Cùng với đó, mỗi sinh viên cũng cần có kế hoạch học tập để nắm chắc kiến thức cơ bản nhằm ứng dụng vào thực tế công việc.
Kỹ năng sinh viên mới ra trường cần có
ThS Trần Văn Báu - Trưởng phòng Số hóa và phát triển nội dung - Công ty cổ phần Edulive toàn cầu chia sẻ: “Một số thế mạnh của sinh viên hiện nay là sáng tạo, linh hoạt trong cách giải quyết các vấn đề mới, có khả năng tiếp thu và ứng dụng các công nghệ mới nhanh, tinh thần học hỏi và cải thiện bản thân liên tục.
Song với những lợi thế đó, các bạn cũng đối mặt với những hạn chế như thiếu kỹ năng mềm (giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian và xử lý áp lực), thiếu kiến thức cơ bản và chuyên sâu về lĩnh vực học tập của mình, kinh nghiệm thực tế và khả năng thích ứng với môi trường làm việc mới”.
Trước những hạn chế đó, ThS Trần Văn Báu gợi ý, sinh viên cần tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ để rèn luyện kỹ năng mềm, mở rộng mối quan hệ. Quá trình học cần nắm vững kiến thức cơ bản, chuyên sâu của lĩnh vực ngành bản thân. Để làm được điều đó, sinh viên rèn luyện bằng cách đọc sách, tìm hiểu thêm từ các nguồn tin cậy, tăng cường hỏi, trao đổi với giảng viên, thảo luận bạn bè”.
“Một trong những cách để các bạn tiến bộ nhanh, hiểu được sâu lĩnh vực chuyên ngành mình đang học là tìm kiếm cơ hội thực tập, làm việc bán thời gian, dự án tình nguyện. Qua đó, các bạn có thể tích lũy kinh nghiệm thực tế, hiểu rõ hơn về nhu cầu của thị trường lao động”, ThS Trần Văn Báu lưu ý
Tương tự, theo ông Phạm Văn Thư - Chủ tịch Công ty cổ phần tập đoàn BDSG: “Trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ dẫn đến sự đổi mới trong doanh nghiệp, có ba yếu tố mà nhà tuyển dụng thường đòi hỏi từ sinh viên mới ra trường. Thứ nhất, tính sẵn sàng học hỏi. Các nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao khả năng học hỏi nhanh của sinh viên, khả năng thích ứng và sẵn lòng tiếp thu kiến thức mới để phát triển nghề nghiệp.
Thứ hai, khả năng tư duy độc lập, sáng tạo để giải quyết các vấn đề trong doanh nghiệp bằng cách tiếp cận mới, tính sáng tạo là yếu tố quan trọng để đem lại giá trị và tạo ra những giải pháp mới.
Thứ ba là lộ trình phát triển sự nghiệp rõ ràng, như vậy quá trình làm việc sinh viên sẽ xác định mục tiêu nghề nghiệp và kế hoạch phát triển cá nhân sẽ giúp nhà tuyển dụng tạo điều kiện để sinh viên làm việc trong công việc mà họ yêu thích và đạt được kết quả thành công cho cả hai bên”.
“Quá trình học ngoài nắm vững kiến thức, kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực của mình. Sinh viên cũng cần chú ý đến kỹ năng giao tiếp và kỹ năng quản lý thời gian”, ông Thư nhấn mạnh thêm.
Ảnh minh họa ITN. |
Chủ động để tạo cơ hội
Có việc làm từ khi còn sinh viên năm ba, anh Nguyễn Hoàng Bá, cựu sinh viên Trường ĐH Mở TPHCM - hiện đang làm tại Tập đoàn Thiên Long cho biết: “Một thực tế hiện nay sinh viên đang gặp phải là chưa thực sự chú trọng vào quá trình học kiến thức cơ bản khi còn trong trường dẫn đến khi đi làm không biết bắt đầu từ đâu”.
Anh Hoàng Bá cho rằng, để biết được kiến thức lý thuyết trong nhà trường ứng dụng vào thức tế như thế nào, sinh viên có thể xin tham gia các đề tài nghiên cứu cấp khoa, trường hoặc có thể tìm kiếm việc làm thêm với chuyên ngành mình học. Như vậy, các bạn sẽ biết điều chỉnh quá trình học tập như thế nào cho hiệu quả.
Với vai trò là nhà tuyển dụng, ông Trần Văn Báu nhắn nhủ: “Sinh viên mới ra trường cần thể hiện được họ đam mê, nhiệt huyết với công việc mà họ muốn làm; khả năng tự học, tự cải thiện bản thân để đáp ứng nhu cầu của công việc. Đặc biệt, họ cần thể hiện được kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm với các đồng nghiệp, khách hàng. Cần nằm vững kiến thức cơ bản, chuyên sâu về lĩnh vực mà họ muốn làm việc thông qua các dự án hoặc sản phẩm đã thực hiện trong quá trình học tập ở trường”.
Bên cạnh đó, theo ông Báu, kỹ năng mềm và ngoại ngữ là hai yếu tố quan trọng. Đối với kỹ năng mềm giúp giao tiếp, làm việc nhóm hiệu quả, giúp bạn sẽ biết quản lý thời gian, xử lý áp lực trong quá trình làm việc. Ngoại ngữ sẽ là phương tiện để sinh viên mới ra trường có thể mở rộng kiến thức, tầm nhìn bằng cách tiếp cận được các nguồn thông tin và học tập quốc tế. Đây là những nguồn thông tin để có thể cập nhật được các xu hướng và công nghệ mới nhất trong lĩnh vực của mình.
“Ngoài ra, ngoại ngữ cũng giúp sinh viên mới ra trường có thể giao tiếp và hợp tác với các đối tác và khách hàng nước ngoài, đây là một lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động toàn cầu hóa”, ông Báu cho biết.
“Kiến thức cơ bản, kỹ năng thực hành đóng vai trò rất quan trọng cho sinh viên sau này ra trường, tìm kiếm việc làm. Do đó quá trình học, nhà trường luôn xây dựng chương trình giảng dạy cho sinh viên với số lượng thời gian học thực hành trên thiết bị hơn 60%”. - TS Lê Duy Quang - Trưởng khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Công nghệ Cao Hà Nội