Trang bị kỹ năng, tăng cơ hội việc làm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Để tránh tình trạng thất nghiệp sau khi ra trường, nhiều sinh viên đã chủ động đi thực tập sớm. 

Viện Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội luôn tạo mọi điều kiện để sinh viên được học tập cũng như nghiên cứu. Ảnh: DA
Viện Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội luôn tạo mọi điều kiện để sinh viên được học tập cũng như nghiên cứu. Ảnh: DA

Còn các nhà trường liên kết với doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên trong quá trình thực tập; mời chuyên gia về chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng cho sinh viên trước khi ra trường.

Chủ động xin đi thực tập sớm

Là sinh viên đại học năm thứ 3 nhưng nữ sinh Lò Trần Mỹ Hạnh - Trường Đại học KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội đã xin đi học việc được 2 tháng. Mỹ Hạnh chia sẻ: “Em có tham gia một số câu lạc bộ của trường, trong quá trình sinh hoạt với anh chị khoá trước em luôn nhận được lời khuyên nên xin đi học việc sớm, như vậy sẽ tích luỹ được kinh nghiệm cũng như cọ sát thực tế công việc”.

Mỹ Hạnh học chuyên ngành Văn học, nhưng vì đam mê với ngành Báo chí và muốn trải nghiệm với công việc này. Vì vậy, nữ sinh này đã xin đến toà soạn báo để học việc. Mỹ Hạnh chia sẻ: “Sau một tháng học việc, em đã học được cách phỏng vấn, lựa chọn vấn đề, khai thác đề tài. Mặc dù, bài viết em chưa thể hoàn chỉnh, còn phải có sự hỗ trợ, cố vấn của các anh chị trong toà soạn nhưng em cũng hình dung được để viết một cái tin trên báo ra sao.

Bên cạnh đó, quá trình này giúp em có thêm lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân sau khi tốt nghiệp đại học. Trong thời gian học việc tại đây, em cũng hiểu được giá trị thành thạo ngoại ngữ là một điểm cộng rất lớn trong quá trình xin việc và làm việc sau này”.

Còn Bùi Vĩnh Hiếu (25 tuổi, kỹ sư phần mềm, làm việc tại Tập đoàn Positive Thinking, Hà Nội) chia sẻ: “Trong thời gian học tại trường, tôi cố gắng tích luỹ kiến thức nền tảng cốt lõi; chú trọng các môn chuyên ngành. Song song với đó, tôi học thêm tiếng Anh chuyên ngành và rèn luyện kỹ năng giao tiếp để tăng cơ hội cho mình sau khi ra trường”.

Bên cạnh đó, quá trình học đại học, chàng kỹ sư này cũng chủ động đi làm thêm tại các công ty công nghệ có chuyên ngành mình học. Hiếu chia sẻ: “Lĩnh vực công nghệ thông tin đổi mới mỗi ngày, việc học hỏi thực tế giúp tôi mở rộng kiến thức, cập nhật các cách làm mới, ứng dụng mới để hỗ trợ quá trình làm việc nhanh gọn và hiệu quả hơn. Bản thân tôi cũng rất trân trọng quãng thời gian thực tập. Nó giúp tôi học, nắm bắt xu thế tuyển dụng và những đòi hỏi công việc đưa ra khi đi làm chính thức”.

Từ kinh nghiệm của bản thân, Hiếu cho rằng: “Sinh viên trong quá trình học ở trường đại học nên tích cực làm việc nhóm sẽ học được kỹ năng phản biện thuyết trình, làm PowerPoint, tính kỷ luật... tham gia các hoạt động ngoại khoá để trau dồi kỹ năng mềm, tự tin, mạnh dạn khi xử lý vấn đề. Đặc biệt, phải chủ động tiếp cận kiến thức thực tế để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho bản thân sau khi ra trường”.

Được biết, Hiếu làm việc tại công ty nước ngoài thường xuyên phải trao đổi chuyên môn, công việc hay học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp nước ngoài bằng tiếng Anh. Vì vậy, dẫu có bận mấy, hàng tuần chàng trai này vẫn cố gắng duy trì học tiếng Anh.

PGS. TS Lê Hiếu Học - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội trao đổi cùng sinh viên tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh DA.
PGS. TS Lê Hiếu Học - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội trao đổi cùng sinh viên tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh DA.

Tạo điều kiện cho sinh viên phát triển

Theo PGS.TS Đỗ Hương Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), điểm mạnh của sinh viên hiện nay chính là nhanh nhạy với những tiến bộ công nghệ mới, chủ động cập nhật thông tin, sáng tạo, nhiệt huyết, tự tin, rất thực tế và luôn muốn khẳng định mình.

Bên cạnh nhưng điểm mạnh, sinh viên gặp phải một số hạn chế như khả năng chắt lọc thông tin chưa cao, dành thời gian quá nhiều cho thế giới ảo dẫn đến kỹ năng giao tiếp hạn chế, thụ động. Ngoài ra, nhiều em còn chưa biết xác định mục tiêu chính trong từng giai đoạn của cuộc đời.

Vì vậy, PGS.TS Đỗ Hương Lan cho rằng: “Ngoài việc rèn giũa kiến thức sinh viên cần tăng cường tư duy đúng đắn, trang bị các kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, quan sát và phát hiện vấn đề cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề, cách xây dựng kế hoạch học tập, làm việc, có mục tiêu phấn đấu để sau khi tốt nghiệp các em đã trang bị đầy đủ cho mình tư duy, kiến thức và kỹ năng làm việc, làm chủ cuộc sống”.

Để sinh viên có cơ hội va chạm thực tế, áp dụng những kiến thức lý thuyết vào thực tế làm việc, Viện Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội trong nhiều năm qua đã tăng cường phát triển mạng lưới hợp tác doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với các nhà tuyển dụng, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên.

Theo chia sẻ của PGS.TS Lê Hiếu Học, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội: “Thông qua hợp tác doanh nghiệp, chúng tôi có cơ hội rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo nhằm đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, viện còn mời doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo; mời chuyên gia doanh nghiệp tham gia định hướng nghề nghiệp, khách mời trong các học phần chuyên ngành cùng hướng dẫn và đánh giá đề tài sinh viên nghiên cứu khoá học, đồ án tốt nghiệp của sinh viên…”.

Đồng thời, theo PGS.TS Lê Hiếu Học, viện mời doanh nghiệp phối hợp tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn (lập trình, thiết kế học liệu, thiết kế đồ họa…) kỹ năng mềm cho sinh viên. Chủ động đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, hỗ trợ định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, tạo sân chơi để sinh viên phát huy tối đa tiềm năng của mình, tổ chức các hoạt động phối hợp với doanh nghiệp trang bị bổ sung cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết giúp sinh viên sớm hoà nhập vào môi trường làm việc của doanh nghiệp.

“Không chỉ chú trọng vào chương trình giảng dạy, chúng tôi còn tạo điều kiện để giảng viên tiếp cận với thực tiễn để bổ sung những trải nghiệm thực tế trong bài giảng dành cho sinh viên”, PGS.TS Lê Hiếu Học - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ