Nhận xét về quyết định này của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Phạm Tiết Khánh – Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh - cho rằng: Kỳ thi THPT quốc gia cần có tính ổn định, chính vì thế việc Bộ đưa ra quyết định việc thi và tuyển sinh ổn định bền vững là điều mà các thầy cô giáo, học sinh đều mong chờ và hoan nghênh.
Sự ổn định cần thiết
Thưa ông, Bộ GD&ĐT vừa công bố phương án thi THPT quốc gia 2018 và những năm tiếp theo. Là hiệu trưởng một trường đại học địa phương lớn, đa dạng về văn hóa, dân tộc, vậy ông nhận xét về những thông tin được đưa ra thế nào?
PGS.TS Phạm Tiết Khánh: Như chúng ta biết, từ năm 2015, Bộ chấm dứt kỳ thi “3 chung” và thực hiện đổi mới phương thức thi, tuyển sinh theo hướng chỉ tổ chức duy nhất Kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa để tuyển sinh ĐH, CĐ. Từ năm 2015 - 2017, mỗi năm Bộ GD&ĐT tổ chức thông báo phương án một lần vào đầu năm học, học sinh, nhà trường đều chờ đợi quyết định của Bộ với đầy tâm trạng.
Thế nên, việc Bộ GD&ĐT chính thức công bố phương thức thi, tuyển sinh cho 3 năm và định hướng cho những năm tiếp theo một cách ổn định lâu dài là điều mong chờ của thí sinh và nhà trường. Vì chắc chắn việc thông báo phương thức tổ chức thi, tuyển sinh cho cả giai đoạn 2018 - 2020 ổn định như vậy sẽ giúp cho học sinh và các nhà trường có thể yên tâm lên kế hoạch dạy, học cho phù hợp nhất.
Có thể nói, 3 năm qua, việc đổi mới thi, tuyển sinh về cơ bản đã đạt được những mục tiêu nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn có những lo lắng khác. Vậy quan điểm của ông về việc tổ chức kỳ thi này thế nào?
PGS.TS Phạm Tiết Khánh: Điều cần nhấn mạnh đầu tiên là việc đổi mới thi, tuyển sinh là theo tinh thần Nghị quyết 29 của BCH Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Khách quan mà nói, 3 năm qua những đổi mới thi tuyển sinh đã đem lại nhiều giá trị tích cực, đặc biệt năm 2017 vừa qua, kỳ thi đã được đánh giá là thực sự nhẹ nhàng, tiết kiệm lớn cho xã hội.
Còn với phương án thi tuyển sinh mới được Bộ công bố, tôi thấy thế là đầy đủ, đáp ứng được các tiêu chí của một kỳ thi nhằm đánh giá năng lực thí sinh, có tính ổn định lâu dài. Cụ thể như trong phương án của Bộ đưa ra là trong những năm tới, phương thức thi, tuyển sinh cơ bản giữ ổn định với những điều chỉnh về mặt kỹ thuật để hoàn thiện thêm về mặt tổ chức và cải thiện thêm chất lượng kỳ thi.
Xã hội, người học yên tâm vào phương án thi
Từ thực tế Đại học Trà Vinh, việc xét tuyển sinh bằng kết quả thi THPT quốc gia, theo ông phương án thi và xét tuyển ĐH, CĐ đưa ra như vậy đã ổn thỏa chưa?
PGS.TS Phạm Tiết Khánh: Theo Luật Giáo dục hiện hành, học sinh học xong chương trình giáo dục phổ thông phải qua kỳ thi mới được xét công nhận tốt nghiệp THPT. Còn công tác tuyển sinh ĐH, CĐ là do các trường thực hiện theo quyền tự chủ mà Luật GDĐH quy định. Vấn đề là các trường vẫn muốn Bộ đứng ra tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả đó làm căn cứ xét tuyển cho mình.
Thực tế cho thấy, sau 3 năm qua Kỳ thi THPT quốc gia được Bộ GD&ĐT tổ chức đã ngày một hoàn thiện đáp ứng đầy đủ các yêu cầu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Kỳ thi đã thực sự giúp các trường ĐH, CĐ tin cậy để lấy kết quả thi trong thực hiện xét tuyển. Trường Đại học Trà Vinh có sinh viên nhiều tỉnh, thành, nhiều nhất là Tây Nam Bộ, trong đó có đông đồng bào Khmer, việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia với mục đích vừa xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH, CĐ như năm vừa qua đã thực sự giảm áp lực đối với gia đình các em; Trường cũng hết sức thuận lợi khi sử dụng kết quả thi để xét tuyển sinh.
Với phương thức tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 và những năm tiếp sau được Bộ công bố, tôi cho là đã hoàn thiện, đáp ứng căn bản các yếu tố cần thiết trong việc đánh giá năng lực thí sinh thông qua kỳ thi với yêu cầu xét tuyển của từng trường. Phương án đã thực sự kế thừa được những mục tiêu cơ bản của những năm trước, đặc biệt là thành công của năm 2017. Tôi tin rằng xã hội, các nhà trường và học sinh sẽ yên tâm với phương án có tính ổn định lâu dài này.
Nhiều yếu tố kỹ thuật của phương án thi được đưa ra, theo ông đã đáp ứng đầy đủ để kỳ thi ổn định trong 3 năm tới nhưng vẫn đảm bảo chất lượng?
PGS.TS Phạm Tiết Khánh: Điều mà người học và xã hội mong mỏi nhất là tính ổn định của kỳ thi. Phương án được Bộ đưa ra đã khẳng định rõ, trong giai đoạn 2018 - 2020 việc tổ chức thi các bài thi, môn thi sẽ không thay đổi so với năm 2017. Tuy nhiên, Bộ vẫn lưu tâm để kỳ thi đạt chất lượng cao hơn, đó là tăng cường các giải pháp kỹ thuật, ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được hoàn thiện hơn, cũng như việc bổ sung và công nghệ thông tin được ứng dụng phổ biến hơn trong việc tổ chức kỳ thi.
Xin cám ơn ông!
“Một số điều chỉnh kỹ thuật khác tôi cho rằng cũng hết sức hợp lý, đó là: Bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, nội dung thi ngoài chương trình lớp 12 còn có phần liên quan lớp 11 (đối với kỳ thi năm 2018) và liên quan đến cả chương trình THPT (đối với kỳ thi năm 2019). Những thông tin này đều được công bố sớm nên thí sinh và nhà trường đều đã biết và đã có sự chuẩn bị. Hay như việc các bài thi tổ hợp vẫn được chấm điểm từng môn thi thành phần nhưng Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thi các bài thi này phù hợp hơn”. PGS.TS Phạm Tiết Khánh