Cụ ông mất nửa bàn chân do chủ quan với đái tháo đường

GD&TĐ -  Cụ ông H.H.R. (85 tuổi) vào Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng nửa bàn chân trái hoại tử tím đen, chảy dịch, bốc mùi...

Cụ ông mất nửa bàn chân do chủ quan với đái tháo đường

Thông tin từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, cơ sở y tế này vừa tiếp nhận và điều trị trường hợp bệnh nhân 85 tuổi mắc biến chứng vì chủ quan với bệnh Đái tháo đường.

Cụ thể, BS.Ngô Đức Lộc - người trực tiếp thăm khám và điều trị bệnh nhân cho biết: "Người bệnh bị nhiễm trùng hoại tử bàn chân do hẹp tắc mạch chi dưới trên nền bệnh lý đái tháo đường tuýp 2.

Khi tiến hành thăm khám, nhận thấy tổn thương ở bàn chân không có khả năng bảo tồn nên bác sĩ phải chỉ định tháo bỏ nửa bàn chân để tránh nguy cơ nhiễm trùng lan rộng, bảo toàn tính mạng cho người bệnh.

Đáng nói hơn, khai thác tiền sử cho thấy, khoảng 5 tháng gần đây, người bệnh có biểu hiện đau tê bàn chân, đau tăng nhiều khi vận động. Và sau đó xuất hiện tím đầu ngón chân, mất cảm giác, chảy dịch đục và bốc mùi hôi. Thế nhưng, bệnh nhân không đi khám mà tự dùng thuốc và thay băng tại nhà nhưng không thuyên giảm mới đến viện".

Các bác sĩ bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: BVCC.
Các bác sĩ bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: BVCC.

BS.Ngô Đức Lộc chia sẻ thêm: "Qua trường hợp nói trên, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân, đối với những người bệnh mắc bệnh đái tháo đường dễ bị xơ vữa động mạch, các mạch máu bị hẹp hoặc tắc sẽ làm giảm lượng máu đến bàn chân làm các vết loét lâu lành.

Trường hợp bị tắc hoàn toàn động mạch, bàn chân và các ngón chân có thể bị hoại tử toàn bộ. Nếu không được xử trí đúng cách thì việc buộc phải tháo bỏ các đốt ngón chân, ngón tay, cắt bàn chân để tránh nhiễm trùng lan rộng là không thể tránh khỏi. Như trường hợp của người bệnh R., nếu được điều trị sớm và đúng cách sẽ tránh cho người bệnh phải tháo bỏ bàn chân, thương tật suốt đời".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ