Trò dạy cô tập nói…
Hơn 16 năm miệt mài bám bản, bám trường, cô giáo Cà Thị Xuấn (Hiệu trưởng Trường Mầm non Sa Dung, xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) đã có không biết bao nhiêu kỷ niệm với đám trò nghèo ở khắp các bản vùng cao trong xã.
Trong căn nhà công vụ được dựng tạm bằng những nếp gỗ cũ ọp ẹp mỗi khi gió thổi mạnh, cô Xuấn đưa chúng tôi trở về thời điểm 16 năm trước, khi cô mới bước chân vào nghề.
“Em cũng chẳng biết vì sao lại yêu nghề giáo đến thế. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường em thấy cô giáo giảng bài và cứ thích mãi cái hình ảnh người giáo viên. Và thế là khao khát được đứng trên bục giảng. Em đã đăng ký tham gia khóa học sư phạm mầm non đầu tiên của Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh. Ra trường vẫn hừng hực khí thế của tuổi trẻ, tình nguyện xin vào vùng khó công tác. Lúc đó Sa Dung là xã khó khăn nhất huyện. Nhận quyết định rồi là cứ đi thôi, chẳng ngần ngại gì cả”, cô Xuấn bộc bạch.
Năm 2005 khi huyện Điện Biên Đông được chia tách và thành lập mới tròn 10 năm, toàn huyện nhìn đâu cũng thấy đói nghèo, tăm tối. Không điện, không đường, không trường… Những giáo viên như cô Xuấn “nếm” đủ cả.
“Hồi đó chẳng có điện. Chúng em soạn giáo án thì dùng đèn dầu. Những hôm hết dầu còn lấy cả dầu mazut ở xe máy ra mà thắp. Vì cái bạt dứa được che khắp phòng cho gió đỡ lùa vào, thế là cả đêm hít khói. Sáng dậy, nhìn mặt ai cũng nhem nhuốc. Buồn cười lắm ý!” - cô Xuấn vui vẻ kể lại.
Cô giáo Cà Thị Xuấn sinh năm 1983, tại xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Cũng bởi niềm yêu nghề, mến trẻ nên cô đã bỏ lại phố thị phía sau lưng, đến với đám trẻ vùng cao để thực hiện ước mơ dạy chữ. Oái oăm thay, cô là người Thái, lại xung phong đến địa bàn có nhiều dân tộc Mông sinh sống để dạy học. Chính điều này đã khiến cho cô có thêm nhiều nghị lực để phấn đấu.
“Ban đầu còn chẳng biết tiếng Mông, chẳng biết giao tiếp với các em thế nào nên em đã nhờ các anh chị ở trường dạy cho những tiếng cơ bản. Trường thì đang gộp 3 cấp: Mầm non, tiểu học và THCS, chưa có trường riêng nên nhiều anh chị ở cấp Tiểu học, THCS họ biết tiếng Mông nhiều hơn vì giao tiếp với học sinh lớn. Các anh chị dạy cho những câu nói đơn giản như: vào lớp, ra chơi, xin đi ra ngoài vệ sinh, ăn cơm… hay như cách dặn học sinh ngày mai đến lớp… Cứ thế em giao tiếp với học sinh và các em cũng không còn sợ cô giáo như hồi đầu”, cô Xuấn bộc bạch.
Trên lớp, cô dạy học sinh chữ. Ngoài giờ ra chơi, trò lại dạy cô tiếng địa phương. Cứ thế, khi vốn ngôn ngữ địa phương “dày” lên, cô Xuấn dần hiểu, biết văn hóa, thói quen và “thuần hóa” đám trò nhỏ. Việc vận động học sinh đến lớp học bài cũng thuận lợi và hiệu quả hơn.
Ngã vực như cơm bữa…
15 năm trôi qua, song cho đến tận hôm nay cô Xuấn cũng không thể quên được cái lần định mệnh khi cô cố gắng đội mưa lên trường. Đó là lúc cô đang phụ trách lớp học ở điểm trường Thẩm Mỹ, một điểm bản khó khăn nhất của Trường Mầm non Ban Mai lúc bấy giờ.
“Với giáo viên vùng cao như chúng em, chuyện ngã xe, rơi vực thì như cơm bữa ấy mà. Em cứ nhớ mãi một lần, đó là hồi 2006. Hôm đó trời mưa, em cố gắng lên trường thì bị ngã do đường đất trơn trượt. May mà không rơi xuống vực. Ngã xong, em chẳng nhớ gì vì đã ngất lịm đi từ lúc nào cũng không biết. Khi tỉnh dậy thấy mình đang nằm giữa đường. Chiếc bánh xe cong hình số 8, không thể đi được nữa. Chờ mãi có một anh cùng trường đi qua, hai anh em dắt xe về tận trung tâm để băng bó vết thương…Vất vả, khó khăn như vậy, song em chưa khi nào nghĩ đến việc bỏ nghề bởi đó là ước mơ của em”, cô Xuấn chia sẻ.
Năm 2007, Trường Mầm non Ban Mai, xã Sa Dung được chia tách và thành lập mới. Cả trường có 7 điểm trường lẻ ở 7 bản vùng cao. Điểm gần trung tâm nhất là 6km, xa hơn là khoảng hơn 20km. Trường có bao nhiêu điểm bản thì cô Xuấn đi dạy gần hết. Suốt bao nhiêu năm tháng “nếm mật, nằm gai” cùng với những đóng góp quan trọng trong việc dạy chữ, huy động trẻ đến trường, năm 2012 cô được cấp trên giao cho làm phó hiệu trưởng. Hai năm sau cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, nay là Trường Mầm non Sa Dung, xã Sa Dung.
Với cương vị Hiệu trưởng Nhà trường, cô Xuấn đã truyền đạt hết kinh nghiệm bản thân tích lũy được cho những đồng nghiệp đi sau. Tất cả chỉ với mong muốn con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường nhiều hơn. Mong muốn các con có được cái chữ, có được kiến thức để tương lai tươi sáng hơn.
“Ở đây các cháu đầu cấp còn rụt rè, nhút nhát. Trẻ lần đầu đến lớp gặp cô giáo lạ khóc mãi không chịu ở lại lớp. Vì thế các cô giáo phải linh động, tạo điều kiện cho phụ huynh ngồi cùng để cho các bé yên tâm. Dần dần, khi các cháu quen thì bố mẹ hoàn toàn yên tâm giao con cho cô giáo dạy học. Nếu như giáo viên trẻ mà nguyên tắc quá thì sẽ không thể “thuần hóa” được học trò đâu”, cô Xuấn nói thêm.