Cánh chuồn vô cảm trong vườn thơ của Nguyễn Thị Kim

GD&TĐ - Cánh chuồn chuồn kim trong bài thơ là một đối tượng trữ tình, để tác giả gửi vào đó một nỗi đau đời.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Chuồn kim bay lượn lưng trời

Sao không vá những mảnh đời éo le?

Sao không khâu lại ngày hè

Để cho ra rả tiếng ve đêm ngày?

Áo đời đã rách không may

Nhởn nhơ mặt nước lượn bay vô tình

Lấy mây khâu áo bình minh

Tơ trời là chỉ thân mình làm kim

Thờ ơ đồng loại nổi chìm

Hãy xin vá hộ con tim loài người…

Nỗi đau vô cảm chuồn ơi!

(Chuồn chuồn kim)

Một tia nắng sớm, một tiếng chim ca, một bông hoa nở e ấp trong sương, một cánh bướm phơ phất… không chỉ làm cho cảnh sống của con người thêm mộng thêm thơ, mà còn là tín hiệu của cuộc sống. Và hơn thế, hình ảnh đó còn là “bè bạn”, để ta gửi vào trong đó, những nỗi niềm sâu kín mà không sợ phản bội.

Cánh chuồn chuồn kim trong bài thơ này, cũng là một đối tượng trữ tình, để tác giả gửi vào đó một nỗi đau đời:

Chuồn kim bay lượn lưng trời

Sao không vá những mảnh đời éo le?

Cái hay của tứ thơ là từ cái tên của loài vật “chuồn chuồn kim” mang tính đồng nghĩa với kim khâu, mà nữ sĩ đặt ra những câu hỏi đầy trăn trở về cuộc sống của con người. Tuy những câu hỏi mang tính phi lý, tưởng như là một thứ trò đùa vô nghĩa nhưng lại thể hiện tâm sự của người cầm bút.

Người cầm bút thấy đau đớn trước những cảnh đời éo le như cha mất con, vợ mất chồng… trong một tai nạn nào đó. Rồi cái cảnh những đôi lứa yêu thương nhau da diết tưởng như có thể sống đến “đầu bạc răng long”, vẫn không phai lời nguyền. Nhưng chỉ sau lễ đính hôn vài ba tháng đã phải “anh đi đường anh, tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi!”.

Nhưng những cảnh đời thấm đẫm nước mắt ấy, làm sao lại đòi hỏi một cánh chuồn kim mong manh, bé bỏng phải chịu trách nhiệm? Đấy chính là cái phi lý của lẽ đời, đã được thể hiện qua nghệ thuật nghịch lý của thơ ca. Không chỉ có thế, thi nhân còn đòi hỏi cánh chuồn kim phải điều chỉnh lại cảnh vật thiên nhiên, để chiều theo ý muốn của con người:

Sao không khâu lại ngày hè

Để cho ra rả tiếng ve đêm ngày?

“Khâu lại ngày hè” là hình ảnh đa nghĩa, có thể đem đến những cách hiểu khác nhau. Có người sẽ hiểu là ngày hè ở đây bị rách, nên cần phải vá lại cho lành. Nhưng cũng có thể hiểu: Khâu ở đây là khâu kín lại, gói lại cho tiếng ve kia không lọt ra bên ngoài, để mọi người phải chịu cảnh đinh tai nhức óc.

Cách hiểu thứ nhất, không phù hợp với cấu trúc ngôn từ. Vì hai từ “khâu” và “vá”, đặt trong hệ thống ngôn từ, hình ảnh của bài thơ, đều mang nghĩa khá rõ ràng. Căn cứ vào tính biểu cảm của những từ “ra rả tiếng ve đêm ngày”, ta thấy được thái độ bức bối của người đang phải chịu đựng cái âm thanh triền miên nhàm chán đó.

Khâu vá thời gian, tháng, ngày, quả là một sự phi lý, có ai làm được bao giờ đâu! Nhưng qua những hình ảnh phi lý này mà nói cho sâu sắc cái điều có lý, đó là thực tế và nỗi lòng của con người.

Thương thay cho cánh chuồn kim, phải luôn luôn hứng chịu những câu hỏi dồn dập, mang sự trách móc, dằn vặt, khó mà trả lời cho được:

Áo đời đã rách không may

Nhởn nhơ mặt nước lượn bay vô tình.

Nếu như những “mảnh đời éo le”, mang tính cụ thể thì hình ảnh “áo đời” lại mang tính trừu tượng. “Áo đời”, có lẽ là hình hài của cuộc sống nhân loại, được biểu hiện ra ở phương diện đời sống tinh thần và vật chất. Về vật chất thì trên Trái đất này, vẫn còn kẻ no, người đói, “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”.

Còn về đời sống tinh thần thì có thể nói là tình người tốt đẹp đã xuống cấp, đến mức báo động. Những chuyện bạo lực, trộm cướp, giết người, đâm chém nhau... diễn ra hàng ngày trên Trái đất, đòi hỏi pháp luật phải ra tay nghiêm trị.

Muốn vá lại cái áo đời rách nát này, đòi hỏi tất cả mọi người phải tự vá lại cái áo đời của chính mình trước đã, rồi cùng chung tay vá lại chiếc áo đời của nhân loại, chứ làm sao lại trông đợi vào sự vá víu của cánh chuồn chuồn.

Cho nên cánh chuồn nhởn nhơ vô tình là lẽ tự nhiên, cớ chi mà người cầm bút lại trách móc? Nhưng xét cho cùng, mỗi hình ảnh nghệ thuật trong văn chương, đều là một tín hiệu để nói về cuộc sống. Cánh chuồn đây, chỉ là hình ảnh mang tính biểu trưng, ám chỉ sự vô cảm của con người trước đồng loại mà thôi.

Vì sao mà thi nhân lại đặt ra những câu hỏi lớn lao, mang tính xã hội, với cánh chuồn chuồn kim như thế? Hóa ra trong trí tưởng tượng của thi nhân, hình ảnh cánh chuồn nhỏ bé đã được phóng đại lên đến mức kỳ vĩ, ngang tầm tạo vật trong vũ trụ:

Lấy mây khâu áo bình minh

Tơ trời làm chỉ thân mình làm kim.

Tấm vải mà cây kim may áo là mây trời, sợi chỉ mà chuồn chuồn dùng để khâu vá là tơ trời, còn thân mình hóa chiếc kim khâu. Hình ảnh thơ hiện đại mà mang màu cổ tích.

Đây cũng là một hình ảnh phi lý, nhằm vào một mục đích nghệ thuật nhất định: Cánh chuồn được nâng lên mức cao siêu, để rồi sau đó bị hạ thấp xuống một cách thảm hại. To tát thế, lớn lao thế mà lại là kẻ vô cảm trước đồng loại thế:

Thờ ơ đồng loại nổi chìm!

“Đồng loại” nào? Đồng loại của chuồn chuồn, tất nhiên phải là chuồn chuồn. Nhưng đặt trong hệ thống hình tượng thì lại không phải thế. Bởi câu thơ sau đó lại nói đến loài người:

Hãy xin vá hộ con tim loài người.

Hóa ra đồng loại đây, không phải là chuồn chuồn mà lại là con người. Như vậy, hình ảnh chuồn chuồn mang tầm vóc lớn lao chỉ là hình ảnh ám dụ mà thôi. Người cầm bút không ghìm nén được nỗi đau - một nỗi đau trước thái độ vô cảm của con người trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Tác giả không còn biết thổ lộ với ai, đành phải kêu lên với loài vật:

Nỗi đau vô cảm chuồn ơi!

Loài vật bay lượn kia ơi! Liệu mi có biết hiện tượng trơ lì cảm xúc đang diễn ra trong thế giới loài người hay không?

Hiện tượng xã hội này, làm sao lại có thể đòi hỏi cánh chuồn kim bé bỏng vá víu cho được? Muốn giải quyết vấn đề này, trước hết phải đánh thức được ý thức làm người trong mỗi con người, và phải có sự chung sức của mọi gia đình, mọi tổ chức xã hội. Trong đó, sự giáo dục của nhà trường, đóng một vai trò rất quan trọng.

Bài thơ “Chuồn chuồn kim” là một hình tượng nghệ thuật mang tính ám dụ, đầy sáng tạo, được thể hiện qua những hình ảnh nghịch lý, cường điệu, tương phản và hệ thống câu hỏi dồn dập.

Qua hình tượng thơ này, tác giả đã bộc lộ nỗi băn khoăn trăn trở về những hiện tượng đầy éo le, ngang trái của cuộc sống hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu của những hiện trạng đó là do tình cảm yêu thương của người đối với người đang mất dần và trở thành vô cảm.

Hình tượng “chuồn chuồn kim” là một tín hiệu báo động, về sự suy giảm nhân tính đó. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.