Cẩn trọng trước chiêu trò lừa đảo sinh viên tại Mỹ

GD&TĐ - Trong giai đoạn khó khăn vì Covid-19, nhiều đối tượng bất lương đã lợi dụng sơ hở của sinh viên bản địa, du học sinh Mỹ khiến các em mất tiền oan.

Tin tặc có thể lấy cắp thông tin ngân hàng qua kết nối Wifi miễn phí.
Tin tặc có thể lấy cắp thông tin ngân hàng qua kết nối Wifi miễn phí.

Giao việc không thể hoàn thành, yêu cầu nộp tiền ứng tạm thời… là chiêu trò phổ biến của nhóm lừa đảo.

Học bổng và hỗ trợ tài chính

Tại các trường đại học Mỹ, việc giành được học bổng là tương đối khó khăn. Điều này không chỉ đòi hỏi sinh viên chăm chỉ học tập mà còn cần các yếu tố như điểm chuyên cần, thành tích ngoại khóa. Ngoài ra, cơ hội nhận hỗ trợ tài chính cũng không nhiều.

Hiểu được những khó khăn của việc giành học bổng và hỗ trợ tài chính, nhiều nhóm lừa đảo đã đánh vào tâm lý của du học sinh, những người vẫn còn lạ lẫm với môi trường giáo dục đại học tại Mỹ.

Nhóm này thường cam kết sẽ giúp du học sinh nhận được học bổng, hỗ trợ tài chính nhanh nhất nhưng phải đóng phí dịch vụ rất cao. Thực tế, thủ tục xin học bổng và hỗ trợ tài chính có sẵn trên nhiều nguồn và hoàn toàn miễn phí.

Tránh xa các trò gian lận bằng cách điền đơn xin hỗ trợ tài chính trên trang web chính thức của FAFSA (trợ giúp tài chính từ chính phủ cho sinh viên các trường ĐH, CĐ là người quốc tịch Mỹ hoặc có thẻ xanh tại Mỹ): https://studentaid.gov/.

Nếu xin học bổng du học, sinh viên nên thống kê để theo dõi những chương trình đã đăng ký. Các em không nên cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, trừ khi liên lạc với những tổ chức uy tín.

Việc làm thêm

Sau khi đến Mỹ, du học sinh thường tìm kiếm những công việc bán thời gian có tính linh hoạt, mức lương phải chăng. Nhưng những công việc có điều kiện quá tốt thường cần phải cân nhắc, kiểm tra kĩ. Các nhóm lừa đảo có thể lập trang web, địa chỉ email giả mạo để lừa sinh viên chuyển tiền hoặc lấy thông tin ngân hàng.

Họ có thể giao việc quá khó, không thể hoàn thành dẫn đến bị trừ lương. Nếu bất kỳ công việc nào yêu cầu phải tạm ứng tiền hoặc cần đầy đủ thông tin cá nhân trước khi gặp mặt chính thức, các bạn không nên tham gia.

Để bảo vệ bản thân, sinh viên cần nghiên cứu kỹ lưỡng nơi làm việc trước khi nộp đơn ứng tuyển và cung cấp các thông tin cá nhân quan trọng. Hãy tìm kiếm tên công ty trên Internet, trên ứng dụng việc làm Linkedin để xác thực. Sinh viên có thể tìm tên công ty cùng từ khoá “scam” (lừa đảo), “fake” (giả mạo) hoặc tìm việc làm trên những trang web uy tín.

Khoản vay sinh viên

Khi săn học bổng trên Internet, du học sinh nên kiểm tra trang web có đáng tin cậy hay không. Các trang web gian lận thường yêu cầu các em điền chi tiết thông tin cá nhân để bày trò lừa đảo trong tương lai. Ngoài ra, hãy cảnh giác khi cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng.

Khoản vay sinh viên là một trong những dự án hỗ trợ sinh viên lớn nhất của Bộ Giáo dục Mỹ, được phối hợp tổ chức cùng chính quyền liên bang. Khi đăng ký thủ tục nhận khoản hỗ trợ này, sinh viên sẽ không mất phí nên những tổ chức, cá nhân yêu cầu thu phí để lừa đảo.

Nhiều nhóm lừa đảo còn ngon ngọt nói rằng khi đăng ký qua bên họ, sinh viên có thể được giảm các khoản thanh toán hàng tháng.

Khi đăng ký nhận khoản vay, sinh viên hãy theo dõi các trang web do chính quyền liên bang quản lý. Đặc biệt, không tiết lộ ID, mật khẩu tài khoản sinh viên và không trả bất kỳ khoản tiền nào để làm thủ tục đăng ký.

Nhà ở

Tại Mỹ, việc tìm nhà trọ ngoài khuôn viên trường có giá cả phải chăng thường rất khó khăn. Một số nhóm lừa đảo chào mời cho thuê các căn hộ giá rẻ, tiện nghi nhằm lấy cắp tiền và thông tin cá nhân của du học sinh. Họ có thể thuyết phục các em trả tiền đặt cọc cho một ngôi nhà ma.

Vì vậy, du học sinh tuyệt đối không nên trả tiền thuê hoặc đặt cọc khi chưa được tham quan căn hộ. Các em có thể tìm kiếm địa chỉ ngôi nhà trên Internet hoặc đến tận nơi kiểm tra trước khi thực hiện giao dịch.

Sách giáo trình & Wifi

Sách giáo trình đại học rất đắt và giá có thể tăng theo từng học kỳ. Nhiều sinh viên cố gắng cắt giảm chi phí bằng cách mua sách giáo trình cũ hoặc trang web bán sách có giá rẻ hơn thư viện nhà trường. Lợi dụng tâm lý này, nhiều kẻ lừa đảo đã lập trang web bán sách giả mạo.

Dù đã thanh toán, sinh viên sẽ không bao giờ nhận được sách như mong muốn. Ngoài ra, sinh viên cũng nên cẩn thận với sách giáo trình bản điện tử. Nếu mua sách điện tử, các em có thể chọn nhầm sách giả hoặc tải virus độc hại về máy tính.

Cách tốt nhất để tránh lừa đảo là mua sách giáo trình thông qua thư viện hoặc công ty xuất bản. Nhiều trường đại học cũng bán sách cũ với chi phí thấp cho tân sinh viên. Các em cũng có thể mượn sách trong thư viện.

Sinh viên thường muốn làm bài tập về nhà tại các điểm wifi công cộng, miễn phí. Nhưng tin tặc có thể lợi dụng lỗ hổng bảo mật tại các khu vực wifi công cộng để trích xuất thông tin cá nhân, tài chính hoặc ngân hàng của du học sinh.

Do vậy, khi sử dụng wifi công cộng, không bảo mật, sinh viên không nên truy cập vào tài khoản ngân hàng hoặc thông tin khoản vay sinh viên. Không sử dụng thẻ tín dụng, mua hàng qua wifi công cộng. Hãy tìm những điểm phát wifi được bảo vệ bằng mật khẩu và luôn kiểm tra kỹ kết nối trước khi sử dụng.

Theo Best Colleges

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.