Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 24-2 đến 3-3), trên địa bàn thành phố ghi nhận 10 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 54,5% so với tuần trước đó, không có ổ dịch mới.
Về các dịch bệnh khác, trong tuần qua, tại Hà Nội có thêm 24 ca mắc tay chân miệng, giảm 32% so với tuần trước đó, nâng tổng số mắc từ đầu năm đến nay lên 80 ca. Hiện chưa ghi nhận bệnh nhân mắc sởi, ho gà…
Đáng chú ý, theo báo cáo của huyện Chương Mỹ (Hà Nội), trên địa bàn huyện vừa ghi nhận một ổ dịch thủy đậu ở Trường Tiểu học Văn Võ với 12 ca mắc và ổ dịch tại Trường mầm non Đồng Lạc với 22 ca mắc. Cộng dồn từ đầu năm đến nay toàn huyện đã có 129 ca mắc thủy đậu.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), thủy đậu là bệnh do virus Varicella-zoster gây ra, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh dễ lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với nguồn bệnh như: nói chuyện, hắt hơi, sổ mũi, ho,… có thể lây qua việc dùng chung đồ sinh hoạt hàng ngày với người bệnh.
Thời điểm từ tháng 2 đến tháng 6, đặc biệt là tháng 3 và tháng 4 trong năm là khoảng thời gian độ ẩm trong không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán và lây bệnh thủy đậu.
Các triệu chứng xuất hiện từ 7 - 21 ngày sau khi nhiễm virus, bao gồm sốt nhẹ, sổ mũi, ho nhẹ, đau đầu, mệt mỏi và chán ăn. Những chấm đỏ sẽ xuất hiện trên cơ thể trong 2-3 ngày rồi trở thành mẩn ngứa, từ đó hình thành nên những chỗ rộp dần dần khô và đóng vảy từ 4-5 ngày. Miệng, tai và mắt cũng có thể xuất hiện những nốt mụn nước và vết loét.
Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh, những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày để tránh lây lan.
Người dân cần chú ý thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. Cùng đó thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.