Đặc biệt là trong nhóm nam giới có hoạt động tình dục đồng tính, tình dục không an toàn.
Nam giới đang bị tấn công
Ngày 17/11, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức họp báo về tình hình dịch và công tác phòng, chống HIV/AIDS. Thạc sĩ Võ Hải Sơn, Trưởng phòng Giám sát và Xét nghiệm, cho biết, thế giới hiện ghi nhận 38,4 triệu người nhiễm HIV. Trong đó, số người trưởng thành nhiễm HIV là 36,7 triệu. Con số này ở trẻ em là 1,7 triệu. Số ca mắc mới hiện giảm qua các năm.
Dịch HIV hiện chủ yếu tập trung ở châu Phi, với gần 26 triệu người nhiễm. Trong số những trường hợp mắc bệnh, có 12% người nhiễm mới là bán dâm, 10% sử dụng, tiêm chích ma túy, 21% đồng tính nam, 2% chuyển giới nữ, 20% là người mua dâm.
“Tại Việt Nam, ước tính đến nay trong cộng đồng có khoảng 220 nghìn đến 270 nghìn người nhiễm HIV. Có khoảng 220 nghìn người được xét nghiệm ghi nhận có HIV. Từ đầu dịch năm 1990 đến nay, có 112 nghìn người tử vong do HIV/AIDS”, ông Võ Hải Sơn cung cấp thông tin.
Trong năm nay, Việt Nam phát hiện 9 nghìn người nhiễm HIV. Trong đó, số tử vong báo cáo gần 1.400 người. Từ nay đến cuối năm, dự kiến phát hiện khoảng 13 nghìn người nhiễm mới HIV. Chuyên gia này nhấn mạnh, số trường hợp được phát hiện nhiễm HIV trong 3 năm gần đây có xu hướng tăng.
Vùng phát hiện nhiều người nhiễm ở năm nay là khu vực phía Nam, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM. 10 tháng đầu năm, có 36% phát hiện mới ở Đồng bằng sông Cửu Long và 28% ở TPHCM. Đây là vùng nguy cơ rất cao.
Trong giai đoạn hiện nay, số ca nhiễm HIV là nam giới chiếm khoảng 84 - 85% một năm. Tỷ lệ mới trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ.
Nguyên nhân chủ yếu là do lây truyền qua đường tình dục không an toàn và tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm. Từ đó, trở thành đường lây chính.
Trong khi đó, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện, chích ma túy có xu hướng giảm từ 2002 đến nay. Nguyên nhân là phương pháp điều trị hiện nay rất tốt, nhiều người không tử vong.
Quan hệ tình dục đồng giới nam có quần thể rất lớn
Theo ông Võ Hải Sơn, tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tiếp tục tăng. Điều này gây quan ngại lớn đối với công tác phòng chống HIV. Từ 2015 đến nay, số mắc tại nhóm này tăng gấp đôi.
Dự báo, con số này tiếp tục tăng trong thời gian tới vì hiện nay, quần thể MSM rất lớn, tồn tại nhiều nguy cơ. Do đó, đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS cho rằng, cần nỗ lực rất nhiều để ngăn chặn bệnh HIV ở nhóm này.
“Trước đây, người nhiễm HIV chủ yếu tập trung ở nhóm nghiện chích ma túy. Hiện nay, xu hướng này đang thay đổi. Trong đó, 47% tập trung ở nhóm MSM”, đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết.
Theo các chuyên gia y tế, những trường hợp nhiễm mới có nguy cơ lây bệnh cao gấp 28 lần so với người mắc đã lâu. Nồng độ HIV trong máu cao, thì xác suất truyền sang người khác là rất cao. Do đó, cần khoanh vùng các khu vực có nhiều người nhiễm mới, ngăn chặn nguồn lây, đưa nồng độ HIV trong máu người bệnh về ngưỡng thấp. Đây là những biện pháp mới trong mở rộng xét nghiệm HIV.
Theo các chuyên gia y tế, dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới, nhất là nhóm thanh, thiếu niên trẻ, nhóm MSM. Trong khi đó, các can thiệp cho nhóm này rất khó khăn. Bởi, quần thể này ẩn, khó tiếp cận.
Ngoài ra, một số địa phương chưa phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Phần lớn địa phương chưa phê duyệt định mức chi, nên một số hoạt động sử dụng kinh phí địa phương khó triển khai.
Việc mua sắm, đầu thấu thuốc ARV, sinh phẩm xét nghiệm gặp nhiều vướng mắc. Do đó, xảy ra thiếu thuốc cục bộ và một số địa phương không có sinh phẩm để xét nghiệm.
TS Eric Dziuban, Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam, nhận định, Việt Nam có nhiều chương trình liên quan đến phòng chống HIV/AIDS và đạt được không ít thành tựu. Một trong số đó là chương trình prEp - dự phòng trước phơi nhiễm. Thành công khác trong quá trình phòng, chống HIV tại Việt Nam đó là điều trị tốt cho bệnh nhân HIV. Từ đó, giúp họ không truyền bệnh cho người khác.
“Trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát nhưng không khiến chương trình phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam dừng lại. Đặc biệt, việc bệnh nhân được nhận thuốc cả trong giai đoạn Covid-19 bùng phát là cách làm vô cùng hiệu quả. Bên cạnh đó, Việt Nam có chiến lược quốc gia trong điều trị HIV/AIDS. Mỗi một năm, chúng ta lại tạo ra những con số, mục tiêu cần đạt được”, ông Dziuban chia sẻ.
Theo TS Dziuban, để kết thúc dịch AIDS, Việt Nam có rất nhiều công cụ nhằm đạt được điều đó. Chúng ta có thể tăng cường tiếp cận với đối tượng đích, bao gồm quần thể MSM.
Qua đó, thực hiện chương trình phòng chống HIV/AIDS cho họ. Ngoài ra, Việt Nam cũng có tín hiệu về dữ liệu để xác định được tình trạng lây truyền HIV đang xảy ra nhanh chóng ở khu vực nào. Một công cụ khác là thuốc dùng một lần nhưng kéo dài thời gian.