Canh cánh nỗi lo sự học làng chài

GD&TĐ - Bao đời nay, sự học với những làng chài ở Thanh Hóa luôn “chòng chành” theo con nước. 

Trẻ em làng chài Thủy Long (huyện Thọ Xuân) hiện đã được lên bờ.
Trẻ em làng chài Thủy Long (huyện Thọ Xuân) hiện đã được lên bờ.

Giờ đây, dù đã được lên bờ nhưng hành trình đi tìm con chữ của con em họ vẫn còn nhiều nỗi lo…

Những đứa trẻ không được đi học

Trẻ em làng chài bao đời theo bố mẹ lênh đênh trên sông nước, chưa kịp bắt nhịp với cuộc sống ở nơi này thì đã nhổ sào giong thuyền đi nơi khác. Những đứa trẻ dân chài lưới độ 8 đến 13 tuổi thất học hoặc bỏ học nửa chừng là chuyện thường xuyên xảy ra. Không chỉ lênh đênh nay đây mai đó là nguyên nhân khiến chúng không được đến trường, mà việc miếng ăn phải lo từng bữa của người lớn thì chuyện đi học cũng đành phải gác lại.

Tình trạng cư dân làng chài ở khắp nơi mỗi khi có việc phải điểm chỉ tay thay cầm bút vì không biết chữ là rất phổ biến. Chị Nguyễn Thị Liên (thôn Bãi Cháy, xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành) ứa nước mắt khi nói về việc 4 đứa con chị đều thất học do cuộc sống lênh đênh sông nước. Hay như ông Nguyễn Văn Nhung (làng chài Thủy Cơ, xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân) có 7 người con thì 6 đứa không biết chữ, duy nhất đứa con út sinh năm 1987 được đến trường nhưng cũng chỉ học đến lớp 5 rồi bỏ.

“Ở làng chài, những đứa trẻ nếu có được đi học thì cũng không được đi đúng tuổi, có đứa 10 tuổi mới vào lớp 1. Cũng do điều kiện khó khăn, nhiều gia đình bố mẹ lênh đênh sông nước kiếm sống, không quan tâm đến việc cho con lên bờ đi học. Mặc dù được nhà trường, thầy cô, bạn bè động viên, hỗ trợ trong học tập nhưng do đi học quá tuổi, chúng mặc cảm rồi cũng lại bỏ dở”, ông Nhung trầm ngâm.

Việc không biết chữ của một bộ phận người dân làng chài là câu chuyện của đời ông, đời cha, của những năm tháng lênh đênh trên sông nước, thời điểm mà nước là đất, thuyền là nhà. Ông Hà Duyên Chương, cán bộ chính sách xã Xuân Lai không khỏi chạnh lòng khi nhắc chuyện các cụ ở làng chài lên nhận trợ cấp trên xã hầu như phải điểm chỉ, thậm chí có cả thanh niên đi nhận thay bố mẹ cũng điểm chỉ, có những hôm, điểm chỉ gần như kín trang.

Từ đầu năm 2022, Thanh Hóa đã bắt đầu triển khai bố trí đất và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho tất cả các hộ dân chài. Toàn tỉnh sau khi rà soát, có 299 hộ dân sinh sống trên sông. Cụ thể, huyện Thọ Xuân có 65 hộ, huyện Thiệu Hóa 64 hộ, huyện Thạch Thành 5 hộ, huyện Vĩnh Lộc 4 hộ, huyện Yên Định 76 hộ và TP Thanh Hóa 85 hộ. Trong đó, có 194 hộ được đề nghị cấp đất ở, hiện có 86 hộ đã được cấp đất, 66 hộ đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Lên bờ vẫn canh cánh nỗi lo

Ông Nguyễn Văn Thanh, cư dân làng chài ở Thọ Xuân, kỳ vọng: “Quẩn quanh trong mấy chiếc thuyền nên các con tôi chẳng được học hành gì, đúng là thiệt thòi cho chúng nó quá. Được Nhà nước hỗ trợ, thoát cảnh lênh đênh, chưa biết thế nào nhưng mong ước những đứa cháu của mình không còn phải thất học, rồi cuộc đời của chúng sẽ sang trang, không khổ như mình”.

Một góc làng chài giữa lòng TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Một góc làng chài giữa lòng TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Lên bờ, không còn thất học, không còn mù chữ nhưng sự học của con em làng chài không khỏi lo lắng khi đa số các em đều có lực học rất kém.

Năm học 2022 - 2023, ở Trường Tiểu học Xuân Lai (Thọ Xuân) có 26 học sinh làng chài Thủy Cơ. Những học sinh này đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Trong số 26 học sinh, đa số các em có lực học kém. Nguyên nhân vẫn bắt đầu từ sự quan tâm của gia đình khi có nhiều em, bố mẹ không biết chữ hoặc bố mẹ đi làm, gửi con cho ông bà.

Theo cô giáo Hà Thị Thảo, chủ nhiệm lớp 2C - nơi có nhiều học sinh làng chài Thủy Cơ đang học tập, có những hôm, các em nghỉ học không có lý do, gọi điện cho phụ huynh thì không liên lạc được. Do lực học “đuối” hơn các bạn trong lớp nên cô giáo thường xuyên dạy kèm ở các buổi ra chơi hoặc lúc tan học. Mặc dù được ưu ái kèm cặp, để ý hơn những bạn bè cùng trang lứa, nhưng nhiều học sinh vẫn không thể theo kịp các bạn.

Cô giáo Nguyễn Bích Thìn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai 2 (TP Thanh Hóa) – nơi cũng có những học sinh vạn chài theo học, cho biết, hầu hết các em ở làng chài đều có lực học rất kém. Có 6 trường hợp những năm trước, chính quyền có chủ trương cho lên bờ nhưng vì không quen công việc trên bờ lại quay xuống thuyền, dẫn đến việc con cái đi học không được bố mẹ quan tâm, sát sao khiến các em học hành sa sút.

Theo cô Thìn, những học sinh làng chài học không chăm chỉ và đi học không đều, không hoàn thành hết được nội dung kiến thức vì về phải phụ giúp gia đình. Các buổi tối, ngày nghỉ không dành thời gian cho việc ôn bài mà phải đi kiếm sống, làm thêm.

“Do hoàn cảnh khó khăn nên các học sinh được nhà trường miễn tất cả các khoản đóng góp trong 5 năm học. Bên cạnh đó, nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm thay phiên nhau phụ đạo miễn phí cho các em cuối giờ. Nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm quan tâm, tìm hiểu hoàn cảnh của từng gia đình học sinh làng chài để có những động viên, hỗ trợ các em như: Sách, vở, bút và quần áo để các em đến trường.

Giáo viên chủ nhiệm các lớp có học sinh này thì thông qua các buổi sinh hoạt lớp nhắc nhở học sinh không được phân biệt hay kỳ thị học sinh làng chài, tạo ra sự vui vẻ, gần gũi để các bạn hào hứng khi đến lớp. Ngoài ra, cũng sẽ phân công các bạn học sinh trong lớp có lực học khá, tốt kèm cặp, hướng dẫn thêm trong các buổi ra chơi, sinh hoạt 15 phút về đọc, làm toán cơ bản… Tuy nhiên, để giúp các em tiến bộ cần cả một quá trình”, cô Thìn cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho biết, trong quý I/2023, huyện Thọ Xuân sẽ hoàn thành việc giao đất ở và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ đủ điều kiện. Sau khi lên bờ, ngoài các hộ tiếp tục làm nghề chài lưới, những hộ có nhu cầu việc làm, huyện sẽ tạo điều kiện giới thiệu việc làm trong các nhà máy may, da giày, sản xuất thủ công, đồ gia dụng… Còn học sinh trong độ tuổi đi học sẽ được miễn, giảm học phí, hỗ trợ đồ dùng học tập. Đặc biệt, chất lượng giáo dục đối với học sinh làng vạn chài đang còn thấp, huyện cũng đã yêu cầu các nhà trường phân công giáo viên phụ đạo để các em có thể theo kịp được các bạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.