Phòng bệnh về da ở trẻ vào mùa đông

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tại miền Bắc, không khí lạnh khô mang đến trạng thái thời tiết ngày nắng, đêm sương. Độ ẩm giảm thấp xuống dưới 50% ở Đông Bắc Bộ.

Các phụ huynh không nên tự ý bôi những sản phẩm thiên nhiên lên làn da của bé. Ảnh minh họa
Các phụ huynh không nên tự ý bôi những sản phẩm thiên nhiên lên làn da của bé. Ảnh minh họa

Tiết trời rét và hanh khô kéo dài dễ dẫn đến các bệnh về da và hô hấp. Đặc biệt, không khí hanh khô, độ ẩm giảm ảnh hưởng trực tiếp tới làn da của trẻ.

Khả năng da giữ nước kém

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, da trẻ em có khả năng giữ nước rất kém nên dễ mất nước và viêm da. Với da khô/viêm da tiết bã, dưỡng ẩm là yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần tìm nguyên nhân viêm da của trẻ.

Nguyên nhân thường gặp nhất là do nhiệt độ môi trường có độ ẩm thấp, khô, viêm da tiết bã do bôi những sản phẩm không phù hợp da, làm tổn thương da hay không tạo được độ ẩm bảo vệ…

Với trẻ bị da khô, cha mẹ nên cho con sử dụng sữa tắm dành cho em bé có độ pH trung tính... Nếu da còn khô, phải kết hợp dưỡng ẩm bằng các sản phẩm của bé, bôi mỗi ngày từ 4 - 6 lần. Có thể bôi mỗi khi da khô. Do khả năng giữ ẩm của da trẻ chưa hoàn thiện, nên trẻ thường bị khô da. Vì vậy, chú trọng dưỡng ẩm cho trẻ là điều cần thiết.

Trong khi đó, theo BSCKI Dương Ngọc Vân - Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, làn da của trẻ sơ sinh thường có dấu hiệu khô, ửng đỏ và dễ nứt nẻ hơn so với các em bé lớn. Khi còn ở trong bụng mẹ, thai nhi được bao bởi một lớp vernix caseosa.

Lớp này có tác dụng dưỡng da tốt, giúp làn da mịn màng. Sau khi chào đời, lớp dưỡng chất này không còn. Do đó, làn da của trẻ sơ sinh dễ thô ráp, ửng đỏ, nhất là khi tiếp xúc với điều kiện thời tiết khô.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của điều kiện khí hậu khô hanh ở Việt Nam nên nhiều trẻ bị da khô, đặc biệt vào những ngày đông, nhiệt độ giảm thấp của miền Bắc. Chính vì thế, các phụ huynh cần quan tâm chăm sóc da cho bé trong những ngày thời tiết hanh khô.

“Trên thực tế, làn da khô có thể là biểu hiện của một số vấn đề da liễu, cụ thể là bệnh viêm da dị ứng. Đây là một trong những vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ, chúng còn được biết đến với tên gọi khác là bệnh chàm.

Ngoài ra, tình trạng trẻ bị khô da có thể xuất hiện do bệnh vảy da - một dạng bệnh di truyền khá phổ biến. Lúc này, cha mẹ nên chủ động theo dõi và chăm sóc da cho bé. Nếu tình trạng không giảm, chúng ta cần đưa bé đi khám và điều trị”, bác sĩ Vân khuyến cáo.

Cách chăm sóc khác nhau

Sau khi xác định được nguyên nhân khiến da trẻ bị khô, các phụ huynh nên quan tâm tới việc chăm sóc da của bé để cải thiện triệu chứng khó chịu. Tùy từng trường hợp, cần có những cách chăm sóc, xử lý khác nhau.

Đối với tình trạng khô da mức độ nhẹ, cha mẹ nên ưu tiên tự điều trị tại nhà cho bé. Trong trường hợp làn da quá khô, nứt nẻ hoặc chảy máu nghiêm trọng, cha mẹ cần đưa con tới các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị kịp thời.

“Đối với trẻ có làn da thô ráp, chúng ta nên bổ sung nhiều nước cho bé. Có thể xen kẽ cho trẻ bú sữa mẹ và uống nước. Nhờ vậy, làn da được cung cấp độ ẩm tự nhiên, hạn chế tình trạng thô ráp, nứt nẻ hoặc da ửng đỏ. Đây là cách khá đơn giản các phụ huynh đều có thể áp dụng nhằm cải thiện làn da của trẻ”, bác sĩ Vân chia sẻ.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên chọn mua các sản phẩm sữa tắm có thành phần dưỡng ẩm, phù hợp với trẻ bị da khô. Đồng thời, kết hợp sử dụng kem dưỡng cho bé. Một lưu ý đó là các sản phẩm dưỡng da này nên sở hữu bảng thành phần lành tính, thiên về dưỡng ẩm và dành riêng cho trẻ.

Tốt nhất các phụ huynh không nên tự ý bôi những sản phẩm thiên nhiên lên làn da của bé. Bởi, các sản phẩm này có thể không đảm bảo vệ sinh hoặc không đem lại hiệu quả tốt trên làn da nhạy cảm của trẻ.

Việc sử dụng máy cấp ẩm không khí cũng đem lại lợi ích cho làn da, đặc biệt là trong những ngày thời tiết hanh khô. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ chỉ nên cho trẻ sử dụng máy cấp ẩm vài tiếng đồng hồ. Song, không nên lạm dụng sản phẩm này, tránh làm giảm chất lượng không khí.

Với trẻ bị da khô, cha mẹ tuyệt đối không cho bé tắm nước nóng. Bởi, chúng là nguyên nhân khiến làn da mất độ ẩm tự nhiên. Do đó, cha mẹ cần cho bé tắm với nước ấm khoảng 38 độ C và tắm cho con trước 4 rưỡi chiều. Ngoài ra, mọi người không nên để trẻ tắm quá nhiều lần trong ngày, hoặc quá lâu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đoàn cựu TNXP Thanh Hóa chụp hình kỷ niệm ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Nguyễn Minh Khiêm

Niềm tự hào thức dậy

GD&TĐ - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Thanh Hóa tổ chức cho hội viên một chuyến về nguồn.