Xét tuyển sớm vào đại học: Trăn trở từ trường THPT

GD&TĐ - Ý kiến giáo viên cho rằng, việc trường đại học (ĐH) xét tuyển sớm có ảnh hưởng đến tinh thần, thái độ, chất lượng học tập của học sinh...

Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú
Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú

Nhận thức rõ những tác động đến học sinh khi được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển đại học theo hình thức xét tuyển sớm, nhiều trường THPT đã đưa giải pháp để người học tránh xao nhãng, giảm động lực học tập, ảnh hưởng đến kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Tác động tích cực và tiêu cực

Giảng dạy, ôn thi tốt nghiệp THPT nhiều năm, cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) cho rằng, việc trường đại học (ĐH) xét tuyển sớm có ảnh hưởng đến tinh thần, thái độ, chất lượng học tập của học sinh. Về mặt tích cực, học sinh sẽ dồn tâm lực học tập đạt điểm tốt để có học bạ đẹp và đạt kết quả cao thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Nếu đủ điều kiện trúng tuyển sớm, các em sẽ yên tâm, giảm áp lực trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, mặt trái của việc này là học sinh sẽ có tư tưởng “đỗ ĐH rồi, thi tốt nghiệp THPT không cần điểm cao, chỉ cần đủ diểm để đỗ”. Một số em đến lớp nhưng không tập trung học và không đi học ôn thường xuyên, hoặc nghỉ luôn việc ôn thi; điều này ảnh hưởng ít nhiều đến các bạn cùng lớp.

“Từ kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm, giảng dạy, ôn thi tốt nghiệp THPT nhiều năm, tôi thấy những học sinh trúng tuyển theo xét tuyển sớm, kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT đa số ở mức trung bình - khá. Thậm chí ở những môn “mũi nhọn” trong khối xét tuyển của các em cũng chỉ ở mức “đạt””, cô Vũ Thị Anh cho hay.

Cũng nhìn nhận tương tự, cô Nguyễn Thị Giang Hương - giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) cho rằng, có kết quả trúng tuyển ĐH sớm, học sinh giảm bớt áp lực, dành thời gian tập trung vào những công việc khác. Tuy nhiên, khó tránh khỏi tình trạng một số em lơ là việc học vì chỉ cần thi đủ điểm đỗ tốt nghiệp. Có học sinh chỉ tập trung ôn thi đánh giá năng lực, hoặc thi lấy chứng chỉ tiếng Anh, dẫn đến học “lệch”.

“Xét tuyển sớm không kích thích được học sinh học tập, phấn đấu trong học kỳ II của lớp 12. Một số em không còn quan tâm đến việc học để đạt điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này dẫn đến kết quả thi tốt nghiệp không phản ánh thực chất năng lực của học sinh trong cả 3 năm THPT”.

Chia sẻ điều này, cô Nguyễn Thị Giang Hương cũng cho rằng, đa số các trường ĐH tư vấn hình thức xét tuyển học bạ, hoặc xét kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực khiến nhiều học sinh lầm tưởng chỉ cần có điểm học bạ đạt yêu cầu hoặc đạt kết quả tại kỳ thi đánh giá năng lực là trúng tuyển ĐH. Tuy nhiên, nếu không đỗ tốt nghiệp THPT, các em sẽ không đủ điều kiện vào học ĐH.

Khi các trường ĐH tổ chức xét tuyển sớm, với nhiều phương thức, đã đặt thêm “gánh nặng” định hướng nghề nghiệp lên các trường phổ thông. Biết trúng tuyển sớm, học sinh mang tâm lý chủ quan trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT khiến giáo viên, nhà trường gặp nhiều khó khăn trong dạy và học.

Thực tế đã có học sinh đỗ ĐH bằng hình thức xét tuyển sớm nhưng trượt tốt nghiệp. Thêm nữa, cũng bởi có quá nhiều phương thức xét tuyển nên học sinh bối rối, thầy cô phải liên tục cập nhật thông tin mới, kịp thời để có những tư vấn đúng cho các em giai đoạn cuối cấp THPT.

xet-tuyen-som-vao-dai-hoc-5164.jpg
Giờ học tại Trường THPT Hương Vinh (Thừa Thiên Huế). Ảnh: NTCC

Vai trò định hướng của nhà trường

Phân tích những tác động của việc học sinh được báo đủ điều kiện trúng tuyển sớm vào ĐH, thầy Nguyễn Ngọc Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Hương Vinh (Thừa Thiên Huế) cho rằng, nhà trường cần thường xuyên quán triệt tầm quan trọng của công tác dạy - học đến giáo viên, học sinh; từ đó các em hiểu việc tiếp thu kiến thức nền tảng ở lớp 12 rất quan trọng.

Đối với học sinh sao nhãng học tập sau khi có kết quả xét tuyển làm ảnh hưởng đến không khí học tập của lớp, tác động tiêu cực đến học sinh khác trong lớp, gây khó khăn tổ chức ôn tập tại trường, nhà trường cần có quy định trong đánh giá hạnh kiểm để răn đe và giáo dục.

Nhà trường cũng cần thường xuyên cung cấp thông tin, tư vấn cho phụ huynh, học sinh. Trong bối cảnh có nhiều thay đổi về phương thức thi cử và xét tuyển, học sinh, phụ huynh cần được trang bị đầy đủ thông tin để có thể chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Do đó, việc tổ chức thêm các buổi tư vấn, hội thảo để giải đáp các thắc mắc và cung cấp hướng dẫn chi tiết cho học sinh về chọn tổ hợp môn thi, cách chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển vào ĐH là cần thiết.

Trường THPT Trần Quang Khải có nhiều giải pháp khắc phục tác động tiêu cực của việc xét tuyển ĐH sớm với học sinh. Theo cô Nguyễn Thị Giang Hương, ban giám hiệu luôn quán triệt yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học, thực hiện triệt để quan điểm “học thật, thi thật, chất lượng thật”.

Giáo viên liên tục được bồi dưỡng, cập nhật, đổi mới phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực, bám sát vào đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Trường sớm có kế hoạch khảo sát việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT của học sinh khối 12, xây dựng kế hoạch dạy học, sắp xếp học sinh phù hợp để tổ chức giảng dạy và ôn thi tốt nghiệp hiệu quả.

Từ kinh nghiệm thực tế, cô Vũ Thị Anh cho rằng, vai trò của thầy cô rất quan trọng. Giáo viên cần động viên học sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển bằng xét tuyển sớm tiếp tục học, ôn tập, tránh tình trạng chủ quan, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Thầy cô chủ nhiệm thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh để động viên, nhắc nhở việc học tập.

Liên quan đến vấn đề này, cô Vũ Thị Anh bày tỏ mong muốn có quy định thống nhất các phương thức xét tuyển sao cho hợp lý, không ảnh hưởng đến thí sinh xét tuyển sau, nhất là những em xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, tránh tình trạng không bảo đảm công bằng.

Từ góc độ giáo viên, tôi mong các phương thức xét tuyển ĐH nên thông báo kết quả cùng một lúc. Điều này sẽ hạn chế việc học sinh sau khi biết kết quả sẽ bỏ bê, chểnh mảng việc học.

Nếu có thể, thay vì tách thành nhiều phương thức, mỗi phương thức có tỷ lệ chỉ tiêu nhất định, các trường có thể sử dụng gộp nhiều tiêu chí thành một phương thức: Kết hợp điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ... Điều này, góp phần đảm bảo công bằng hơn với thí sinh và tránh tình trạng điểm chuẩn ĐH tăng cao như những năm vừa qua. - Cô Nguyễn Thị Giang Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Bắc Cường (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) tích cực ứng dụng công nghệ và phần mềm học tập trực tuyến để đổi mới các tiết dạy. Ảnh minh họa: INT

Giáo dục trong Kỷ nguyên mới

GD&TĐ - Đường lối chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của Đảng đối với ngành Giáo dục là luôn đề cao, ưu tiên các chính sách để phát triển giáo dục...

Đình – chùa Câu Nhi là những nơi còn lưu giữ dấu tích về Tiến sĩ Bùi Dục Tài.

Tiến sĩ khai khoa xứ Đàng Trong

GD&TĐ - Từ một thiếu niên không được đi học, không biết chữ nhưng chỉ 12 năm đèn sách đã đỗ Tiến sĩ, trở thành nhà khoa bảng đầu tiên của xứ Đàng Trong.

Khi con khóc đòi hỏi vô lý, bố mẹ hãy lắng nghe và giải thích cho con hiểu vì sao đòi hỏi đó được hay không. Ảnh minh họa: INT.

Tuyệt chiêu 'trị' con khóc nhè nơi công cộng

GD&TĐ - Ở chỗ đông người, “vũ khí” của trẻ nếu muốn đòi hỏi yêu cầu gì đó thường là khóc nhè. Vậy nên, nhiều cha mẹ tỏ ra bối rối, dẫn đến thỏa hiệp với con.