Lênh đênh làng chài Ngọc Thụy

Lênh đênh làng chài Ngọc Thụy

(GD&TĐ) - Nằm nép mình ven bãi giữa Sông Hồng, cách chân cầu Long Biên chừng 1km là làng Chài Ngọc Thụy, quận Long Biên. Gọi là làng chài bởi đã nửa đời người, họ gắn với sông nước chứ cả xóm ngụ cư hai mươi bốn nóc nhà không ai làm nghề chài lưới. Họ là dân tứ xứ tụ họp về đây kiếm kế sinh nhai. Những kiếp người tha hương với đủ thứ nghề mạt hạng. Người đi nhặt giấy rác, người đi phu hồ, cửu vạn… Tương lai của họ lênh đênh trong những túp lều trên sông không điện, không đường, không nước sạch, không một thước đất cắm dùi. Sự học hành với những đứa trẻ là một thứ xa sỉ. 

“Bản” không tên giữa lòng Hà Nội

Nói đến Hà Thành ắt hẳn ai cũng nghĩ tới chốn phồn hoa, giàu có. Ít ai biết rằng, sau sự hào nhoáng ấy vẫn còn những số phận buồn nằm dải dác bên dòng Hồng Hà huyền thoại. Tôi tìm về làng chài Ngọc Thụy khi cái se lạnh vừa chớm vào lòng Hà Nội. Bên Cầu Long Biên, chứng tích lịch sử hào hùng của dân tộc. Làng chài Ngọc Thụy nằm khuất mình trong bãi chuối bạt ngàn. Từ trên cầu nhìn xuống khó có thể nhìn thấy xóm ngụ cư này. Cả làng Chài có hơn 20 nóc nhà lênh đênh trên mặt nước với gần 100 nhân khẩu. Họ là đến từ các tỉnh như Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Oai(Hà Tây cũ)… tụ tập về đây. Nhưng với họ, khúc sông Hồng ven đô chính là quê hương thứ hai, là nơi sống gửi thác về của một đời nghèo khó.

Hậu cũng như nhiều đứa trẻ trong xóm ước mơ có một nơi học tập đàng hoàng
Hậu cũng như nhiều đứa trẻ trong xóm ước mơ có một nơi học tập đàng hoàng 

Tôi có mặt tại nhà ông Nguyễn Văn Trọng. Người được các gia đình trong xóm ngụ cư bầu làm tổ trưởng. Căn nhà chật chội bập bềnh sóng nước là nơi ông bà và 7 đứa con hơn ba mươi năm dời làng xuống đây trú ngụ. Các con ông 4 trai, ba gái cũng chỉ học hết lớp 5 rồi đi làm. Đứa phu hồ, đứa bán nước dạo. Bà Hạnh tâm sự: “Ba đứa con gái lập gia đình bên Phúc Xá, Ba Đình. Ban ngày chúng nó đi nhặt giấy, tối về bán nước ở chân cầu Long Biên. Con trai cả nhà tôi làm cửu vạn, tích cóp được chút tiền mới cất nhà nổi ra ở riêng. Hai cậu chưa vợ con thì làm ăn xa, lâu lâu mới về”. Nhà ông Trọng được coi là gia đình khá giả trong xóm ngụ cư này. Bởi một lẽ con cháu nhiều. Dù chỉ làm nghề bốc vác, bán nước với nhặt rác nhưng không mấy khi đói ăn.  

Gần 100 con người sống trong cảnh thiếu thốn. Đã mấy chục năm lập lên cái xóm ngụ cư này nhưng chưa một lần có điện. Cứ chiều muộn là cả xóm chìm trong bóng tối. Những ngọn đèn dầu leo lét không soi rõ mặt người khiến người ta có cảm giác rờn rợn. Ông Nguyễn Văn Trọng tâm sự: “Những nhà có điều kiện hơn thì sắm bình ắc-qui. Nhưng số đó ít lắm. Chủ yếu là dùng đèn dầu thôi. Mọi người đi làm đến đêm mới về nên không ai dùng đèn. Chỉ nhà nào có con nhỏ đang theo học mới sắm đèn cho con học. Sống trong bóng tối quen rồi. Mình là dân ngụ cư, không ai dám bán điện cho cả”.

Cả xóm dựa vào nguồn nước giếng khoan do dân trong vùng cho.
Cả xóm dựa vào nguồn nước giếng khoan do dân trong vùng cho.

Có một lần vào cái xóm ngụ cư ven sông này, chúng tôi mới thấu hiểu nỗi cơ hàn của các gia đình nơi đây. Mỗi gia đình một hoàn cảnh, chẳng ai giống ai. Ông Nguyễn Văn Mộc năm nay 66 tuổi, có lẽ là người sống lâu năm nhất ở đây. Ông đã 50 năm bám trụ ở vùng đất này với đủ thứ nghề. Ngày còn khỏe, ông đi bốc hàng cho chủ buôn, 20 năm thâm niên trong nghề nhặt giấy. Một đời phiêu bạt nơi đất khách quê người, từng có một gia đình hạnh phúc vậy mà niềm vui quay lưng lại với ông. Người vợ quê ở Hưng Yên không chịu được cuộc sống bần hàn đã dắt díu hai đứa con trai về quê. Từ khi ly thân, ông một mình sống trong con thuyền nhỏ bé lọt thỏm trong dãy nhà nổi. Ông Mộc phân trần: “tôi giờ còn gì nữa đâu mà mong chờ nữa chú. Mỗi ngày đi nhặt giấy được 30 đến 40 ngàn. Cả xóm có đến 30 người làm nghề nhặt giấy trong nội thành. Ngoài tiền ăn hàng ngày thì số tiền còn lại dành dụm phòng lúc ôm đau. Những ngày nắng thì còn đi được chứ ngày mưa thì ở nhà thôi. Tôi chỉ mong muốn chính quyền địa phương cấp cho mỗi gia đình một mảnh đất nhỏ để an cư lập nghiệp”

 Một góc làng Chài Ngọc Thụy, Phường Ngọc Thụy, Quận Long Biên
Một góc làng Chài Ngọc Thụy, Phường Ngọc Thụy, Quận Long Biên

Cuộc sống mưu sinh vất vả khiến hai từ quê hương trong họ nhạt nhòa dần. Có những người từ khi cất bước ra đi chưa một lần trở lại quê nhà. Có những người bốn năm năm mới tích cóp đủ tiền về thăm họ hàng. Cũng bởi cái nghèo không cho họ cơ hội. “Bữa ăn hàng ngày còn không đủ nói gì về quê. Với tôi đây là quê, sống gửi thác về ở cái bãi giữa sông Hồng này thôi. Về quê còn ai nữa đâu. Mấy chục năm rồi họ hàng làng mạc dễ ai còn nhớ tới mình nữa. Nhiều đêm không ngủ được. Nghĩ về cuộc đời mình đã làm được cái gì đâu mà đã sắp xế chiều” - Ông Mộc tâm sự.

Sự học ở xóm ngụ cư…

Cả làng chài Ngọc Thụy có hơn chục em đi học từ lớp 1 đến lớp 7. Trong số đó, phần đông là học lớp tình thương bên phường Phúc Xá do các tổ chức nước ngoài tài trợ. Còn lại các em được bố mẹ xin cho học trái tuyến tại một số trường bán công ở khu vực lân cận. Cuộc sống của gia đình nghèo khó nên ngoài nguồn thu từ việc đi nhặt giấy, bán nước dạo hay phu hồ, bốc vác của bố mẹ thì không còn khoản thu nhập nào khác. Các em ước mơ có được một ngôi trường mà ở đó các em được phát huy khả năng của mình chứ không dừng lại ở việc xóa mù chữ. 

Bữa cơm thiếu thốn của gia đình Bà Mai
Bữa cơm thiếu thốn của gia đình Bà Mai

Mấy chục năm nay ở cái làng chài này chưa có em nào học đến cấp ba. Các em học tại lớp tình thương chỉ đến lớp 5, lớp 6 là phải nghỉ học. Nhiều em khát khao được tiếp tục cắp sách đến trường để thực hiện những ước mơ rất đỗi giản đơn nhưng trong đó chất chứa nỗi thèm khát theo đuổi ước mơ của mình. Các em vào đời bươn chải kiếm sống từ rất sớm. Có những em chỉ học hết lớp 5, khi biết mặt chữ, biết đọc, biết viết thì cũng là lúc các em gác lại sách bút để lo sự sống thường nhật của mình. Cũng bởi cái nghèo, cái cuộc sống ngụ cư đã cướp đi những ước mơ của em.

Cháu Giang Văn Hậu và cháu Giang Văn Tân, con anh Giang Văn Tiến may mắn hơn chúng bạn cùng xóm chài Ngọc Thụy vì có điều kiện học trường công lập. Năm nay Giang học lớp 7, Trường THCS Phúc Xá còn Tân học lớp 4, Trường tiểu học Nghĩa Dũng. Gia đình thuê được mảnh đất bãi trồng ngô nên có them thu nhập. Các em học trường công lập nhưng không được hưởng quyền lợi hay hỗ trợ gì. Hai con đi học nên gia đình anh Tiến phải làm lụng vất vả hơn để mong các con được bằng bạn bằng bè.

Anh Giang Văn Tiến tâm sự: “hai vợ chồng phải làm cả tháng mới đủ tiền nộp cho hai đứa. Mỗi đứa một tháng phải nộp gần 1 triệu đồng vừa tiền học phí, tiền ăn bán trú, tiền học thêm …Biết là khó khăn vất vả cũng phải thắt lưng buộc bụng để con có cái chữ sau này đỡ khổ”. Điều kiện vật chất thiếu thốn đủ đường. Trong căn nhà nhỏ bé ấy là không gian sinh hoạt của cả gia đình. Một góc học tập nhỏ bé có đủ bàn ghế, đèn sách cũng là một ước mơ của những đứa trẻ nghèo hiếu học. Ước mơ đó sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực khi cái nghèo vẫn hiện diện trong mỗi căn nhà rách nát.

Trong làng chài này ai cũng thấu hiểu hoàn cảnh thương tâm của ba mẹ con chị Liên. Hai đứa con nhỏ mồ côi cha khi còn đang tuổi ăn tuổi học. Bố các em, anh Hòa chết vì đuối nước không lâu. Chị Liên một mình kiếm sống nuôi con. Bằng năm nay học lớp 6, Linh vừa vào lớp 1. Các em được mẹ gửi vào lớp học tình thương. Với Bằng, sự nghiệp học hành của em cũng sắp kết thúc để cùng mẹ lao vào cuộc sống sinh tồn ngay giữa lòng Hà Nội. Đấu tranh với cái đói khát chỉ để được sống mà chẳng bao giờ các em có được một ước mơ. Các em vẫn cười đùa như những con chim hoang lạc giữa bầu trời. Trong các em hai chữ giàu nghèo còn chưa rõ. Sự hồn nhiên của các em đã phần nào xoa dịu nỗi trầm mịch nơi góc nhỏ vắng lặng lạc lõng giữa phố phường ồn ã. Liệu giấc mơ là một nhà giáo của Hậu có trở thành hiện thực, một bác sỹ tương lai mà Bằng ấp ủ sẽ ra sao. 

Chia tay làng chài Ngọc Thụy, tôi chia tay bãi giữa sống Hồng. Nơi đứng trên Cầu Long Biên ta chỉ nhìn thấy một màu xanh trù phú của ngô khoai. Dễ ai nhận ra sự úa vàng của những làng chài lênh đênh trên mặt nước. Họ là những đứa con của hà bá với tâm niệm sống gửi thác về phó mặc vào tạo hóa của thiên nhiên. Chỉ có một sự thật rằng, mấy trăm hộ dân ở các làng chài ven sông Hồng,  Họ cần lắm một cuộc sống bình yên. 

        Tất Đạt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.