Trẻ em vạn chài khát khao con chữ

Trẻ em vạn chài khát khao con chữ

(GD&TĐ) - Ở những xóm vạn chài, trong những con thuyền chật hẹp, cũ nát, hay những túp lều tạm bợ sát mép sông, cuộc sống hết khó khăn, nhưng những trẻ em ở đây vẫn khát khao theo đuổi con chữ. Bởi với các em, học để đổi thay số phận, để thoát khỏi “lời nguyền của dòng sông”.

Chúng tôi tìm đến xóm Vận tải (xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An) vào buổi chiều nắng gắt. Dưới chân cầu Rộ là những chiếc thuyền cũ kỹ, rách nát đan ken lấy nhau. Từng đợt sóng xô vào mạn làm chiếc thuyền của bà Nguyễn Thị Hà chực trôi tuột theo dòng nước. Buộc lại dây néo vào cọc sắt trên bờ, bà Hà (60 tuổi) cho biết: “Cả đời tui gắn bó với khúc sông này, với nghề buông câu, thả lưới. Dân vạn chài tứ cố vô thân, không một tấc đất cắm dùi. Phận tui đã đành, nhưng tương lai các cháu cũng mù mịt lắm...”. Các con bà đều vào miền Nam mưu sinh, ba đứa cháu nội gửi cho bà nuôi nấng. Đứa nhỏ học lớp 1, đứa lớn học lớp 4 Trường Tiểu học Võ Liệt, cách bờ không xa, hàng ngày mấy đứa trẻ tự dắt nhau đến lớp. Các khoản tiền trường, bố mẹ chúng tằn tiện gửi về nhờ bà nạp, còn sách vở thì xin sách cũ của bạn. Nhưng khổ nhất vẫn là không có nơi để học hành tử tế. Nhà của 4 bà cháu là con thuyền đã quá cũ, nước khi nào cũng rỉ vào xăm xắp. Trên nóc thuyền là chiếc ba-lô sờn cũ, đựng toàn bộ sách vở, bút, bảng con của cả ba đứa. Phía cuối thuyền là tấm ván mỏng kê trên mấy viên gạch táp-lô làm bàn học. “Kê lên đó chứ mấy khi chúng nó dùng đến đâu vì thuyền thấp, chật, nếu ngồi phải khom lưng nên chúng kêu mỏi. Thường, cả ba đứa trải chiếu giữa thuyền rồi nằm bò ra học. Hôm nào mưa gió, chúng lên bờ trú tạm tại nhà bạn. Nghĩ tội nghiệp”. Bà Hà thở dài, mắt nhìn xa xăm ra dòng sông lấp loá nắng. Có lẽ vì sự học nhọc nhằn đó nên 40% trẻ em trong độ tuổi đến trường ở xóm vạn chài này đã bỏ học giữa chừng để vào Nam, ra Bắc kiếm sống.

Một góc làng chài
Một góc làng chài

Nằm nép mình sau rặng tre cằn cỗi, bên ngoài đê là xóm 16 (xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Cả xóm có 70 hộ, 300 nhân khẩu thì 100% sống bằng nghề sông nước. Trong số đó chỉ có 30 hộ có đất dựng nhà, còn lại sống lênh đênh trên những con thuyền. Cuộc sống nổi nênh theo từng con nước nên cả xóm đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Để có tiền cho con theo học, cha mẹ phải ngược xuôi, nay neo thuyền đoạn sông này, mai đậu khúc sông khác buông lưới, thả câu. Các con đang nhỏ theo cha mẹ nay đây mai đó; khi đến tuổi đi học thì liều lên bờ dựng tạm túp lều tranh để con có chỗ ổn định đến trường. Anh Lưu Văn Tình cho biết: “Hai đứa nhỏ đã đi học. Đứa lớn học lớp 7, đứa nhỏ vào mẫu giáo nên không thể đưa con theo. Biết dựng nhà trên bờ là vi phạm luật đất đai, nhưng cũng đành liều vậy, dựng tạm túp lều cho con cái có chỗ ổn định học hành”.

Nhà tạm của dân vạn chài cạnh mép sông
Nhà tạm của dân vạn chài cạnh mép sông

 Những gia đình khác, khi con đến tuổi đi học đều tìm cách gửi con ở nhà nội, nhà ngoại hoặc người thân định cư trên bờ để con có điều kiện theo học. Bố mẹ làm nghề sông nước, đi biền biệt mấy ngày liền, việc học phó mặc cho con cái, thầy cô giáo, được chăng hay chớ. Ông Lưu Văn Thông, Xóm trưởng xóm 16 cho biết: “Sự học của trẻ con nơi đây nhọc nhằn lắm. Ngày hai buổi đến trường, thời gian ở nhà đều do chúng tự giác, không người thúc dục, rèn cặp. Phụ huynh chẳng biết con mình học với thầy cô nào, lớp nào. Họp phụ huynh năm vài lần đều nhờ ông bà già cả đi thay cho khỏi bị phê bình. Điều đáng lo ngại nhất là việc đến trường của các cháu trong những ngày mưa lũ. Những ngày nước lên, xóm 16 bị cô lập như một ốc đảo, để đến trường bên kia bờ đê, các gia đình dùng thuyền thay nhau chèo chống. Khó khăn thế nhưng trẻ con ở đây vẫn đến trường hết đấy”.  Nói đoạn, ông Thông giở cuốn sổ tay ghi chép ra và khoe: “100% trẻ trong độ tuổi đi học đều được đến trường, số học hết THPT ngày càng nhiều, đặc biệt, mấy năm gần đây, xóm đã có 5 em theo học cao đẳng, trung cấp nghề. Đời chúng tôi đã khổ vì không được học hành đến nơi đến chốn. Giờ có khó khăn đến mấy thì cũng phải cố gắng cho các cháu được đến trường. Biết đâu, sau này rồi con hơn cha, chúng nó không phải lênh đênh trên sông nước nữa”. 

Bác Hà và các cháu trên chiếc thuyền của mình
Bác Hà và các cháu trên chiếc thuyền của mình

Còn với trẻ em xóm vạn chài xã Đặng Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An), việc học hành gần như là ước muốn xa vời. Không tấc đất cắm dùi, cuộc sống khó khăn vì tôm cá đã cạn kiệt, việc vận tải trên sông giờ đã có những thuyền máy lớn,… Chạy ăn từng bữa đã bở hơi tai nên việc đầu tư cho con cái học hành chỉ là chuyện “thứ yếu”.

Gia đình ông Nguyễn Đình In có bảy đứa con, nhưng chỉ có Nguyễn Đình Ngọc (sinh năm 2000) duy nhất đang đến trường. Các anh chị của Ngọc là Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Đình Hồng, Nguyễn Đình Dung, Nguyễn Đình Ưng,… đều phải bỏ học từ khi mới học xong lớp 1, lớp 3. Lý do khiến sáu đứa con của ông In không được đến trường là vì hoàn cảnh gia dình quá nghèo, không đủ tiền cho con đóng các khoản tiền. Ông In tâm sự: “Cuộc sống tạm trú trên bến dưới đò, chủ yếu dựa vào đánh bắt cá, thu nhập của cả xóm bấp bênh theo từng con nước. Làm quần quật từ sáng đến tối nhưng thu nhập cũng chỉ 1 triệu đồng/tháng trở lại, chẳng đủ chi tiêu, nói gì đến đóng tiền học cho con” Chính vì vậy, nhiều ông bố, bà mẹ dù thương con nhưng vẫn phải lao thuyền đi cả tháng trời mới về. Và khi không đủ sức xoay xở, đành cắn răng chấp nhận cho con nghỉ học giữa chừng. Em Hoàng Thế Anh, học sinh lớp 8 cho biết: “Các chị trước em đã nghỉ học khi mới hết tiểu học. Em là con trai nên được ưu tiên học lên trung học cơ sở. Nhưng hiện giờ hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chưa biết sẽ phải nghỉ học lúc nào. Em muốn được học lên cấp 3, được học đại học, ….”.

Trời tối, gió từ sông Lam hun hút thổi vào những túp lều dựng tạm bên mép sông, những con thuyền dập dềnh theo con nước, dưới ánh đèn le lói, những đứa trẻ vẫn miệt mài học. Sinh ra, lớn lên nếm trải cảnh đời vất vả, cơ cực của dân vạn chài, cuộc sống lênh đênh sông nước, nên lớp trẻ giờ đây luôn ước ao đến trường, nỗ lực học để vươn lên, để thoát khỏi lời nguyền của dòng sông (sống vô gia cư, chết không địa táng). Mong rằng, với sự cố gắng của từng gia đình, của chính bản thân các em và sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành, các đoàn thể, niềm khát khao con chữ của trẻ em vạn chài sẽ được chia sẻ”. 

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, dọc sông Lam, địa phận thuộc các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn hiện có khoảng 735 hộ với gần 3.500 khẩu sống bằng nghề chài lưới, thuộc diện cần đưa lên bờ định cư. Tổng mức đầu tư của dự án định cư lên tới trên 112 tỷ đồng. Hy vọng dự án này sớm được thực thi để người dân vạn chài “an cư lạc nghiệp”, để trẻ em vạn chài được đến gần hơn với ước mơ con chữ.  …

 Đức Phúc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.