Đây cũng là địa bàn còn nhiều khó khăn, đặc biệt chưa có điện lưới quốc gia, gây khó khăn cho đời sống và sản xuất, trong đó công tác giáo dục cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt các điểm trường với phần lớn là giáo viên nữ và HS nhỏ tuổi bậc mầm non, tiểu học.
Bộn bề khó khăn
Nhù Cồ Ván vốn được biết đến là điểm du lịch nổi tiếng với danh lam thắng cảnh cấp quốc gia Động Thiên Long và rừng nguyên sinh. Song ít người biết cuộc sống của người dân nơi đây còn nghèo khó, cơ sở hạ tầng thiếu thốn do đường giao thông đi lại khó khăn, xa xôi, cách trở. Từ trụ sở xã Tả Văn Chư lên thôn Nhù Cổ Ván chỉ chừng 7 km, nhưng cũng phải mất hơn tiếng đồng hồ mới tới nơi.
Phân hiệu trường tiểu học và mầm non nằm ở trung tâm thôn, cách không xa Động Thiên Long hùng vĩ. Mới 5 giờ chiều mà trời đã tối đến mức cách vài mét đã không nhìn thấy rõ. Tầm này, các cô giáo và các em HS đang khẩn trương nấu cơm canh cho bữa tối.
Không điện, chỉ có duy nhất thứ ánh sáng từ bếp củi. Gần 6 giờ tối, các cô giáo bật đèn tích điện độ 20 phút cho các em ăn cơm. Sau đó lại tắt. 7 giờ tối lại bật độ 1 tiếng để các em HS bán trú tranh thủ học bài. Sau đó tất cả chìm vào đêm tối…
Phân hiệu Tiểu học Nhù Cồ Ván được thành lập vào năm học 1995 - 1996, hiện có 5 giáo viên, trong đó 4 giáo viên nữ, phụ trách 5 lớp, từ lớp 1 - lớp 5 với 75 HS người Mông 2 thôn, trong đó có 32 em HS bán trú.
Các giáo viên ở đây hầu hết đều từ dưới xuôi lên công tác. Có những giáo viên công tác từ năm học đầu tiên với muôn vàn khó khăn. Nhưng các thầy cô giáo vẫn bám lớp, bám trường dưới đỉnh Nhù Cồ Ván này.
Những năm đầu khi trường mới thành lập, đời sống của giáo viên gần như tách biệt với cuộc sống bên ngoài. Nơi “rừng thiêng, nước độc”, họ phải ở nhờ tại nhà dân, sau đó ở nhờ nhà văn hóa thôn vốn chỉ là ngôi nhà gỗ nhỏ ọp ẹp, không có sóng điện thoại, không có nước sạch, điện lưới thắp sáng, không sóng phát thanh - truyền hình, muốn vào trường chỉ có thể đi bộ… Mỗi lần ra trung tâm xã phải đi cả tiếng đồng hồ.
Đến nay, phân hiệu trường tiểu học và mầm non đã được đầu tư xây dựng thêm phòng học và phòng ở cho giáo viên và HS bán trú, đã dần khang trang song vẫn cón nhiều khó khăn. Để đến được trường tuy đã có đường cấp phối song đi lại hết sức khó khăn, nên hầu hết giáo viên ở lại trường sống, công tác, chăm lo, nuôi dạy các em HS bán trú người Mông như chính con ruột.
Ước mơ có điện thắp sáng…
Thầy giáo Phạm Ngọc Thành là nam giáo viên duy nhất ở đây. Thầy sinh năm 1978. Dưới ánh đèn tích điện lờ mờ trông thầy già hơn tuổi khá nhiều, mái tóc đã nhiều sợi bạc. Thầy Thành hiện là giáo viên có thâm niên cao nhất tại phân hiệu Nhù Cồ Ván với 18 năm công tác. Thầy vào đây dạy học từ năm học 1999 - 2000, gắn bó cả tuổi thanh xuân tại vùng đất này.
Mặc dù trong ngành có chính sách luân chuyển song thầy Thành vẫn gắn bó tại đây bởi với anh tất cả đã trở nên quen thuộc, gần gũi. Thầy tâm sự: “Mình ở đây lâu nên quen hết mọi người, từ trẻ nhỏ đến người già, bà con người Mông ở đây nghèo khó những rất hiếu khách, thật thà, tốt bụng.
Giáo viên vận động bà con luôn hưởng ứng, nên hầu hết các em HS đều về ở bán trú để có điều kiện sống, học tập tốt hơn. Mình đã quen ở đây nên không muốn chuyển nữa. Vợ mình cũng là giáo viên tiểu học cắm bản ở ngoài xã Lùng Phình cách đây không xa”.
Cũng theo thầy Thành, khó khăn về đường sá vẫn khắc phục được, nhưng không có điện, điều kiện sống, học tập ở đây hết sức vất vả, khó khăn. Vùng này có lẽ không biết đến mùa hạ! Trong năm hầu như chỉ có tháng 6 - 7 là có ngày trời nắng, không có sương mù; các tháng còn lại, các ngày hầu như sương mù giăng.
Mùa đông mù mịt sương khói, gió rét, rét cắt da, cắt thịt, có lúc mù quá trong phòng học lờ mờ không nhìn nổi chữ… Mỗi thầy cô có 2 - 3 đèn tích điện nhưng không đủ phục vụ… Các em HS bán trú chịu thiệt thòi, các em chưa biết đến ti vi, ánh điện là gì!”.
Phân hiệu Mầm non Nhù Cồ Ván chung cổng, chung khu nhà với phân hiệu tiểu học, có 3 giáo viên nữ đều đang ở độ tuổi thanh xuân, lứa cuối 8X và đầu 9X, có 43 em HS, các em đều ở bán trú, đời sống, sinh hoạt, dạy và học cũng gặp đầy khó khăn khi không có điện lưới quốc gia.
Cô giáo Lê Thị Tố Loan, phân hiệu trưởng, chia sẻ: “Khi lựa chọn nghề giáo, mình đã xác định tư tưởng gắn bó với vùng cao nên dù có khó khăn, vất vả mình và các chị em ở đây vẫn luôn động viên nhau bám trụ. Ở đây niềm vui nhất chính là các em HS, bởi con của mình và chị, em giáo viên ở đây cũng độ tuổi này. Khó khăn nhất vẫn là thiếu điện, không có điện cuộc sống, sinh hoạt, dạy và học cực nhọc, vất vả lắm!”.
Những lúc mưa rừng hàng tháng trời, sương khói trắng bao phủ đỉnh Nhù Cồ Ván này, các thầy cô cắm bản có cảm giác như mình bị cô lập giữa rừng già, chỉ biết làm bạn với ngọn lửa và sự hồn nhiên, ngoan ngoãn của học trò người Mông vùng cao.
9 giờ sáng hôm sau, trời vẫn mù mịt. Tôi hỏi các thầy cô đến độ nào sương mới tan. Thầy Thành cười bảo: “Cả ngày, cả mùa đều như vậy, mùa đông còn kèm với gió rét buốt, mưa phùn, không quen thì khó chịu và đi lại khó khăn lắm, nhưng mãi rồi cũng thấy bình thường thôi”.