Cánh én không mỏi nơi cuối trời Tây Bắc

GD&TĐ - Trong chuyến công tác đến với huyện Tân Uyên (Lai Châu), tôi tình cờ biết cô Nguyễn Thị Ngọc, giáo viên Trường Tiểu học số 2 thị trấn Tân Uyên.

Cô Nguyễn Thị Ngọc vẫn miệt mài với công việc, bám trường, bám lớp dù mang trong mình bạo bệnh.
Cô Nguyễn Thị Ngọc vẫn miệt mài với công việc, bám trường, bám lớp dù mang trong mình bạo bệnh.

Dù mang trong mình bạo bệnh, nhưng hàng ngày cô vẫn đưa các em “vượt đò” đến bến bờ tri thức…

“Cô đừng buồn nữa!”

Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Lào Cai, cô Nguyễn Thị Ngọc (SN 1970) đã xa quê Cát Thịnh, Văn Chấn (Yên Bái) để đến “gieo chữ” ở Than Uyên. Những bước chân đầu tiên trên mảnh đất ấy thật lạ lẫm, hoang hoải…

Cô Ngọc chia sẻ: “Tôi lên đây công tác từ năm 1994. Khi mới lên, tôi gặp nhiều khó khăn như xa gia đình, quê hương và kéo theo đó là những nỗi nhớ... Nơi công tác mới xa lạ, không người thân thiết, giao thông đi lại khó khăn. Tôi được phân công dạy tại các điểm trường với đa số học sinh dân tộc thiểu số... Ngày đó, nhiều em còn không rõ tiếng Việt”.

Thực tế ấy khiến cô Ngọc không ít lần nhụt trí. Nhưng tiếp xúc với học sinh thấy các em ngoan ngoãn, người dân bản địa thật thà đã khiến cô dần dần yêu quý con người và cuộc sống nơi đây. Cô đã quyết định gắn bó với mảnh đất này như thế…

“Trong quá trình giảng dạy, công tác, không ít chuyện vui, buồn. Hồi đó tuổi còn trẻ, phải xa bố mẹ, gia đình và chị em trong nhà lên nông trường Than Uyên công tác. Tôi buồn lắm, nhiều đêm cứ khóc một mình. Nhưng sau đó, tôi lại gạt nước mắt, lấy bọn trẻ làm niềm vui. Tôi cố giấu đi nỗi buồn để dồn hết tâm huyết cho việc dạy dỗ các em, nhưng dường như vẫn chẳng thể giấu đi nỗi buồn ấy...”, cô Ngọc chia sẻ.

Cô Ngọc kể tiếp trong sự xúc động: “Một lần, đang giờ ra chơi, tất cả học sinh ra sân vui đùa. Lúc đó có em sinh lớp 1, người dân tộc Mông tiến lại đứng trước mắt tôi. Em nói: Cô đừng buồn nữa! Nhìn ánh mắt lấp lánh đầy hi vọng của em mà khiến tôi xúc động vô cùng. Hôm đó về nhà mà lòng tôi cứ thấy lâng lâng, tôi quyết tâm sẽ ở lại để mang cái chữ về cho các em…”.

Trải qua rất nhiều đơn vị công tác, bây giờ cô Ngọc đang gắn bó với ngôi Trường Tiểu học số 2 thị trấn Tân Uyên.

Sau những giờ lên lớp, cô Ngọc lại làm việc nhà để quên đi nỗi đau về bệnh tật.
Sau những giờ lên lớp, cô Ngọc lại làm việc nhà để quên đi nỗi đau về bệnh tật.

Nghị lực trước biến cố

Xác định công tác và gắn bó với mảnh đất Than Uyên, năm 1997, cô Ngọc lập gia đình. Khi mới lấy nhau, cuộc sống hai vợ chồng cũng tự lập hoàn toàn, nhưng không đến mức quá khó khăn. Và với cô Ngọc, cuộc sống có lẽ đã là viên mãn nếu như không có biến cố xảy đến. Cô bị bệnh ung thư.

Cô không thể quên cảm giác khi biết tin mình mang bạo bệnh. Cô Ngọc chia sẻ: “Tôi phát hiện ra mình mắc ung thư vú vào cuối năm 2017. Lúc đó bản thân và gia đình cảm thấy choáng váng, tinh thần suy sụp. Sinh con muộn nên lúc đó con thứ nhất mới học lớp 10, con gái thứ mới vào lớp 2, chúng còn quá nhỏ để lo được cho cuộc sống. Tôi cảm thấy tuyệt vọng vô cùng…”.

Trước cú sốc nặng về tinh thần cùng với những suy nghĩ, lo toan cho cuộc sống, gia đình và nhất là 2 đứa con thơ đã khiến cô Ngọc tưởng chừng gục ngã. Nhưng rồi chính sự động viên của bạn bè, người thân, đồng nghiệp, đặc biệt là những ánh mắt thân thương của học trò đã thúc giục cô đứng dậy, vững vàng tiếp tục bám lớp bám trường.

“Lúc ấy, tôi chỉ suy nghĩ đơn giản là phải tôn trọng và thương yêu chính bản thân mình. Tôi cố gắng gạt sang bên những lo lắng về bệnh tật, tuân thủ đúng những lời khuyên của bác sĩ về chế độ dinh dưỡng để có sức khỏe thực hiện hóa trị. Đồng thời, chuẩn bị cho mình tinh thần lạc quan, sống vui vẻ và dành thời gian cho công việc, cho học sinh để không còn chỗ cho những suy nghĩ tiêu cực”, cô Ngọc chia sẻ.

Sau những lần trị liệu hóa chất vật vã, người như chết đi sống lại, nhưng cứ nhìn đến những đứa con nhỏ còn chưa tự lo được cho bản thân những việc đơn giản nhất, cô Ngọc lại mong muốn mình được khỏe lại để bao bọc các con.

Cô kể: “Tôi quyết tâm điều trị bệnh và thường xuyên lao động, tập thể dục như đi bộ, đạp xe... Điều đó giúp tôi quên đi bệnh tật và tăng cường đề kháng cho bản thân. Giờ đây, dù mang trọng bệnh nhưng tôi luôn cố gắng xứng đáng là một nhà giáo nhiệt huyết, yêu nghề, mến trẻ”.

Từ những bước chân đầu tiên đầy bỡ ngỡ, đến nay, cô Ngọc đã 27 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Cô cùng nhiều giáo viên khác đã dìu dắt các thế hệ học sinh vượt những “chuyến đò đầu tiên” trong cuộc đời như những cánh én không mỏi gieo “mầm xanh” nơi cuối trời Tây Bắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ