Thời tiết ẩm và mưa phùn là điều kiện thuận lợi để nấm rừng phát triển và cũng là chu kỳ của các ca ngộ độc nấm nhập viện. So với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao.
Chuyện không mới
Theo BS Nguyễn Tiến Dũng, có rất nhiều loại nấm độc, mọc hoang dại có thể gây tổn thương gan và tử vong rất nhanh. Việc phân biệt giữa nấm độc và nấm không độc là rất khó, ngay cả các chuyên gia cũng khó có thể phân biệt nên cách tốt nhất là người dân không nên ăn nấm mọc hoang dại mà chỉ ăn những loại nấm có nguồn gốc rõ ràng.
Các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc thường xuyên xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lai Châu... và thường để lại hậu quả nặng nề. Có trường hợp trong một gia đình, cả gia đình bị ngộ độc và tử vong nhiều người.
BS Dũng phân tích, các loại nấm gây ngộ độc nặng có chất amatocxin, có thể khiến hơn 50% bệnh nhân tử vong. Tỉ lệ ca cấp cứu về nhiễm độc do ăn nấm dại chủ yếu ở đồng bào dân tộc sống tại các tỉnh như Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An…
Mặc dù, đến thời điểm này, Trung tâm chống độc chưa tiếp nhận bệnh nhân nào ngộ độc nấm, tuy nhiên, theo ghi nhận tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc, số lượng bệnh nhân ngộ độc nấm đã có và ngày càng nhiều.
Đơn cử như 4 nạn nhân ngộ độc vì ăn nấm ở huyện Kỳ Sơn đã được gia đình xin đưa về, hiện có 3 người đã tử vong. Trước đó, ông V. B. K (43 tuổi, ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn) đã hái nấm về ăn.
Sau khi ăn nấm, 4 người trong gia đình ông K đều có các triệu chứng bị ngộ độc như choáng, mệt mỏi, đau bụng, nôn, đi ngoài… Các nạn nhân nhanh chóng được gia đình đưa xuống bệnh viện huyện, tỉnh rồi chuyển lên Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Tuy nhiên, 4 người này bị ngộ độc quá nặng. Lúc nhập viện các bệnh nhân đều trong tình trạng suy gan, suy thận, rối loạn đông máu nên rất khó chữa trị.
Ghi nhận tại Trung tâm chống độc, trước đây cũng có gia đình ở Cao Bằng có 9 người bị ngộ độc nấm, trong đó có 8 người trong gia đình tử vong. Việc chữa trị ngộ độc này rất khó khăn, thời gian điều trị kéo dài, chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng…
Đừng chết vì thiếu hiểu biết
Thống kê của Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, số ca ngộ độc nấm ngày càng có chiều hướng gia tăng. Mỗi năm, trung bình có khoảng hơn 80 ca ngộ độc và tử vong.
Vài năm gần đây, khi mưa phùn nhiều vào mùa xuân, nấm dại mọc rất đẹp và ngon mắt nên người dân tại những vùng cao, vùng miền núi, nơi không thể tuyên truyền tới, lại ăn nấm trở lại. Số ca tử vong trong giai đoạn đó lại tăng trở lại vào khoảng 12 ca, có những gia đình tỉ lệ chết gần như cả gia đình.
ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, những loại nấm độc này thường rất đẹp mắt và rất khó có thể phân biệt được nấm độc với nấm không độc.
Do đó, theo ông Nguyên, không nên ăn nấm không rõ nguồn gốc, kể cả nấm khô ở miền núi. Thậm chí, theo ông Nguyên, ngay cả nấm dại mọc trong vườn cây ở khu vực đồng bằng cũng không nên ăn.
Theo các bác sĩ, so với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm nguy hiểm và dễ tử vong cao hơn rất nhiều do độc tố trong nấm cực mạnh. Hơn nữa, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thuốc giải độc đặc trị.
Hiện nay, bệnh nhân bị độc quá nặng, loại thuốc bảo vệ tế bào gan khỏi bị độc tố phá hủy lại thiếu trầm trọng. Vì thế, việc chữa trị ngộ độc này rất khó khăn, thời gian điều trị kéo dài, chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng….
Để nâng cao nhận thức của người dân, giảm số ca ngộ độc nấm, BS Nguyễn Trung Nguyên hướng dẫn người dân cách xử lý và dự phòng ngộ độc nấm:
“Những người ăn nấm độc sau đó khoảng 6 tiếng thường có triệu chứng đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng nhưng sau đó lại tự cầm được nên người dân thường chỉ uống thuốc qua loa và nghĩ rằng bệnh nhẹ.
Tuy nhiên, ngày hôm sau triệu chứng đó lặp lại với mức độ nghiêm trọng hơn và đi vào trạng thái hôn mê do tổn thương gan. Khi đó sẽ rất khó chữa và tỉ lệ tử vong rất cao”.