Cánh cửa rộng mở cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Luật

GD&TĐ - Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu về nguồn nhân lực của ngành luật cũng ngày một nhiều.

Ông Lê Minh Công - Giám đốc Công ty Luật TNHH Legal Solutions DFC trao đổi cùng đồng nghiệp. Ảnh: NVCC
Ông Lê Minh Công - Giám đốc Công ty Luật TNHH Legal Solutions DFC trao đổi cùng đồng nghiệp. Ảnh: NVCC

Trước xu thế đó, đòi hỏi mỗi cơ sở đào tạo phải tăng thời lượng thực tế cho sinh viên, để các em được cọ xát và vận dụng lí thuyết vào thực tiễn.

Cần rèn luyện để nắm bắt cơ hội

Bà Phạm Thị Hương Giang, cựu sinh viên Học viện Tòa án, đang công tác tại TAND TP Hải Phòng, chia sẻ: Hiện nay, cơ hội việc làm cho sinh viên ngành luật sau khi tốt nghiệp rất rộng và đa dạng. Cụ thể, các bạn có thể làm việc ở các lĩnh vực như công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, pháp chế doanh nghiệp, giảng viên, công chứng viên, thừa phát lại, trợ giúp viên pháp lý, chấp hành viên, luật sư, nhân sự… Tuy nhiên, đối với những ngành nghề đặc thù (Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân) đòi hỏi thêm về những loại chứng chỉ nghiệp vụ.

Theo đó để tăng cơ hội việc làm, có được công việc đúng với mình mong muốn, ngoài việc nắm chắc những kiến thức tại trường, các bạn cần bổ sung các kỹ năng mềm như: Làm việc nhóm, tư duy phản biện, chủ động trong công việc nhằm đáp ứng với yêu cầu của đơn vị tuyển dụng.

“Hiện nay, nhiều sinh viên lo sợ rằng điểm số mình không cao hay tấm bằng đại học không đạt loại giỏi xuất sắc dẫn đến cơ hội việc làm sẽ thấp hoặc nhà tuyển dụng sẽ dựa vào đó để đánh giá cao năng lực khi phỏng vấn.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm thực tế mà bản thân tôi đã trải qua, ngoài những điều cơ bản tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng chuyên ngành liên quan thì khi bạn nắm chắc kiến thức chuyên ngành, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng tin học căn bản sẽ giúp bạn trong việc chủ động tìm kiếm cơ hội thực tập hoặc làm việc ở vị trí phù hợp với năng lực”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, cựu sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội, hiện đang công tác tại Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ.

Bà Thu Trang cũng cho biết thêm, quá trình học trong nhà trường sinh viên cần trau dồi kỹ năng mềm; cách xử lý vấn đề, giải quyết mâu thuẫn thông qua hoạt động đội nhóm, bài tập có yếu tố đội nhóm.

Mặc khác khi đi phỏng vấn phải tạo cho nhà tuyển dụng cảm giác yên tâm bạn có thể đảm nhiệm được bao nhiêu phần trăm công việc được giao. Bạn có một năng lượng cực kỳ tích cực, sẵn sàng xông pha, có tinh thần trách nhiệm, chủ động trong công việc.

Bên cạnh đó, sinh viên cần tận dụng tối đa các buổi học thảo luận trên trường để thực hành kỹ năng vấn đáp, trao đổi với thầy cô trực tiếp; sẵn sàng bày tỏ quan điểm trên tinh thần phản biện để tiếp thu cái mới và rút kinh nghiệm mặt hạn chế còn tồn đọng. Từ đó, các em sẽ có sự tự tin, khả năng hùng biện của mình.

“Bên cạnh đó, nên đi thực tập sớm, từ đầu năm 3 và đi thực tập 3 - 4 đơn vị, làm việc ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Điều này giúp các bạn sinh viên định hình được văn hóa làm việc cá nhân tương thích với vị trí công việc nào, từ đó có định hướng chuyên sâu và rèn luyện nhằm phát triển thế mạnh của bản thân”, bà Thu Trang nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang (thứ ba từ trái sang) hiện đang công tác tại Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Ảnh NVCC.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang (thứ ba từ trái sang) hiện đang công tác tại Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Ảnh NVCC.

Những “kỹ năng vàng” cần có

Hiện nay, Việt Nam có gần 100 cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành luật. Do đó để đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao mà xã hội cần, các trường rất chú trọng vào chương trình đào tạo.

Theo TS Lê Hữu Du - Phó Giám đốc Học viện Tòa án (Hà Nội) thì: Hiện nay, chương trình đào tạo của các trường ngoài đáp ứng các yêu cầu chuẩn chương trình định hướng thì đặc biệt chú trọng đến tính ứng dụng thực tiễn, tăng sự trải nghiệm, kiến thức thực tế cho sinh viên. Làm tốt điều này sẽ giúp khi ra trường sinh viên vừa có lý luận tốt, vừa có thể bắt tay ngay vào công việc.

“Chúng tôi gắn chuyên môn ngành luật vào chương trình đào tạo, phân bổ khối lượng chương trình thực hành nhiều để sinh viên được rèn luyện kỹ năng phản biện, tăng tính thực tiễn”, TS Lê Hữu Du cho biết.

TS Lê Hữu Du cho biết thêm, cơ hội việc làm của sinh viên phụ thuộc vào chính bản thân các em. Bởi học bất cứ ngành gì thì cũng đòi hỏi phải có sự đam mê, nắm kiến thức chắc, tận dụng tối đa thời gian học thực tế để tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân. Như vậy, sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ tìm được cho mình vị trí việc làm như bản thân kỳ vọng và ngành luật cũng vậy.

Bên cạnh đó, một lợi thế cho sinh viên ngành luật là hiện nay theo xu thế phát triển của xã hội, nhu cầu về ngành luật càng lớn, do đó cơ hội việc làm cũng ngày càng rộng mở.

Với vai trò là nhà tuyển dụng, ông Lê Minh Công - Giám đốc Công ty Luật TNHH Legal Solutions DFC (Hà Nội) - chia sẻ: “Quá trình tuyển dụng nhân sự với người mới ra trường chúng tôi có ba yêu cầu cơ bản. Thứ nhất là ứng viên cần phải có kiến thức chuyên môn vững vàng để giải quyết những công việc trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, quá trình làm việc, chúng tôi sẽ bồi dưỡng, đào tạo thêm để phát triển được thế mạnh của người đó.

Thứ hai là kỹ năng mềm gồm: Giao tiếp tốt, hiểu, giải quyết được các yêu cầu, mong muốn của khách hàng và của người khác; có khả năng học hỏi và thích nghi với môi trường làm việc mới.

Tiếp đó là thái độ với công việc. Cái này thể hiện qua quá trình làm việc chăm chỉ, nghiêm túc, trung thực, trách nhiệm; thể hiện sự đam mê, yêu nghề và sẵn sàng gắn bó làm việc lâu dài cho doanh nghiệp”.

Đánh giá về những ưu thế mà hiện nay sinh viên ngành luật đang sử hữu, ông Công cho biết: “Hiện, sinh viên được đào tạo bài bản; được rèn luyện các kỹ năng nghiên cứu, phân tích để giải quyết các tình huống tranh chấp pháp lý nên các bạn có sự suy luận, đánh giá sự việc được chính xác, vững vàng và chắc chắc hơn.

Đặc biệt, các bạn được đào tạo khả năng giao tiếp, lập luận, phản biện một cách rõ ràng, logic và thuyết phục. Với tính chất công việc của lĩnh vực pháp luật, sinh viên được đào tạo có tinh thần trách nhiệm và thái độ nghiêm túc trong công việc. Các bạn đảm bảo được tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin pháp lý”.

“Để trau dồi khả năng ngoại ngữ, tôi đã lựa chọn khóa luận tốt nghiệp của mình bằng tiếng Anh. Qua đó, giúp tôi rèn luyện khả năng viết luận, phản biện, nghiên cứu tài liệu và nói bằng tiếng Anh. Khi thành thạo một ngoại ngữ, cơ hội việc làm dành cho bạn cũng nhiều hơn”. - Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.