Theo Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ, kể từ 00 giờ ngày 27/10, các bến khách ngang sông liên tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long, vượt sông Hậu được phép hoạt động trở lại với tần suất bình thường.
Trừ bến khách ngang sông Cồn Khương - Bình Tân tiếp tục dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới, do đã hết thời gian đấu thầu khai thác bến.
Sở GTVT yêu cầu các chủ bến khách ngang sông, thuyền viên, người phục vụ trên phương tiện và hành khách phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch Covid-19 theo quy định.
Khi các địa phương có thay đổi cấp độ dịch lên cấp độ 3, cấp độ 4, Sở GTVT hai tỉnh đối lưu sẽ trao đổi thống nhất để quy định cụ thể về hoạt động của bên khách ngang sông liên tỉnh.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Văn On - Giám đốc HTX vận tải thuỷ bộ Bình An cho biết: "Sau 4 tháng tạm ngưng hoạt động để bảo đảm công tác phòng chống dịch của địa phương, nay hoạt động trở lại anh em lao động và cả người sử dụng lao động rất vui mừng.
Tuy nhiên cũng có phần lo lắng nếu không thực hiện tốt công tác phòng dịch, đặc biệt là 5K thì sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng dịch của thành phố.
Do đó, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở anh em lao động cố gắng làm nhưng phải đảm bảo công tác phòng dịch, thực hiện nghiêm 5k. Hiện người lao động tham gia vận hành bến tàu đã được tiêm đầy đủ vắc xin”.
Theo ông On, hôm nay ngày đầu tiên chạy, số lượng hành khách chỉ đạt khoảng 40% so với trước dịch nên tần suất hoạt động tàu trong sáng nay là 30 phút/chuyến. Tại bến phà Cô Bắc - Tân Quới chủ yếu phục vụ cho công nhân, người làm việc ở khu chế xuất và cơ quan nhà nước.
Anh Võ Trung Tín, ngụ tại quận Bình Thuỷ (TP Cần Thơ) phấn khởi cho biết nếu không có bến đò này thì việc di chuyển qua lại gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là phải di chuyển hàng chục km từ nhà đến công trình đang dang dở ở Vĩnh long.
Không riêng anh Tín, ông Đặng Công Chức ngụ tại Vĩnh Long chia sẻ: "Tôi hay di chuyển từ Vĩnh Long qua Cần Thơ để lấy hàng hoá, tôi rất vui khi hay tin bến phà hoạt động trở lại giúp tôi thuận tiện trong việc qua lại Cần Thơ - Vĩnh Long".