Cảnh báo về nhận thức hướng nghiệp

GD&TĐ - Mới đây, Bộ LĐ,TB&XH đã công bố Bản tin cập nhật thị trường lao động quý 3/2015.

Cảnh báo về nhận thức hướng nghiệp

Theo bản tin, số lao động có trình độ đại học, cao đẳng thất nghiệp vẫn có xu hướng tăng, mặc dù tổng số lao động thất nghiệp chung đã giảm hơn so với quý trước.

Các số liệu này được xem là một cảnh báo xã hội về nhận thức định hướng giữa học nghề và theo đuổi con đường đại học.

225,5 nghìn cử nhân thất nghiệp Quý 3/2015, cả nước có 1.128,7 nghìn người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, giảm 15,9 nghìn
người so với quý 2/2015.

Trong tổng số người thất nghiệp, nữ có 503,4 nghìn người (chiếm 44,6%), giảm 9,9 nghìn người; khu vực thành thị có 521,3 nghìn người (chiếm 46,2%), giảm 4,4 nghìn người; nhóm thanh niên (15 - 24 tuổi) có 666,5 nghìn người (chiếm 59%), tăng 73,9 nghìn người.

Theo trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT), có 645,1 nghìn người thất nghiệp không có CMKT (chiếm 57,2%, giảm 24 nghìn người so với quý 2/2015); 8,9 nghìn người có chứng chỉ nghề dưới 3 tháng (chiếm 0,8%; 33,6 nghìn người trình độ sơ cấp nghề (chiếm 3%); 23 nghìn người trình độ trung cấp nghề (chiếm 2%); 60,2 nghìn người trình độ trung cấp chuyên nghiệp (chiếm 5,3%); 15,1 nghìn người có trình độ cao đẳng nghề (chiếm 1,3%).

Đặc biệt, có tới 117,3 nghìn người trình độ cao đẳng chuyên nghiệp (chiếm 10,4%, tăng 24,1 nghìn người so với quý 2/2015) và 225,5 nghìn người trình độ đại học trở lên thất nghiệp (chiếm 20%, tăng 26,1 nghìn người).

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Doãn Mậu Diệp, nhóm người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên vẫn có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất và có xu hướng tăng.

Cụ thể nhóm có trình độ cao đẳng nghề tăng từ 4,76% lên 7,95%; cao đẳng chuyên nghiệp tăng từ 6,79% lên 7,93%; đại học trở lên tăng từ 4,6% lên 4,88%.

Trước đó, Bản tin thị trường lao động quý 2/2015 cho thấy: Cả nước có 1.144,6 nghìn người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 15,2 nghìn người so với quý 1-2015.

Tuy nhiên, tính theo ngành nghề, ngoại trừ nhóm có trình độ cao đẳng có tỉ lệ thất nghiệp giảm so với quý 1 (từ 7,13% xuống còn 6,56%), còn lại tỉ lệ thất nghiệp của các nhóm trình độ chuyên môn kỹ thuật khác đều tăng.

Cụ thể nhóm có trình độ đại học trở lên tăng từ 3,92% lên 4,6%; trình độ trung cấp tăng từ 3,66% lên 4,49% và trình độ sơ cấp tăng từ 2,05% lên 2,71% Số lượng thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ đại học và trên đại học trong quý 2 cũng tăng thêm 22.000 người so với quý 1 (chiếm 17,4% tổng số người thất nghiệp).

Như vậy, số lao động trình độ đại học, sau đại học bị thất nghiệp là hơn 199 nghìn người.

Học nghề lên cao dễ tìm việc Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhận xét, qua số liệu của Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 3/2015, xét theo chiều người học hàn lâm (học chuyên nghiệp), học càng lên cao thất nghiệp càng nhiều.

Trong khi đó, xét theo chiều người học nghề, học càng cao thất nghiệp càng ít, do người học nghề lên cao được chuẩn bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng nên tìm việc dễ hơn.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp lưu ý, đây cũng là những cảnh báo để xã hội chuyển đổi nhận thức, định hướng lại con đường học tập giữa học đại học và học nghề.

Nguyên nhân của tình trạng trên, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã có những cảnh báo về khoảng cách giữa kiến thức, kỹ năng được đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, ở một khía cạnh khác là đào tạo vượt quá nhu cầu thị trường ở một số ngành, đặc biệt dư thừa tại các ngành phi sản xuất.

Bên cạnh đó, con đường vào đại học được cho là khá dễ dàng nên có quá ít người chọn học nghề. Trong các báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận xét, ở Việt Nam vào đại học dễ, nên số lượng học nghề rất ít. Học nghề ít sẽ khó chuẩn bị đủ nguồn nhân lực cho đà phát triển của Việt Nam những năm tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ