Cảnh báo biến chứng ở mắt và bàn chân khi mắc bệnh đái tháo đường

GD&TĐ - Đái tháo đường là một trong những bệnh có nhiều biến chứng nhất vì phạm vi tác động toàn thân và tiến triển lâu dài.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các biến chứng của bệnh đái tháo đường tác động lên nhiều cơ quan, nhất là mắt và bàn chân.

Có thể gây mù lòa

Để đề phòng các biến chứng từ bệnh đái tháo đường tốt nhất là phát hiện sớm và điều trị sớm bệnh đái tháo đường qua việc khám sức khỏe và xét nghiệm đường máu định kỳ (6 tháng một lần); khống chế một cách có hiệu quả lượng đường máu ở người mắc bệnh đái tháo đường, điều trị có theo dõi, kiểm soát của chuyên môn.

Thực hiện chế độ ăn phù hợp với bệnh lý như giảm lượng đường và tinh bột, tăng lượng đạm, rèn luyện thể lực, chống nguy cơ béo phì, hạn chế bia rượu, thuốc lá. Người bệnh đái tháo đường cần đi khám ngay nếu có biểu hiện nghi ngờ liên quan đến các biến chứng kể trên.

Bệnh đái tháo đường tiến triển lâu ngày có thể gây ra biến chứng mù lòa.

Người mắc bệnh đái tháo đường bị mù lòa là do tổn thương võng mạc, đục thủy tinh thể hay Glaucome (thiên đầu thống). Các thương tổn này làm giảm hay mất thị lực. Điều đó gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

- Đục thủy tinh thể: Người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ đục thủy tinh thể gấp 1,6 lần người bình thường. Sự đục thủy tinh thể làm cản trở ánh sáng đi qua mắt, nên gây giảm thị lực của bệnh nhân; gây cản trở việc thăm khám giác mạc. Do vậy rất khó phát hiện sớm bệnh lý ở bộ phận quan trọng này nên dễ dẫn đến mù lòa.

- Tổn thương võng mạc: Các mao mạch ở đáy mắt bị thương tổn do lượng đường trong máu cao, gây ảnh hưởng đến tính thấm của các mao mạch, làm cho dịch từ trong lòng mạch thoát ra ngoài gây nên hiện tượng phù nề và xuất huyết. Kết quả là võng mạc bị thiếu máu.

Bên cạnh đó, các mao mạch mới hình thành lan rộng vào cả trong khoang chứa dịch kính, làm cho dịch kính không còn trong suốt. Do vậy, ánh sáng đi qua khó khăn, nên nhìn mọi vật bị mờ. Các mạch máu mới cũng gây ra sự sẹo xơ võng mạc và co rút gây bong tróc võng mạc làm cho mắt nhìn mờ hoặc không nhìn thấy được.

Nói chung, các bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường có biểu hiện nhìn mờ rất dễ dẫn đến mù lòa vì sự thương tổn không hồi phục của võng mạc mắt. Cho nên bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần.

- Bệnh Glaucome: Tỉ lệ mắc bệnh Glaucome của bệnh nhân đái tháo đường là 1,4% so với người bình thường. Nguy cơ này ngày càng gia tăng theo tuổi tác. Bệnh Glaucome có thể xảy ra ở một hay cả hai mắt, với biểu hiện thường gặp là đau hốc mắt dữ dội và nhức đầu nhiều. Đi khám mắt đo nhãn áp thường rất cao.

Cách đề phòng các biến chứng về mắt ở người mắc bệnh đái tháo đường là làm sao giữ lượng đường máu của bệnh nhân ở mức ổn định trong vùng an toàn qua việc xét nghiệm định kỳ và dùng thuốc hay chế độ ăn tiết thực.

Nếu có bệnh tăng huyết áp đi kèm thì phải khống chế huyết áp dưới mức 130/80 mmHg. Nếu nghiện hút thuốc lá cần phải bỏ ngay. Khám chuyên khoa mắt thường xuyên hay định kỳ mỗi 6 tháng một lần. Khi có bất kỳ dấu hiệu khác lạ nào ở mắt cũng đều phải tham vấn bác sĩ chuyên khoa mắt.

Biến chứng bàn chân

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Ngày nay, bệnh đái tháo đường có vẻ như mỗi lúc một trở nên phổ biến. Thật ra, “bản thân” bệnh đái tháo đường không đáng sợ bằng các biến chứng của nó. Ngoài các biến chứng mạch máu, thần kinh, gan, thận... biến chứng ở chi, đặc biệt là chi dưới thường gặp nhất.

Do các tổn thương về mạch máu và thần kinh nên người bệnh có cảm giác tê bì, thậm chí mất cảm giác ở các chi. Do mất cảm giác nên khi tiếp xúc với nhiệt độ nóng lạnh và thậm chí khi da bị cắt đứt người bệnh vẫn không biết cho đến khi nhìn thấy một vết loét nhiễm trùng ở lòng bàn chân.

Vết thương ở người bệnh đái tháo đường thường dai dẳng, điều trị khó lành do tình trạng nhiễm khuẩn được nuôi dưỡng bởi môi trường đường thích hợp cho sự phát triển và xâm nhập của tác nhân gây bệnh.

Để hạn chế các biến chứng xảy ra ở người bệnh đái tháo đường không gì khác hơn là giữ lượng đường máu ở mức ổn định bình thường nhờ sử dụng thuốc, tiết thực và rèn luyện. Riêng bàn chân cần được chăm sóc như sau:

- Vệ sinh và kiểm tra bàn chân: Giữ cho bàn chân luôn sạch sẽ và mềm mại bằng cách rửa chân bằng nước ấm. Sử dụng xà phòng thích hợp không gây dị ứng hay kích ứng da.

Sau rửa lau khô bàn chân và các kẻ ngón chân bằng khăn mềm. Có thể thoa kem dưỡng da làm mềm da. Lưu ý khu vực da dày như vùng gót chân. Thường xuyên cắt móng chân, không để móng chân dài gây trầy xước hay mọc đâm vào da gây thương tổn da.

Việc kiểm tra được thực hiện hàng ngày khi vệ sinh bàn chân. Quan sát các biến đổi bất thường có thể xảy ra như vết thâm tím, vết trầy xước, mụn nước hoặc chảy máu. Tham vấn bác sĩ điều trị khi thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào xảy ra.

- Rèn luyện và bảo vệ bàn chân: Đi bộ hoặc vận động chi dưới tại chỗ bằng các động tác thể dục sẽ giúp cho máu lưu thông tốt đến khu vực bàn chân. Giữ không để cho bàn chân bị lạnh quá hoặc nóng quá, không bị các tác động cơ học làm thương tổn bằng cách chân luôn đi giày thấp có tất mềm để tránh ma sát và va chạm gây thương tổn. Giày và tất của người bệnh thường rộng hơn bình thường để giúp máu lưu thông tốt.

Nicotin trong thuốc lá gây co mạch nên ảnh hưởng không tốt đến sự lưu thông của máu. Do vậy, người bệnh cũng phải nói lời từ biệt thuốc lá và nếu có thói quen nhai trầu thì cũng tập làm quen với việc nhai trầu thiếu... thuốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.