiên hoặc là hướng đầu và cơ thể trong video không nhất quán với nhau…
Màu da của nhân vật trong video bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí. Điều này có thể khiến cho video trông rất giả tạo và không tự nhiên.
Âm thanh cũng là một vấn đề có thể xảy ra trong video. Âm thanh sẽ không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh.
Ngắt giữa chừng, bảo là mất sóng, sóng yếu... Yêu cầu chuyển tiền mà tài khoản chuyển tiền không phải của người đang thực hiện cuộc gọi.
Để tránh bị lừa đảo trước các thủ đoạn nêu trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo, nếu nhận được một cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền gấp, trước tiên người dân hãy bình tĩnh và xác minh thông tin sau:
Liên lạc trực tiếp với người thân, bạn bè thông qua một kênh khác xem có đúng là họ cần tiền không.
Kiểm tra kỹ số tài khoản được yêu cầu chuyển tiền. Nếu là tài khoản lạ, tốt nhất là không nên tiến hành giao dịch.
Nếu cuộc gọi từ người tự xưng là đại diện cho ngân hàng, hãy gác máy và gọi trực tiếp cho ngân hàng để xác nhận cuộc gọi vừa rồi có đúng là ngân hàng thực hiện hay không.
Các cuộc gọi thoại hay video có chất lượng kém, chập chờn là một yếu tố để bạn nghi ngờ người gọi cũng như tính xác thực của cuộc gọi.
Nguyên tắc phát hiện lừa đảo trực tuyến. Ảnh: Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT. |
Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công
Ngoài lừa đảo qua cuộc gọi video Deepfake, các đối tượng lừa đảo thường xuyên sử dụng hình thức lừa đảo "giả mạo biên lai chuyển tiền thành công". Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là mua hàng số lượng lớn, sau đó vay thêm tiền mặt của nạn nhân rồi chuyển khoản trả.
Các đối tượng đề nghị chuyển khoản theo hình thức Internet Banking cho người bán hàng. Nhưng thực chất là không có việc chuyển tiền thật, mà các đối tượng đã dùng một số phần mềm tạo dựng bill thanh toán giả rồi đưa cho người bán hàng xem nhằm chứng minh là đã thực hiện việc chuyển khoản. Khi các nạn nhân không thấy tài khoản báo có tiền và nhận ra mình đã bị lừa, thì các đối tượng đã “xa chạy cao bay”.
Để tránh bị lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân nếu sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng hóa cho bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi kẻ gian cung cấp hình ảnh đã chuyển khoản thành công.
Với hệ thống công nghệ của các ngân hàng, việc chuyển khoản 24/7, khách hàng sẽ nhận được thông báo có tiền trong tài khoản. Người tham gia giao dịch nên chờ thông báo đã nhận được tiền từ ngân hàng thay vì chỉ tin tưởng vào ảnh chụp giao diện chuyển tiền thành công.
Ngoài ra, hình ảnh “giao dịch thành công” bị làm giả có một số đặc điểm khác với hình ảnh từ ngân hàng chính thống về màu sắc, phông chữ, thời gian...
Lưu ý, không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng, mã xác thực OTP, email… cho bất kỳ ai kể cả khi người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước.
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), thời gian vừa qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.