Tuyển sinh đại học năm 2025: Có nên bỏ xét tuyển sớm?

GD&TĐ - Nhiều chuyên gia đề xuất bỏ việc xét tuyển sớm trong tuyển sinh đại học từ năm 2025 bởi thiếu công bằng giữa các thí sinh và các trường đại học.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: Mạnh Tùng
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: Mạnh Tùng

Tuy nhiên, phương thức này cũng giúp nhiều trường chủ động hơn trong công tác tuyển sinh, thí sinh có thêm lựa chọn và cơ hội vào đại học. Vậy hướng đi nào là phù hợp?

Tạo ra bất công?

Tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 9/8, PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) nêu ý kiến đáng chú ý về việc kiến nghị xem xét bỏ phương thức tuyển sinh sớm, xét tuyển sớm. Ông Phúc cho rằng, hiện nay nhiều trường đại học xét tuyển sớm khi học sinh vẫn chưa hoàn thành chương trình học cấp THPT. Sau đó, một số cán bộ tư vấn thí sinh đặt nguyện vọng đỗ sớm lên đầu khi đăng ký xét tuyển chung.

“Dù biết như vậy là không đúng nhưng họ vẫn tư vấn cho thí sinh, dẫn đến thiếu công bằng, làm mất cơ hội của thí sinh”, ông Phúc nói. Việc các trường đưa ra nhiều phương thức xét tuyển rồi chia tỷ lệ phần trăm khác nhau cho từng phương thức là không có cơ sở, gây mất công bằng cho thí sinh xét tuyển ở các phương thức khác nhau.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy cho biết: Năm 2024, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT trên cả nước là 1.071.393. Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT ghi nhận tổng số hơn 733.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Tỷ lệ tuyển sinh đại học chính quy đạt 82,9%, tỷ lệ tuyển sinh thạc sĩ đạt 56,89%, tỷ lệ tuyển sinh tiến sĩ đạt 47,16%.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho biết, từ năm 2022, trường này xét tổng hợp nhiều tiêu chí gồm điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực, thành tích học tập, hoạt động xã hội, văn thể mỹ… Kết quả cho thấy, phương án tổng hợp này đã tạo ra sự thuận tiện, công bằng cho thí sinh và hiệu quả trong công tác xét tuyển.

Nếu như trước đó, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường là 8.500, thì năm nay, con số đã tăng lên 17.200. Hiệu quả của phương án xét tuyển đã giúp thu hút nhiều hơn số lượng thí sinh đăng ký vào trường.

Báo cáo kết quả giáo dục đại học, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, công tác tuyển sinh ngày càng đảm bảo khách quan, công bằng, bình đẳng, thuận tiện hơn cho cả cơ sở đào tạo và thí sinh, giúp tiết kiệm nguồn lực xã hội, đồng thời góp phần đánh giá đúng năng lực của thí sinh vào các ngành đào tạo, ngày càng minh bạch hơn về nguồn tuyển và chất lượng nguồn tuyển.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng nhìn nhận, việc các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức cũng gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn. Phương thức xét tuyển sớm và sự công bằng, khách quan giữa các phương thức xét tuyển, giữa các cơ sở đào tạo vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục trong mùa tuyển sinh năm 2023.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông (Trường Đại học Công Thương TPHCM) cho rằng, hiện tượng mất công bằng trong việc xét tuyển sớm tồn tại ở một mức độ nhất định. Theo đó, ở các vùng miền khó khăn, đặc biệt là ở nông thôn hay miền núi, thí sinh thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin tuyển sinh do hạn chế về hạ tầng công nghệ và điều kiện kinh tế.

Những thí sinh này cũng có ít cơ hội tham gia các khóa học ôn luyện, tư vấn tuyển sinh chuyên nghiệp so với các thí sinh ở thành phố lớn. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu chuẩn bị cho việc đăng ký xét tuyển, làm giảm cơ hội trúng tuyển.

“Ngoài ra, giữa các cơ sở giáo dục đại học cũng tồn tại sự chênh lệch trong việc áp dụng các phương thức tuyển sinh. Một số trường có thương hiệu mạnh hoặc tập trung ở các thành phố lớn có xu hướng thu hút được nhiều hồ sơ xét tuyển hơn nhờ có nhiều thông tin quảng bá và các chương trình tư vấn tuyển sinh rộng rãi.

Điều này có thể tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường, đặc biệt với các trường đại học ở tỉnh. Những trường có nguồn lực yếu hơn gặp khó khăn hơn trong việc thu hút thí sinh dù chất lượng đào tạo không hề kém”, ông Sơn nhận định.

Co nen bo xet tuyen som (2).jpg
Thí sinh tại TPHCM dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Thái Khang

Hiệu quả của xét tuyển sớm

Tuy nhiên, đại diện nhiều trường đại học vẫn cho rằng, phương thức xét tuyển sớm vẫn mang đến những hiệu quả nhất định trong công tác tuyển sinh. PGS.TS Nguyễn Văn Thụy - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông (Trường Đại học Ngân hàng TPHCM) dẫn quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (Thông tư 08/2022/TT ban hành ngày 6/6/2022) của Bộ GD&ĐT đã quy định rõ trong điều 4:

“Nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh đảm bảo: Công bằng với thí sinh, Bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và Minh bạch với xã hội”. Ngoài ra, điều 7 của thông tư này cũng quy định chính sách ưu tiên theo khu vực học tập, đối tượng chính sách… Do vậy, văn bản đã đảm bảo tính công bằng giữa các thí sinh.

Bên cạnh đó, thông tư cũng cho phép các cơ sở giáo dục được tự quyết định phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp). Điều này đảm bảo nhiều cơ hội học tập và lựa chọn trường, ngành đối với thí sinh muốn theo học ngành nghề mong muốn.

PGS.TS Nguyễn Văn Thụy dẫn số liệu tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh giai đoạn 2015 - 2023, triển khai công tác tuyển sinh năm 2024 - 2025 (diễn ra tháng 3/2024): Đối với vấn đề xét tuyển sớm, năm 2023, số cơ sở đào tạo xét tuyển sớm là 214/322. Số thí sinh trúng tuyển sớm 375.517 trên số nguyện vọng trúng tuyển sớm 1.268.232. Số thí sinh trúng tuyển sớm sau lọc ảo 301.849. Năm 2023, xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm cao nhất 49,45%.

Tiếp theo là phương thức xét kết quả học tập bậc THPT 30,24%; thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy 2,57%. Các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) chiếm 14,10%. Do vậy, phương thức xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm tỷ trọng gần 50%. Trong khi đó, nhiều thí sinh đã trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm vẫn có cơ hội lựa chọn ngành yêu thích hơn bằng phương thức kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Tại Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, nhà trường sử dụng ổn định 5 phương thức xét tuyển: 4 phương thức xét tuyển sớm (xét tuyển thẳng, xét tuyển tổng hợp, thi V-SAT, xét tuyển học bạ + phỏng vấn dành cho chương trình liên kết quốc tế) và phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với các phương thức này, đảm bảo thí sinh có đầy đủ các cơ hội để đăng ký xét tuyển theo học tại trường.

“Kết quả học tập của sinh viên cho thấy thành tích của người học với các phương thức xét tuyển khác nhau không có nhiều sự khác biệt. Bởi môi trường học tập tại nhà trường đã tạo cơ hội cho tất cả sinh viên phát huy năng lực của mình trong cả học tập và các hoạt động khác nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo”, ông Thụy cho biết.

Nhìn nhận những hạn chế của việc xét tuyển sớm, song ThS Phạm Thái Sơn (Trường Đại học Công Thương TPHCM) không phủ nhận hiệu quả của các phương thức này. Điều này được chứng minh qua số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển sớm tăng dần qua từng năm tại trường.

Số lượng thí sinh trúng tuyển thông qua các phương thức này cũng chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng số sinh viên nhập học. Điều này không chỉ giúp nhà trường giảm áp lực tuyển sinh vào giai đoạn chính, mà còn giúp sàng lọc sớm những thí sinh có chất lượng tốt, phù hợp với ngành đào tạo.

“Trường chúng tôi xác định tối đa 50% chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm và có hơn 45% thí sinh trúng ở các phương thức này đã đăng ký nguyện vọng 1”, ông Sơn cho biết.

TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cũng cho rằng, các phương thức xét tuyển sớm mang lại những hiệu quả tích cực cho nhà trường, thí sinh và phụ huynh.

Theo TS Nhân, nếu không sử dụng các phương thức xét tuyển sớm hoặc dồn công tác xét tuyển vào một đợt duy nhất có thể tạo ra áp lực lớn cho các trường đại học và thí sinh. Trên thực tế, nhiều thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm có tâm lý thoải mái hơn. Về mặt kỹ thuật, việc dồn xét tuyển vào một đợt có khả năng gây ra sự quá tải của hệ thống, dẫn đến các sự cố kỹ thuật…

Co nen bo xet tuyen som (4).jpg
Nhiều thí sinh, phụ huynh đến Trường Đại học Công nghệ TPHCM để tìm hiểu và nghe tư vấn chỗ ở cho năm học mới. Ảnh: HUTECH

Nên tổ chức ra sao?

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thụy, việc các trường tự quyết định các phương thức xét tuyển khác nhau tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân và cũng có thể giảm áp lực thi cử cho thí sinh. Năm 2025, học sinh sẽ thi tốt nghiệp theo Chương trình GDPT 2018 với một số sự thay đổi trong tổ hợp thi.

Để đảm bảo công bằng, khách quan cho thí sinh và giữa các cơ sở đào tạo, theo PGS.TS Nguyễn Văn Thụy, các phương thức xét tuyển sớm và xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn cần được duy trì. Bởi, dù được xét tuyển bằng phương thức nào, sinh viên cũng học tập trong cùng một môi trường giáo dục công bằng, cơ hội phát triển như nhau.

“Tuy nhiên, cũng cần xem xét các phương thức xét tuyển đảm bảo đơn giản, thuận tiện, công bằng và tích hợp, tránh tình trạng cơ sở giáo dục đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển như ma trận dẫn đến khó khăn trong cách thức tính điểm của thí sinh và giảm tỷ lệ thí sinh ảo trong công tác xét tuyển”, ông Thụy đề xuất.

ThS Phạm Thái Sơn kiến nghị Bộ GD&ĐT nên đưa ra một bộ tiêu chí xét tuyển chung cho tất cả các trường, bao gồm cả các tiêu chí về học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực và các thành tích khác. Khung tiêu chí này cần được áp dụng đồng đều để tránh sự chênh lệch trong việc xét tuyển giữa các trường.

Các thông tin về quy trình xét tuyển, các phương thức và điều kiện xét tuyển cần được công khai sớm và rõ ràng trên các kênh thông tin của nhà trường và Bộ GD&ĐT. Việc này giúp thí sinh từ mọi vùng miền, hoàn cảnh đều có thể nắm bắt thông tin tuyển sinh và chuẩn bị tốt cho công tác này.

Tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2024, đối với thách thức tuyển sinh, trong đó có vấn đề xét tuyển sớm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Chúng ta đang đứng trước thách thức đổi mới công tác tuyển sinh để hô ứng với toàn bộ đổi mới từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều đổi mới. Các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông, tạo sự công bằng cho thí sinh trong cơ hội học tập.

“Chúng ta cũng lưu ý không nên quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận cho học sinh, cho xã hội. Các cơ sở giáo dục đại học có tự chủ cao trong tuyển sinh nhưng tự chủ trong khuôn khổ các quy định. Bộ GD&ĐT có thể gia tăng một số khung, chế tài để điều tiết tuyển sinh năm sau”, Bộ trưởng cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.